Doanh nghiệp Hà Nội nợ tiền bảo hiểm xã hội cao nhất cả nước

Tính đến hết tháng 6/2017, tại Hà Nội, tổng số tiền nợ đọng của các loại bảo hiểm lên tới 2.938 tỷ đồng, liên quan đến quyền lợi của 682.405 lao động, cao nhất cả nước.
Doanh nghiệp Hà Nội nợ tiền bảo hiểm xã hội cao nhất cả nước ảnh 1(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Tại Hà Nội, hiện còn nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động.

Tính đến hết tháng 6/2017, tổng số tiền nợ đọng các loại bảo hiểm này lên tới 2.938 tỷ đồng, liên quan đến quyền lợi của 682.405 lao động, cao nhất cả nước.

Phát hiện nhiều vi phạm qua thanh tra, kiểm tra

Là đơn vị được giao quản lý hơn 64.000 đơn vị với trên 1,4 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngay từ đầu năm 2017, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tập trung kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.

Kết quả, qua thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại 471 đơn vị, 50 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 48 đại lý thu, cơ quan chức năng đã thu hồi được 105,7 tỷ đồng (đạt 29,7%); đề nghị thu hồi 91 triệu đồng chi sai chế độ ngắn hạn, thu về quỹ bảo hiểm y tế trên 261 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội thành phố đã thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên toàn thành phố là 15.700 tỷ đồng, đạt 47,17%.

Thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội tại 12.126 doanh nghiệp, phát hiện 4.412 doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội kiểm tra 392 doanh nghiệp, kết quả, có tới 83 doanh nghiệp trốn đóng cho 3.413 lao động. Hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp danh sách chi tiết doanh nghiệp, số tiền nợ cho cơ quan thuế để phối hợp thu hồi.

[Bảo hiểm xã hội : Người lao động cũng muốn "trốn" tham gia]

Về thực hiện Quy chế phối hợp với Công an thành phố trong công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ở lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết từ năm 2012 đến nay, Bảo hiểm xã hội đã phối hợp kiểm tra 8 đơn vị vi phạm bảo hiểm xã hội và chuyển một số vụ việc sang cơ quan công an xử lý.

Bảo hiểm xã hội thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan công an; kết quả công tác đơn thư, khiếu kiện, tố cáo của công dân, qua đó, giúp công an thành phố nắm bắt phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực này nhằm phát hiện kịp thời những sở hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách trong quản lý của Nhà nước để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế.

Khẳng định những hiệu quả đạt được trong công tác phối hợp giữa các ngành, song lãnh đạo Bảo hiểm xã hội thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động chấp hành chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được tiến hành thường xuyên; số đơn vị được thanh tra, kiểm tra ít và chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số đơn vị tham gia...

Doanh nghiệp Hà Nội nợ tiền bảo hiểm xã hội cao nhất cả nước ảnh 2(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật

Để tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội xuống dưới 4%, liên ngành (Bảo hiểm xã hội, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Liên đoàn Lao động) đã xây dựng quy chế phối hợp và hiện đang tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định và từng nội dung phối hợp cụ thể.

Theo quy chế, các đơn vị tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến thực hiện đóng bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ này; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nợ đọng và khởi kiện ra Tòa đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể lao động...

Doanh nghiệp Hà Nội nợ tiền bảo hiểm xã hội cao nhất cả nước ảnh 3(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho rằng việc ký kết quy chế phối hợp thời gian qua đã phát huy hiệu quả khi phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm, thu hồi tiền về ngân sách Nhà nước, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Mặt khác, công tác phối hợp còn nhằm mục tiêu cải cách hành chính thuế và bảo hiểm xã hội, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo ông Mai Sơn, trong quá trình phối hợp, còn nhiều tồn tại như chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung để khai thác thông tin phối hợp giữa hai cơ quan; việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chưa xứng với tiềm năng của hai bên.

Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, hạn chế tình trạng trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết đơn vị sẽ phối hợp với các ngành tập trung thực hiện những biện pháp thu hồi nợ nhằm bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đặc biệt, đơn vị sẽ tăng cường đôn đốc thu, thanh tra, kiểm tra liên ngành, hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra Tòa án đối với đơn vị nợ bảo hiểm xã hội.

Ông Lê Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng Bảo hiểm xã hội Hà Nội cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa toàn diện trong việc thực hiện chính sách, chế độ đồng thời thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, ứng dụng hiệu quả Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế vào công tác giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh, phần mềm mới về thu, cấp sổ thẻ, kế toán.

"Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng cần phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế và tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, phòng chống lạm dụng trục lợi bảo hiểm y tế," ông Lê Đình Khương nói.

Phó Giám đốc Phụ trách Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới các hình thức đa dạng, phong phú; trong đó tập trung tuyên truyền một số nhóm đối tượng, các doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội, lao động tự do, lao động trong những khu công nghiệp, làng nghề và tăng cường hình thức đối thoại doanh nghiệp.../.

  
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục