Doanh nghiệp nhà nước: Đóng góp chưa xứng với phần vốn nắm giữ

Doanh nghiệp nhà nước: Đóng góp chưa tương xứng với phần vốn nắm giữ

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân,việc giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước khi tái cơ cấu là chưa hợp lý quan trọng là phải thay đổi mô hình quản lý, tách bạch cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan đại diện vốn.
Doanh nghiệp nhà nước: Đóng góp chưa tương xứng với phần vốn nắm giữ ảnh 1 Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tài sản và vốn mà doanh nghiệp nhà nước nắm giữ và sử dụng trong thời gian qua khá lớn nhưng đóng góp của khu vực này chưa tương xứng với phần họ đang quản lý, nắm giữ. Do đó, theo đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân, luật phải giải quyết được vấn đề này chứ không phải "cứ nói đến tái cơ cấu là giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước cho bằng được."

Mặt khác, theo ông Ngân, có những lĩnh vực và ngành nghề vẫn cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước để thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô…

Đó là ý kiến của đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) khi trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 21/10.

- Thưa ông, đến nay, vẫn nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Vậy làm thế nào để có thể quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này một cách hiệu quả?

Ông Trần Hoàng Ngân: Quốc hội khóa VIII cũng đang bàn về Luật quản lý vốn nhà nước nhằm giám sát được và gắn trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đó, để họ có thể đóng góp vào sự nghiệp chung nhiều hơn.

Theo tôi tư duy hiện nay là phải giảm cho được số lượng doanh nghiệp nhà nước là chưa hợp lý bởi lẽ, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có khi lại dẫn đến việc giám sát không rõ ràng, minh bạch. Do đó, hay nhất là phải thay đổi cách quản trị mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước và tách bạch cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan đại diện vốn.

Đơn cử như Bộ Công thương hiện nay, theo tôi Bộ này không thể vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước đồng thời lại ban hành các chính sách để quản lý doanh nghiệp nhà nước. Trên thực tế, bộ này không chỉ lo cho doanh nghiệp nhà nước mà lo cho tất cả các thành phần kinh tế khác. Như vậy để đảm bảo việc cạnh tranh minh bạch rõ ràng thì anh không được là chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước mà chỉ là cơ quan quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Do vậy, trong luật quản lý vốn nhà nước nếu tách bạch được vấn đề này sẽ nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn và chắc chắn nguồn thu vào ngân sách nhà nước sẽ tăng lên, khi đó bội chi ngân sách nhà nước sẽ giảm đi, kèm theo đó tốc độ tăng nợ công cũng giảm đi.

- Với việc xây dựng luật quả lý vốn nhà nước, theo ông về phần người đại diện vốn nhà nước tại kỳ họp lần này cần phải thay đổi theo hướng nào cho phù hợp?

Ông Trần Hoàng Ngân: Như chúng ta đã biết, đại diện vốn thể hiện cả ở Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, do vậy phải gắn với trách nhiệm và quyền lợi của họ. Chúng ta không thể nào vừa khống chế tiền lương của Tổng Giám đốc chỉ ở mức 30 triệu đồng trong khi chưa gắn với hiệu qủa sử dụng đồng vốn đó, thậm chí doanh nghiệp nhà nước muốn cổ phần hóa thì vẫn có thể thuê chuyên gia nước ngoài để quản lý doanh nghiệp đó, nếu khống chế mức lương như vậy sẽ rất khó.

Nhưng ngược lại khi đã giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước, tài sản nhà nước thì phải có nhiệm vụ minh bạch để người dân có thể giám sát được, từ đó dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn.

Hiện Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý như các bộ, Ủy ban nhân dân các địa phương lên kế hoạch cổ phần hóa, lên đề án cổ phần hóa cũng như xác định giá trị doanh nghiệp, trên cơ sở đó, những lĩnh vực chúng ta thấy có thể để cho tư nhân làm được thì cần mạnh dạn cổ phần hóa còn những lĩnh vực mang tính góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an ninh trật tự xã hội thì doanh nghiệp nhà nước vẫn cần phải giữ trận địa đó nhưng phải minh bạch và phải thay đổi cơ chế quản trị và điều hành.

- Quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay có thực trạng là các tổng công ty rất nhiều đại diện vốn ở các công ty cổ phần, nhưng khi muốn thay đổi về quản lý thì rất chậm, thực tế trên theo ông cần điều chỉnh lại thế nào?


Ông Trần Hoàng Ngân:
Nghị quyết quốc hội đã có và Chính phủ đang thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Không có lực cản nào về tư duy chậm trễ nữa. Hiện nay các đại biểu Quốc hội cũng rất bức xúc về vấn đề này nên đã yêu cầu Chính phủ hết sức minh bạch trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vừa qua cho thấy, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là các tập đoàn, tổng công ty còn chậm trong khi việc tái cơ cấu trong đầu tư công và tái cơ cấu ngân hàng thương mại đã đạt kết quả nhất định so với tái cơ cấu trong doanh nghiệp nhà nước.

- Vậy ông có lo ngại về độ mở của nền kinh tế không? bởi hiện nay chúng ta đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới?

Ông Trần Hoàng Ngân: Nhìn ở góc độ khu vực ASEAN thì độ mở của họ cũng ở mức vừa phải. Trong khi đó, kinh tế thế giới hiện nay chứa đựng nhiều yếu tố khó lường. Bên cạnh đó, tình hình chính trị ở nhiều quốc gia phức tạp, chiến tranh tại nhiều khu vực đang diễn ra.

Từ thực tế đó, nếu chúng ta mở quá lớn mà không có khả năng tự chủ được thì dẫn đến sự lệ thuộc và quan trọng hơn khi đã lệ thuộc thì khi kinh tế thế giới nếu có vấn đề gì thì ngay lập tức sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện kinh tế của Việt Nam có sự đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là rất lớn. Nếu kinh tế thế giới lại khủng khủng hoảng thì khối FDI sẽ rút ra như vậy chúng ta sẽ khó khăn.

Do vậy, trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần quan tâm đến thị trường nội địa với 90 triệu dân, chú ý đến việc hỗ trợ loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng doanh nghiệp tư nhân.

Nói cụ thể hơn, với doanh nghiệp dân doanh hiện nay, họ rất khao khát được thấy sự thay đổi trong cơ chế chính sách của nhà nước để yên tâm đầu tư, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính và nhà nước cần có nhiều trung tâm hỗ trợ xúc tiến dịch vụ công miễn phí.

Một thực tế nữa là nhiều doanh nghiệp hiện nay rất cần đổi mới máy móc thiết bị để tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất như Trung Quốc, nhưng do khó khăn về vốn nên chúng ta phải có chính sách hỗ trợ lãi suất trung dài hạn trong 5-7 năm và cam kết giữ lãi suất đó ổn định để họ tiếp tục đầu tư.

Có thể thấy phần này chúng ta bỏ ra rất ít nhưng thu ở tương lai rất nhiều, chúng ta lại có năng suất lao động, lại có sản phẩm cạnh tranh.

- Ở góc độ đại biểu quốc hội, theo ông cần phải tập trung vào các giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa?

Ông Trần Hoàng Ngân: Trách nhiệm của các đại biểu quốc hội là phải làm cho thể chế minh bạch rõ ràng để cho các cơ quan nhà nước phải thực thi đúng tinh thần đó. Tuy nhiên, chính sách dù tốt đến đâu vẫn cần con người thực hiện điều đó và phải nhanh chóng có trung tâm hành chính công.

Có thể thấy, lo cho doanh nghiệp chính là lo cho ngân sách của họ. Cho nên phải gắn quyền lợi của khu vực địa phương đó với nguồn ngân sách họ thu cũng như lao động tại địa phương đó. Như thế mới giải quyết được, chứ chỉ riêng thể chế thôi thì cũng không được.

Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục