Doanh nghiệp Nhà nước vào đúng vai sẽ góp phần phục hồi kinh tế

Theo các chuyên gia, khi có thể hoạt động đúng theo nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp Nhà nước sẽ vào đúng vai trong sự hồi phục, tăng trưởng của nền kinh tế.
Doanh nghiệp Nhà nước vào đúng vai sẽ góp phần phục hồi kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong tạo lập khuôn khổ đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường tiệm cận với thông lệ quốc tế nhưng nhiều nội dung còn khoảng cách khá xa.

Cùng với đó, hiện nay, Nhà nước vẫn can thiệp sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, dẫn đến tình trạng cơ quan chủ sở hữu thì quá tải còn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Chưa đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Theo Báo cáo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường.” Doanh nghiệp Nhà nước chưa có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho biết, Luật Doanh nghiệp quy định pháp nhân doanh nghiệp Nhà nước có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có cùng hình thức tổ chức, trước hết là quyền tự chủ kinh doanh, tự do hợp đồng, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản...

“Tuy nhiên, thể chế và cơ chế quản lý trên thực tế chưa tạo cho doanh nghiệp Nhà nước có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý Nhà nước bên ngoài còn quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước,” ông Trung nhấn mạnh.

[Xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn]

Báo cáo cũng đã chỉ ra rằng, tình trạng giám sát của Nhà nước chỉ thực thi quyền sở hữu từ xa. Việc này có thể làm suy yếu động cơ của các doanh nghiệp Nhà nước và cán bộ doanh nghiệp trong việc hành động vì lợi ích tốt nhất của doanh nghiệp và người dân - cổ đông thực sự của doanh nghiệp.

Vấn đề cũng có thể phát sinh khi doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện mục tiêu kép, bao gồm thực hiện các hoạt động kinh tế và đáp ứng vai trò mục tiêu chính sách công.

Cùng với đó, rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, yếu kém. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại.

Chuyên gia kinh tế, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho biết hiện có thực trạng doanh nghiệp Nhà nước muốn được như doanh nghiệp tư nhân với đầy đủ quyền tự chủ trong kinh doanh. Trên thực tế, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước nhiều khi phụ thuộc vào các cơ quan quản lý (đại diện chủ sở hữu).

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường chia sẻ doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Trước khi biểu quyết tất cả những nội dung thuộc thẩm quyền hội đồng quản trị, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải xin ý kiến chủ sở hữu, sau đó triệu tập hội đồng quản trị họp để biểu quyết, thông qua nghị quyết làm cơ sở cho cơ quan điều hành triển khai thực hiện. Thời gian chờ chủ sở hữu trả lời thường không cố định, có thể là một hoặc hai tháng.

“Trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc chờ cơ quan chủ quản có ý kiến chỉ đạo là đương nhiên. Nhưng từ năm 2015, Vinatex trở thành công ty cổ phần với 48% vốn điều lệ thuộc về cổ đông ngoài nhà nước cho nên quy trình này sẽ làm khó cho Tập đoàn…” ông Trường cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Lê Duy Bình cho rằng doanh nghiệp Nhà nước mong muốn được như doanh nghiệp tư nhân để tự chủ kinh doanh. Còn doanh nghiệp tư nhân muốn được tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính. Như vậy, rõ ràng nếu giải quyết được vấn đề này thì sự phát triển song song hai khu vực sẽ tốt hơn.

Ông Bình cũng chia sẻ đừng đổ lỗi quá nhiều là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động yếu kém. Nếu doanh nghiệp hoạt động yếu kém thì phải xem cơ chế vướng ở đâu khiến họ hoạt động kém.

"Nếu ở công ty tư nhân, một cổ đông chỉ biểu quyết vấn đề chiến lược công ty. Còn ở doanh nghiệp Nhà nước, cổ đông còn phải biểu quyết những vấn đề bình thường khác. Như vậy, phá vỡ toàn bộ các nguyên tắc, thông lệ tốt quản trị công ty," ông Bình cho biết.

Yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch

Để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu CIEM cho rằng, yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước cần có báo cáo cho Nhà nước và công chúng (cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị công ty theo thông lệ quốc tế; tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với doanh nghiệp Nhà nước là một trong những khuyến nghị quan trọng khác.

Doanh nghiệp Nhà nước vào đúng vai sẽ góp phần phục hồi kinh tế ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đồng thời, việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, nhìn nhận việc “đối xử công bằng” với doanh nghiệp Nhà nước như một yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường, cùng với tiến trình triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong 35 năm đổi mới, pháp luật Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung để doanh nghiệp Nhà nước ngày càng được trao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM thì cho rằng “phải thúc đẩy và đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước hoạt động và cạnh tranh công bằng theo nguyên tắc thị trường, nhưng còn phải tạo môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp Nhà nước vận hành được theo các nguyên tắc đó.”

Theo đó, để hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, ông Cung đề xuất, trước mắt, các quy định pháp luật có liên quan được đề xuất sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền tự chủ đầy đủ cho doanh nghiệp Nhà nước trong đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có hệ thống pháp lý để nâng cao tính tự chủ, bằng cách sửa đổi căn bản Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ quan nhà nước không nên có quyền quyết định mà chỉ cho ý kiến, chấp thuận chủ trương đầu tư. Nói cách khác, Nhà nước không nên quyết định vấn đề của quản trị doanh nghiệp.

Nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá bổ sung, nên lấy hiệu quả quản trị làm thước đo lớn nhất với doanh nghiệp Nhà nước. Nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ sẽ bị “dẹp,” không thể lẫn lộn giữa kinh doanh với làm nhiệm vụ chính trị-xã hội.

Giám đốc điều hành Economica Vietnam, ông Lê Duy Bình dẫn kinh nghiệm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có hơn 100 doanh nghiệp Nhà nước song “họ đặt doanh nghiệp Nhà nước không nặng nề như chúng ta, họ hoạt động dựa trên nguyên tắc thị trường và quan hệ ủy quyền, tách bạch vai trò người sở hữu và người thực thi quyền kinh doanh” - Việt Nam nên tham khảo bài học này, ông Bình đề xuất.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, theo thông lệ quốc tế phổ biến về quản trị doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là hướng dẫn của OECD, để bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước - với tư cách là chủ sở hữu - cần xác định rõ lý do hay mục tiêu duy trì sở hữu tại doanh nghiệp và thực hiện công bố công khai.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện vai trò chủ sở hữu một cách năng động, có trách nhiệm, minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả; tạo “không gian” để doanh nghiệp Nhà nước và bộ máy quản lý tự chủ hoạt động, tự chịu trách nhiệm…

Có thể thấy, tư duy về nhà nước-thị trường, về doanh nghiệp Nhà nước, quản lý nhà nước với doanh nghiệp phải thay đổi căn bản. Khi có thể hoạt động đúng theo nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp Nhà nước sẽ vào đúng vai trong sự hồi phục, tăng trưởng của nền kinh tế.

“Sự năng động trở lại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn tới có thể đặt cao hơn, tham vọng hơn,” tiến sỹ Cung khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục