Doanh nghiệp ngày càng lo việc phải trả “chi phí không chính thức”

Kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy, doanh nghiêp vẫn phàn nàn nhiều về tác phong của cán bộ ngành thuế, đặc biệt việc phải bỏ chi phí không chính thức.
Doanh nghiệp ngày càng lo việc phải trả “chi phí không chính thức” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Điểm số trung bình đo chỉ số hài lòng của doanh nghiệp với cải cách hành chính thuế năm 2016 có tăng so với cách đây 2 năm tuy nhiên những phàn nàn về tác phong của cán bộ ngành thuế, việc phải bỏ chi phí không chính thức lại có phần gay gắt hơn trước.

Đây là những kết quả cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng tại 3.453 doanh nghiệp trên cả nước năm 2016 về cải cách thủ tục hành chính thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Thuế và Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Chưa kịp hiểu thông tư này, đã có thông tư khác

Là người trực tiếp tham gia cuộc khảo sát này từ năm 2014, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, đã có nhiều tín hiệu tích cực về cải cách hành chính thuế được doanh nghiệp ghi nhận.

Đơn cử, ông Tuấn cho biết, về hạng mục khả năng tiếp cận thông tin pháp luật về thuế, 78% doanh nghiệp được hỏi đánh giá dễ tiếp cận các văn bản Trung ương về thuế. Tỷ lệ này trong năm 2014 chỉ là 51%.

[Doanh nghiệp phàn nàn thủ tục thuế, hải quan nửa vời, máy móc]

Tuy nhiên, với văn bản pháp luật thuế cấp tỉnh, thống kê cho thấy, chỉ có 62% doanh nghiệp được hỏi cho biết dễ tiếp cận văn bản. Sự đi xuống này theo ông Tuấn cho thấy, không hẳn tất cả doanh nghiệp đều hài lòng.

Ông lấy ví dụ về phàn nàn phía VCCI nhận được từ doanh nghiệp như việc không nắm được hết các văn bản, chính sách, pháp luật thuế. Điều này theo đại diện một số doanh nghiệp xuất phát từ việc chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm.

“Doanh nghiệp chưa kịp thông suốt thông tư, nghị định này thì đã có thông tư, nghị định khác xuất hiện,” ông Tuấn dẫn phản ánh của doanh nghiệp.

Cũng về tìm hiểu thông tin, khảo sát đã đo mức độ hài lòng về phương thức tìm hiểu thông tin với kết quả cho thấy, doanh nghiệp khá hài lòng với cách gọi điện hay tham dự đối thoại. Tuy nhiên, các đơn vị tỏ ra ít hài lòng khi tìm hiểu thông tin bằng cách gọi điện hay gửi công văn tới cơ quan chức năng.

“Có doanh nghiệp phản ánh, nhiều lúc cơ quan thuế không trả lời thắc mắc qua điện thoại mà yêu cầu doanh nghiệp trực tiếp tới cơ quan thuế mặc dù đó chỉ là thắc mắc nhỏ,” ông Tuấn nêu ví dụ. Điều này theo ông khiến doanh nghiệp phát sinh thêm tốn kém chi phí và thời gian.

Trường hợp khác, ông Tuấn nhắc lại ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, vai trò hỗ trợ người nộp thuế còn mờ nhạt. Khi đơn vị có thắc mắc cần hỗ trợ, câu hỏi doanh nghiệp nhận được chỉ chung chung theo kiểu “Anh chị đọc kỹ thông tư số… ngày… tháng…năm.”

Ở một hướng khác, với hạng mục về thực hiện thủ tục hành chính thuế, báo cáo VCCI cho thấy, doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng cao thì càng gặp phiền hà. Cụ thể, tới 49% doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng phàn nàn họ gặp phiền hà trong khi chỉ có 39% doanh nghiệp doanh thu dưới 1 tỷ đồng gặp phải phiền phức.

Phiền hà nhất theo giới doanh nghiệp là khâu khai thuế và khai quyết toán thuế. Riêng mảng này đã có tới 31% doanh nghiệp phản ánh. Tiếp theo là các thủ tục về hoàn thuế (26%), đăng ký và thay đổi thông tin đăng ký thuế (15%),…

Vẫn lo bị phân biệt đối xử

Có sự trùng hợp là không chỉ doanh nghiệp có số thu cao gặp phiền hà về thủ tục thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, doanh nghiệp càng lớn càng bị kiểm tra, thanh tra thuế. Đây là xu hướng đã tồn tại từ những năm 2014 nhưng theo đại diện VCCI, những thống kê tiếp tục chỉ ra điều theo ông Tuấn là “không tốt.”

Theo thống kê, trong khi chỉ có 32% doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng cho biết có bị thanh tra kiểm tra thuế thì với đơn vị có doanh thu từ 1-10 tỷ đồng, tỷ lệ này lên tới 53%. Thậm chí, với nhóm doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng, 74% số đơn vị được hỏi cho rằng họ có tiếp đón đoàn thanh kiểm tra thuế trong vòng 1 năm trở lại đây.

Việc này theo ông Tuấn sẽ dẫn tới hệ quả, các doanh nghiệp khó có động lực để lớn lên vì tỷ lệ bị thanh kiểm tra thuế cao. Ngoài ra, ông cũng tiết lộ, riêng việc thanh kiểm tra cũng bị doanh nghiệp kêu là chồng chéo.

"Ngoài cơ quan thuế, còn có công an, kiểm toán, quản lý thị trường hay thậm chí… kiểm lâm," đại diện VCCI lên tiếng.

Cũng về thanh kiểm tra, phần lớn doanh nghiệp cho rằng, thời gian thanh kiểm tra đúng với quyết định (95%) và thái độ cán bộ thuế đúng mực (90%). Tuy nhiên, vấn đề được các đơn vị nêu lên là, vẫn có tình trạng “trong quá trình thanh tra phải chi thêm nhiều khoản chi cho cán bộ thuế để không bị hành.”

[Ngành thuế tính toán cải cách khâu hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra]

Chi phí không chính thức cũng là một phần đáng chú ý nhất của kết quả khảo sát khi 34% doanh nghiệp cho rằng có hiện tượng chi trả khoản chi phí này. So với năm 2014, tỷ lệ đã đã tăng nhẹ (năm 2014 là 32%).

Vậy nếu không chi trả chi phí không chính thức, doanh nghiệp có bị phân biệt đối xử không? Kết quả khảo sát cho thấy, 39% doanh nghiệp cho biết là “Có.” Con số chỉ giảm nhẹ so với mức 40% đồng tình của năm 2014.

Cũng về công chức thuế, kết quả cho thấy 53% đánh giá tác phong của công chức thuế tốt/rất tốt tuy nhiên bà Nicola Smithers, Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, còn gần 50% doanh nghiệp không nghĩ như vậy.

Đây là vấn đề theo bà liên quan tới con người nên cơ quan chức năng cần có thêm những hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn, điều này phải thực hiện trong khi cán bộ thuế… rất bận rộn vì phải phục vụ người dân.

Thừa nhận công tác thuế còn những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm. Một số vấn đề được ông nêu lên là đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng mạnh công nghệ, áp dụng quản lý rủi ro để thanh kiểm tra mà không làm phiền doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm các đơn vị chức năng đang rà soát hàng loạt quy trình nghiệp vụ thuế và sẽ công khai để xã hội cùng giám sát./.

Có 10.028 doanh nghiệp được gửi phiếu khảo sát và có 3.453 doanh nghiệp đã trả lời, đạt tỷ lệ phản hồi là 34% (năm 2014 là 27%). Các nội dung đánh giá cụ thể là:
1: Chỉ số Tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính thuế.
2: Chỉ số Thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
3: Chỉ số Thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại thuế.
4: Chỉ số Sự phục vụ của công chức thuế.
5: Kết quả giải quyết công việc.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục hành chính thuế.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục