Doanh nghiệp kiều bào là các "sứ giả" cho hàng hóa Việt Nam

Mạng lưới doanh nghiệp Việt kiều trên khắp thế giới đóng vai trò đặc biệt giúp các doanh nghiệp trong nước kết nối với thế giới, là cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp kiều bào là các "sứ giả" cho hàng hóa Việt Nam ảnh 1Dây chuyền chế biến cá tra đông lạnh tại Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Khoảng 4,5 triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống, lao động, học tập tại 109 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, cộng đồng người Việt ngày càng ổn định cuộc sống và hòa nhập vào xã hội nước sở tại, có tiềm lực đáng kể về tri thức và kinh tế.

Bên lề Tọa đàm “Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước” tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả nổi bật của việc thu hút đầu tư doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đóng góp cho đất nước thời gian qua?

Ông Vũ Hồng Nam: Những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển lớn mạnh cả về số lượng, thành phần, tiềm lực và địa vị xã hội.... Với tình cảm hướng về quê hương, tinh thần tự tôn dân tộc, bà con đã tích cực tham gia đóng góp với đất nước trên nhiều lĩnh vực chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo...

Xu hướng người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trong nước phát triển mạnh trong thời gian qua với các hình thức như bà con đưa vốn về đầu tư ở trong nước và tìm kiếm nguồn hàng trong nước để xuất khẩu ra nước ngoài; tìm kiếm công nghệ nước ngoài đưa về đầu tư sản xuất ở Việt Nam.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ bà con tiếp tục phát triển đầu tư hiệu quả ở trong nước.

Đến nay, đã có 51 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 6.300 doanh nghiệp kiều bào đang hoạt động với 2.000 dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản…

Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã đưa nhiều dự án đầu tư lớn về cho đất nước, là cổ đông chính trong một số ngân hàng như Techcombank, VPBank…; trong lĩnh vực bất động sản, trung tâm thương mại là VinGroup, Melinh Plaza…; trong lĩnh vực khách sạn là Furama; trong lĩnh vực sản xuất như Eurowindow, Masan, Công ty hóa phẩm Mỹ Lan; trong lĩnh vực du lịch như tập đoàn SunGroup, Eden Dalat Resort; trong chế biến rác thải có Công ty Đa Phước.

Các dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Doanh nghiệp kiều bào là các "sứ giả" cho hàng hóa Việt Nam ảnh 2Công nhân Công ty Cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu (Eurowindow) trong giờ làm việc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

- Theo ông, thời gian tới, Nhà nước cần làm gì để khắc phục những khó khăn trong việc thu hút kiều bào về đóng góp cho Tổ quốc?

Ông Vũ Hồng Nam: Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cầu nối quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Có thể nói, các doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào về đầu tư trong nước ngày càng nhiều. Bà con ở nước ngoài làm ăn phát triển, có cơ hội, nguồn vốn, do đó về tìm kiếm cơ hội đầu tư ở trong nước.

Bên cạnh đó, do chính sách của Nhà nước ngày càng thông thoáng, tạo thuận lợi cho bà con đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở trong nước.

Việt Nam đã rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới những văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài như Luật Quốc tịch sửa đổi 2014 cho phép bà con giữ lại và đăng ký trở lại quốc tịch Việt Nam; Luật Đất đai và Luật Nhà ở mới cho phép kiều bào khi nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà và có quyền sử dụng, sở hữu, chuyển đổi như công dân trong nước; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi tạo thuận lợi tối đa cho môi trường đầu tư kinh doanh, Luật Hải quan và Luật thuế mới đơn giản hóa thủ tục, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu và khuyến khích phát triển.

Gần đây nhất là Nghị định số 82/2015/NĐ-CP cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam được miễn thị thực.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, do đó Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước triển khai thống nhất các chính sách.

Một số đơn vị thực hiện ở địa phương chưa quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách, vì thế trong quá trình thực hiện, vẫn còn tồn tại việc một số địa phương đưa ra những chính sách nhỏ.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Nhà nước về hỗ trợ cho bà con kiều bào, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn nắm bắt thông tin xem bà con vướng mắc, khó khăn ở đâu để hỗ trợ.

Trong thời gian qua, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của các địa phương, vì khi phát hiện ra những vấn đề tồn tại không phù hợp với luật pháp chính sách của Việt Nam đã trao đổi với địa phương để giải quyết.

Cho đến nay, bà con đều đánh giá cao chính sách vĩ mô cũng như các cấp thực hành. Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới khi Chỉ thị số 45 CT/TƯ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đi vào cuộc sống một cách toàn diện và Chính phủ có chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 45, tiếp nối thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì các cấp trong hệ thống chính trị, Chính phủ, bộ, ban, ngành và các địa phương có chuyển biến mạnh hơn nữa, tranh thủ nguồn lực rất lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế...

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp kiều bào trong việc quảng bá hàng Việt Nam ra nước ngoài?

Ông Vũ Hồng Nam: Chúng ta cần khẳng định những lợi thế của doanh nghiệp kiều bào, đó là sự am hiểu sâu thị trường, tiềm năng cung cầu, sự có mặt rộng khắp trên thế giới của mạng lưới doanh nghiệp Việt với vai trò là kênh thông tin hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với thế giới, là cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp kiều bào là các "sứ giả" cho hàng hóa Việt Nam ảnh 3Hội chợ thương mại Việt-Trung. (Nguồn: (TTXVN)

Chúng ta phải nhìn nhận vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài như một sứ giả. Bởi là người Việt Nam sống ở nước ngoài vì thế họ có thuận lợi hiểu được tiềm năng của Việt Nam và khi sống ở nước ngoài thì hiểu được văn hóa của nước bạn. Đặc biệt biết được những hàng hóa nào của Việt Nam có thể bán sang nước bạn. Những công nghệ của nước bạn có thể đưa vào Việt Nam để đầu tư, sản xuất hàng hóa.

Những thuận lợi này thì không phải ai cũng có được. Chính vì lợi thế đó, thời gian qua đã có nhiều công nghệ nước ngoài được kiều bào đưa về đầu tư ở trong nước. Nhiều hàng hóa Việt Nam được xuất ra nước ngoài qua người Việt Nam như hàng may mặc, giày dép, thực phẩm, vật liệu xây dựng….

Có thể nói đây cũng chính là hiệu quả của cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam do Trung ương Mặt trận Tổ quốc triển khai. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thông qua các đại diện ở nước ngoài để quảng bá, vận động bà con sử dụng và quảng bá hàng Việt Nam.

Đây là chương trình được thực hiện có hiệu quả, nhờ đó hàng hóa được đưa đến những nơi có sự hiện diện của người Việt Nam . Điều đó thể hiện vai trò rất lớn của người Việt Nam , doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục