"Thoát" khủng hoảng

Doanh nghiệp Hà Nội "thoát" khủng hoảng kinh tế

Sau một thời gian bươn chải, chống đỡ, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp Hà Nội đã thở phào bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.
Sau một thời gian bươn chải, chống đỡ với những hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới; cùng với sự can thiệp kịp thời từ phía Chính phủ bằng những gói kích cầu kinh tế, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp Hà Nội đã thở phào bước ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Tại cuộc giao ban tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn do Sở Công thương Hà Nội tổ chức ngày 7/8 cho thấy, từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tăng từ 18 - 54%.

Những khởi sắc sau các gói kích cầu kinh tế

Mặc dù nền kinh tế thế giới còn nhiều ảm đạm, song, Sở Công thương Hà Nội cho biết, 7 tháng năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành sản xuất duy trì được mức tăng trưởng cao là sản xuất dụng cụ chính xác, máy móc thiết bị, sản phẩm dầu mỏ, sản xuất thiết bị văn phòng, hóa chất.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp tại Hà Nội đang có chiều hướng tăng trưởng trở lại, dần bứt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Ông Phạm Đức Tiến, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội đánh giá: “Kết quả trên là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ bằng các gói kích cầu kinh tế cùng những động thái giảm, giãn, miễn thuế, những cơ chế chính sách của thành phố Hà Nội”.

Ông Trần Nguyên Châu, Phó giảm đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Thống Nhất phấn khởi cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã khắc phục được khó khăn của khủng hoảng kinh tế, doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, lương công nhân bình quân đạt gần 3 triệu đồng/tháng. Hiện nay, lao động của công ty đang căng sức ra làm việc và nhiều đơn hàng đã ký từ đầu năm đã phải xuất hàng”.

Ông cũng không quên cho rằng, công ty có được sự tăng trưởng đó cũng nhờ phần lớn vào gói kích cầu của Chính phủ và hiện nay công ty cũng đang tiến hành vay vốn để mở rộng đầu tư.

Cùng chung quan điểm này, bà Trương Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Dệt 19/5 cũng khẳng định, nhờ các gói kích cầu của Chính phủ, công ty đã bứt ra khỏi khủng hoảng kinh tế.

6 tháng đầu năm 2009, doanh thu của đơn vị tăng 54% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 34% và dự kiến năm 2009 doanh thu tăng 45%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 25%. Lương bình quân công nhân đạt 1,8 - 1,9 triệu đồng/tháng. Bà Phương khẳng định, thời gian tới, sản xuất kinh doanh của công ty tương đối thuận lợi do có nhiều đơn hàng.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cũng cho biết, tính đến ngày 31/7, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn thành phố đạt gần 70.000 tỷ đồng trong đó doanh nghiệp vay chiếm trên 80%. Thời điểm này, các ngân hàng đang thu nợ với tốc độ thu nợ và cho vay tương đương nhau.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất 4% về cơ bản các doanh nghiệp xuất khẩu đã được thụ hưởng, mang lại hiệu quả nhất định. Tuy vậy, các doanh nghiệp đều đề xuất Chính phủ cần kéo dài thời gian cho vay đến tháng 6 năm 2010 để doanh nghiệp có điều kiện hoạt động có hiệu quả hơn.

Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Động Lực cho rằng: “Nếu không còn thụ hưởng gói kích cầu của Chính phủ, doanh nghiệp có thể rơi vào khó khăn như trước khủng hoảng, vì vậy việc kéo dài thời gian cho vay ưu đãi là rất cần thiết”.

Ông Phạm Hồng Việt, giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay, suy thoái kinh tế đang chững lại và nền kinh tế dần phục hồi nhưng khó khăn vẫn rất lớn do vậy Chính phủ cần kéo dài thời gian cho vay đến hết tháng 6/2010.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phàn nàn cách tính giá điện theo giờ cao điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp không thể cho công nhân ngừng sản xuất vào thời điểm đó được. Chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng nên các doanh nghiệp đều nhận giảm bớt lợi nhuận.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Thống Nhất cho biết do cách tính giá điện theo giờ cao điểm khiến chi phí tiền điện tăng thêm 24%. Tình trạng này cũng diễn ra ở Công ty Cổ phần ximăng Sài Sơn, Công ty May Xuất khẩu DHA, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Mai Động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Dệt 19/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục