Doanh nghiệp kiến nghị giảm thêm thuế thu nhập

Đánh giá cao hướng thay đổi của Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) nhưng theo nhiều hiệp hội doanh nghiệp, mức thuế suất dự kiến 23% vẫn chưa đủ sức cởi trói cho doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Một vấn đề nóng khác cũng được nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị trong buổi tọa đàm góp ý dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) diễn ra sáng 9/4, là những quy định về mức khống chế với chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Theo một số doanh nghiệp việc khống chế trần chi phí quảng cáo có thể hợp lý vào thời điểm trước, nhưng khi Việt Nam gia nhập WTO, việc đảm bảo tài chính cho các doanh nghiệp để cạnh tranh là cần thiết.
Đánh giá cao hướng thay đổi của Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) nhưng theo nhiều hiệp hội doanh nghiệp, mức thuế suất dự kiến 23% hay việc nâng trần chi phí quảng cáo khuyến mãi vẫn chưa đủ sức cởi trói cho doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Ý kiến này được vừa được đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra trong Hội nghị góp ý dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) diễn ra sáng 9/4.

Thuế thu nhập doanh nghiệp nên giảm về 20%

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mức thuế 23% đã giảm 2% so với quy định hiện hành nhưng thực tế vẫn chưa tạo đà cho các doanh nghiệp đi lên trong thời kỳ nhiều đơn vị đều "ngập sâu" trong khủng hoảng.

So sánh với các nước trong khu vực, bà Loan cũng cho rằng, mức thuế theo dự thảo vẫn cao so với các quốc gia lân cận.

"Hiện các quốc gia và vùng lãnh thổ gần Việt Nam đều để thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp để nuôi dưỡng nền kinh tế như Singapore và Đài Loan cùng có mức thuế là 17%, Hồng Kông là 16,5% hay Thái Lan cũng mới giảm mức thuế này về 20% từ đầu năm nay," bà Loan dẫn chứng.

Vì vậy, bà Loan cũng kiến nghị, để doanh nghiêp thực sự có động lực để tái cơ cấu đầu tư, xử lý hàng tồn kho thì mức thuế suất phổ thông nên xuống 20% hoặc ít nhất cũng giảm thêm 1% so với dự thảo để về ngưỡng 22%.

[Thuế thu nhập doanh nghiệp có thể giảm xuống 23%]

Ý kiến này của bà Loan cũng được đại diện các hiệp hội đồng tình như Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, Hiệp hội Dược Việt Nam, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam...
 
Về mức thuế ưu tiên với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, một trong những tiêu chí xác định "doanh nghiệp vừa và nhỏ" dựa vào mức doanh thu 20 tỷ đồng/năm cần phải xem xét lại.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, nếu áp dụng mức doanh thu này để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hiện có hơn 152.000 doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, chiếm tỷ lệ hơn 84%.

"Tỷ lệ này không hợp lý vì ngay ở các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải xấp xỉ 92-95%," bà Loan nói.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, tiêu chí xét doanh nghiệp nhỏ và vừa để hưởng ưu đãi thuế cần tính toán tới cả lĩnh vực, ngành nghề.

Với ngành thủy sản, doanh nghiệp thuộc diện "nhỏ và vừa" trung bình cũng có khoảng 300 lao động và doanh thu 100 tỷ đồng mỗi năm. Số lượng doanh nghiệp như thế chiếm tới trên 70% trong ngành thủy sản.

"Nếu căn cứ theo tiêu chí trong dự thảo thì ngành thủy sản hầu như không có doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi của Nhà nước," Chánh văn phòng của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam nói.

Vẫn lo trần phí quảng cáo

Một vấn đề nóng khác được nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị trong buổi tọa đàm sáng nay là những quy định về mức khống chế với chi phí quảng cáo, khuyến mãi.

So với luật hiện hành, dự luật lần này đã điều chỉnh mức khống chế chi phí trên từ 10% lên 15% và bỏ các khoản chi như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng ra khỏi danh sách khống chế mức chi.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc "trói" doanh nghiệp bằng chi phí quảng cáo như trên vẫn là điểm mấu chốt khiến các đơn vị không tiếp cận được thị trường.

Theo bà Hằng, việc khống chế trần chi phí quảng cáo có thể hợp lý vào thời điểm trước để bảo vệ những doanh nghiệp "siêu nhỏ" nhưng khi Việt Nam gia nhập WTO, việc đảm bảo tài chính cho các doanh nghiệp để cạnh tranh là cần thiết.

"Việc giữ quy định như hiện hành khiến doanh nghiệp có sức ì vì họ thấy không được trừ chi phí quảng cáo nên sẽ quảng bá yếu ớt và ít khuyến mãi kích cầu," bà Hằng nói.

Nói thêm ý kiến, ông Trần Đức Chính, Tổng thư ký Hiệp hội Dược Việt Nam cho rằng, một doanh nghiệp muốn có thương hiệu thì cần thời gian dài để đầu tư cho quảng cáo, tiếp thị.

"Đầu tư cho quảng cáo tiếp thị cần phải hiểu là khoản đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp, mà đã là đầu tư thì Nhà nước nên khuyến khích," ông Chính nêu ý kiến.

Thẳng thắn hơn, đại diện Hiệp hội Dược Việt Nam còn đánh giá, với quy định hiện hành, "Việt Nam đang một mình một sân chơi" vì các nước khác hầu như không có sự khống chế với khoản chi phí này của doanh nghiệp.

Không những thế, việc khống phí trần phí quảng cáo còn được ông Chính không ngần ngại chỉ ra rằng, các doanh nghiệp phải tìm cách "lách" để có thêm chi phí cho hoạt động này.

Ghi nhận những ý kiến trong tọa đàm, ông Đinh Trịnh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu những kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Hải cũng chia sẻ về "cái khó" của cơ quan làm chính sách. "Nếu có điều kiện để giảm thuế luôn về 20% thì quá tốt nhưng mỗi 1 phần trăm thuế sẽ tương đương 6.000 tỷ đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới ngân sách," ông Hải nói.

Đưa ra ý kiến cá nhân về mức phí quảng cáo, khuyến mãi, ông Hải cho rằng dự thảo mới nên có lộ trình, có thể 2-3 năm tới để bỏ mức rào này. Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cũng tỏ ra băn khoăn về những giải pháp để quản lý khoản chi phí này hiệu quả, tránh việc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp sang khoản phí quảng cáo.

Nói thêm, ông Đinh Trịnh Hải cho biết, vào khoảng giữa tuần sau, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về những quan điểm còn khác nhau của dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

"Nguyên tắc sửa đổi luật vẫn được quán triệt là phải khắc phục được nhược điểm luật đã ban hành, cụ thể, đơn giản và dễ hiểu," ông Hải nói./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục