Doanh nghiệp lạc quan về môi trường kinh doanh

Kết quả báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2008 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đều tin tưởng vào khả năng Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức, bình ổn kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới.

Kết quả báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2008 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đều tin tưởng vào khả năng Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức, bình ổn kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới.

Báo cáo, được công bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2008, khai mạc ngày 1/12 tại Hà Nội, dựa trên cơ sở điều tra tại 254 doanh nghiệp, trong đó 77% là doanh nghiệp trong nước và 23% là doanh nghiệp nước ngoài.

Mặc dù các doanh nghiệp đều cảm nhận là môi trường kinh doanh năm 2008 kém thuận lợi hơn so với các năm trước nhưng vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh của những năm sắp tới.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), cho biết: "Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đã được củng cố qua năm 2008 với các dòng đầu tư gián tiếp mạnh mẽ đổ vào thị trường chứng khoán và đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn được giải ngân đạt gần 10 tỉ USD. Lạm phát đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây cho thấy chính sách tài chính và tiền tệ áp dụng trong quí II đã thành công. Thâm hụt thương mại đã giảm tốc, dự trữ ngoại hối vẫn đảm bảo."

Về triển vọng hợp tác với Việt Nam, ông Alain Cany nhấn mạnh: "EuroCham và các thành viên của mình tin tưởng chắc chắn vào những tiềm năng to lớn của Việt Nam như là một nước dẫn đầu trong khu vực và điểm đến của các nhà đầu tư châu Âu. Chúng tôi rất hân hạnh được hỗ trợ Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào để củng cố và phát triển những thành công của mình. Chúng tôi mong muốn làm việc với Chính phủ Việt Nam và tất cả các thành viên và đối tác, cả ở Việt Nam và châu Âu, để tối đa hóa thành công của mình trên đất nước Việt Nam thịnh vượng."

Điều tra của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) năm 2008 cũng cho thấy các công ty Nhật Bản vẫn rất quan tâm tới Việt Nam. Tuy nhiên, theo JBIC, số phiếu ủng hộ Việt Nam đã bắt đầu giảm do "Việt Nam là nước có tiềm năng không thay đổi nhưng tỷ lệ quan tâm dành cho yếu tố lực lượng lao động rẻ đã suy giảm." Giá lao động tăng lên trở thành vấn đề quan tâm mới của các nhà sản xuất Nhật Bản, cùng với việc cơ sở hạ tầng kém phát triển tại một số khu vực.

Tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam lần này có đại diện của 150 doanh nghiệp nước ngoài và 100 doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung vào các nguồn lực sẵn có để duy trì các lĩnh vực kinh doanh chính và các thị trường quen thuộc, giảm các chi phí. Theo họ, đây là thời điểm cần củng cố, rà soát lại công tác quản lý và đào tạo nhân lực nhằm xây dựng lại bộ máy tổ chức của doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Các phiên đối thoại tại diễn đàn lần này tập trung vào các chủ đề chính là ngân hàng, cơ sở hạ tầng, sản xuất và phân phối, khai thác khoáng sản, du lịch, đất đai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục