Doanh nghiệp Hà Nội tìm giải pháp bình ổn thị trường

Các doanh nghiệp thương mại tại Hà Nội đặc biệt quan tâm vấn đề kiềm chế tăng giá hàng hóa và đã có những giải pháp hiệu quả.
Trong thời gian qua, hệ thống phân phối tại Hà Nội, chủ lực là các siêu thị, trung tâm thương mại, đã tích cực có những đàm phán với các nhà cung cấp, xem xét các yêu cầu tăng giá để điều chỉnh giá bán ra một cách hợp lý, tránh gây “sốc” cho thị trường.

Các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiềm chế tăng giá hàng hóa, với những giải pháp có hiệu quả.

Mấu chốt của vấn đề là đảm bảo tốt nguồn cung, giữ được chân người tiêu dùng nhằm tăng doanh số bán hàng cho các doanh nghiệp và góp phần bình ổn thị trường đang có nhiều biến động như hiện nay.

Không chấp nhận các lý do tăng giá

Mặc dù giữ vai trò là các nhà phân phối hàng hóa, nhưng các siêu thị, trung tâm thương mại không quan niệm “nước lên thì thuyền lên” trong phương châm hoạt động. Lý do bởi nếu giá cả tăng, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức mua người tiêu dùng và dẫn tới doanh số bán hàng bị tác động theo. Bởi vậy, khi giá hàng tiêu dùng thời gian gần đây diễn biến bất thường, các doanh nghiệp cũng tích cực đàm phán với các nhà cung cấp về mức nâng giá.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, phụ trách truyền thông khu vực miền Trung và miền Bắc hệ thống siêu thị Big C cho biết: “ Thông thường, khi các nhà cung cấp yêu cầu tăng giá, cả hai bên nhà cung cấp và nhà phân phối cùng ngồi với nhau xem xét nguyên nhân tăng, mức tăng, thời gian áp dụng tăng giá theo một quy trình phù hợp tránh gây sốc cho người tiêu dùng.”

Trong thời gian thương thảo chưa đi đến thống nhất, một số siêu thị đã chấp nhận để trống kệ hàng đợi đến khi thương thảo xong, trong đó Big C là một điển hình. Động thái này đã nhận được sự đồng thuận cao của người tiêu dùng.

Để Công ty Siêu thị Hà Nội lại chọn các nhà cung cấp khác có mức giá thấp hơn với những mặt hàng tương đương để cung ứng cho người tiêu dùng.

Gánh nặng tăng giá hàng hóa tất nhiên bao giờ cũng được chia sẻ cho ba đối tượng là nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng. Khi nhà phân phối hạn chế được mức tăng giá đầu vào, gánh nặng đỡ trút xuống người tiêu dùng. Chính bởi sự kiên quyết đó mà 90% các nhà cung cấp từng yêu cầu tăng giá (và Big C để trống kệ hàng) đã cung cấp trở lại với mức giá đưa ra tốt hơn rất nhiều so với yêu cầu trước của họ.

Chủ động dự trữ nguồn hàng

Để chủ động nguồn cung cho thị trường, các doanh nghiệp thương mại (dù được vay vốn ưu đãi của thành phố hay không được vay) cũng đều có kế hoạch dự trữ hàng với số lượng đủ để cung cấp từ một vài tháng đến nửa năm.

Điều này rất có tích cực khi mà giá cả thị trường đang có nhiều biến động như hiện nay; giá bán sẽ được ổn định trong một thời gian dài và mức tăng sẽ theo từng bước một.

Lãnh đạo Công ty Siêu thị Hà Nội cho biết: “Chúng tôi cố gắng sử dụng vốn hiện có để dự trữ hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu có sức tiêu thụ lớn. Ví dụ như mặt hàng dầu ăn được chúng tôi mua vào với mức giá hợp lý do nhập vào với số lượng lớn, đủ cung cấp từ tháng Sáu tới tháng Tám. Công ty cũng cân nhắc dự trữ nhóm gạo đặc sản, mua sớm với số lượng lớn để chủ động có giá tốt.”

Bà Đinh Thị Nga, quản lý siêu thị của Công ty Cổ phần Intimex cho biết, công ty đã tích trữ hàng hóa cách đây hơn hai tháng, đủ cung cấp ra thị trường cho cả ba tháng.

Hiện tại, công ty có quan hệ với gần 1.000 nhà cung cấp do vậy có thể chủ động sớm về việc trữ hàng hóa, cả về số lượng lẫn chủng loại.

Bà Nga khẳng định: “Chỉ có dự trữ số lượng hàng lớn mới ổn định được giá bán trong thời gian dài.”

Trong khi đó, tiểu thương tại các chợ dân sinh, cửa hàng đường phố, lại coi trữ hàng lại là cơ hội đầu cơ hàng hóa, thu lợi nhuận cao. Do vậy, thời gian gần đây, các siêu thị ngày càng thu hút nhiều người tiêu dùng tìm đến mua sắm bởi lượng hàng phong phú, giá cả tương đối ổn định./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục