Doanh nghiệp nghi ngờ lý do nước ngọt bị đánh thuế

Nhiều doanh nghiệp tỏ ra nghi ngờ về cơ sở của phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn.

Không đồng tình với ý kiến cho rằng, nước ngọt có ga gây hại cho sức khỏe người dùng, một số doanh nghiệp có mặt trong diễn đàn “Triển vọng ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam” tổ chức sáng nay (28/3) cũng nghi ngờ về khả năng tăng thu ngân sách nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng nước giải khát.

Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Sesto Vecchi, đại diện Công ty luật Russin & Vecchi nhận định, dự thảo áp mức thuế 10% với mặt hàng nước ngọt “có ga không cồn” chứng tỏ, thuế không “đánh” vào hàm lượng đường trong nước ngọt mà hướng vào yếu tố “có ga.”

Tuy nhiên, vị đại diện này cho rằng, đây chưa chắc đã là yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà thậm chí ở một vài phương diện là có lợi.

“Chúng tôi cho rằng cần luận cứ khoa học chứng minh xem nước ngọt có ga ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người hay không,” luật sư của công ty ty Russin & Vecchi lên tiếng.

Có đánh giá tương tự, ông Christopher J. Snowdon, chuyên gia từ Viện nghiên cứu kinh tế London cho rằng, việc đánh thuế chưa chắc đã thay đổi được thói quen người tiêu dùng trong khi nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới thị trương và người tiêu dùng thì không hề nhỏ.

“Người dân sẽ phải bỏ thêm tiền túi ra để mua những sản phẩm nước ngọt hoặc họ chọn cách mua ở thương hiệu rẻ tiền hơn,” ông Christopher J. Snowdon nói.

Điều này được đại diện của Viện nghiên cứu kinh tế London chỉ ra thêm trong ví dụ về sắc thuế Đan Mạch đã áp với chất béo của một loại bánh ngọt ở nước này. Theo ông, hậu quả của quyết định này đã không được như Chính phủ Đan Mạch mong đợi là thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân mà chỉ khiến người dân tìm mua bánh ở các thương hiệu rẻ tiền hơn hoặc mua loại bánh tương tự ở nước láng giềng.

“Về mặt lý thuyết, thuế ở mức cao có thể có một số tác dụng nhưng điều này là chưa biết được và hệ quả không mong muốn có thể là nghiêm trọng vì nó tiếp lửa cho thị trường chợ đen và thậm chí gây lạm phát,” ông Christopher J. Snowdon đánh giá.

Còn với đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất-thương mại Tân Quang Minh, vị này cho rằng, mức thuế 10% sẽ “đánh” trực tiếp vào người tiêu dùng và khiến sức mua trên thị trường giảm xuống.

“Khi sản lượng giảm sẽ khiến sản xuất đình trệ, vậy tăng thu cho ngân sách liệu có đạt được hay không?,” đại diện Tân Quang Minh nêu ý kiến.

Đưa ra tính toán cụ thể hơn, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mức thuế mới nếu được áp dụng có thể khiến ngành công nghiệp đồ uống mất hàng triệu USD. Số thu với nền kinh tế cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

“Tuy nhiên, đó chỉ là tác động trực tiếp mà chưa tính tới yếu tố gián tiếp như việc làm, nhà cung cấp mía, đường, khoáng chất,…,” ông Chung nói.

Trước đó, theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính, những chất công nghiệp trong nước ngọt đã được nhiều chuyên gia y tế quốc tế cảnh báo tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức như: gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư,... Bởi vậy, việc định hướng tiêu dùng đối với nước ngọt có ga không cồn hiện nay theo cơ quan quản lý là cần thiết để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Với mức thuế dự kiến 10% từ 1/7/2015, Bộ Tài chính ước số thu ngân sách sẽ tăng khoảng 1.500 tỷ vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỷ đồng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục