Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư tại Đà Nẵng

Nhật Bản hiện dẫn đầu trong trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đà Nẵng, với 194 dự án FDI và tổng vốn trên 950 triệu USD.
Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư tại Đà Nẵng ảnh 1Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tiếp đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản. (Nguồn: danang.gov.vn)

Hiệp hội doanh nghiệp doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng (JCCI) bày tỏ ấn tượng với sự phát triển nhanh của Đà Nẵng và mong muốn được tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển các quan hệ giao thương tại thành phố.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chiều 19/2, ông Yakabe Yoshinori, Trưởng đại diện Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng đề nghị thành phố sớm có địa điểm thích hợp để xây dựng khu ngoại giao đoàn, tạo điều kiện cho Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản sớm lập văn phòng chính thức (Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản) tại Đà Nẵng.

Ông Onose Takahisa, Giám đốc Công ty Kế toán kiểm toán Earnst and Young Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2021 đánh giá môi trường đầu tư của Đà Nẵng có điểm mạnh là giá thuê đất thấp hơn so với các thành phố lớn khác ở Việt Nam nên sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Nhật đến đầu tư ở Đà Nẵng trong thời gian tới

Với vai trò và kinh nghiệm của cá nhân, ông mong muốn sẽ đóng góp vào việc xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại Đà Nẵng.

Các thành viên trong Ban điều hành Hiệp hội JCCI đề xuất thành phố cần quan tâm, chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao để đáp ứng kịp thời cho các doanh nghiệp và nêu một số kiến nghị liên quan đến việc đào tạo lao động có tay nghề, giải quyết sớm thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, thủ tục chuyển địa điểm của doanh nghiệp, cấp giấy phép lao động mới, chấm dứt tình trạng chèo kéo du khách còn xảy ra tại sân bay…

[Việt Nam-Nhật Bản hợp tác chặt chẽ, cùng nhau vượt qua đại dịch]

Trao đổi với đoàn, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đánh giá cao những hoạt động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cam kết tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng. Chủ tịch thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan của thành phố tích cực hỗ trợ, đề xuất các bộ, ngành sớm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên cho doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là về thủ tục cấp giấy phép lao động mới cho người lao động nước ngoài.

Trong bối cảnh trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona gây ra trên toàn thế giới (COVID-19), các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, từng doanh nghiệp đã chủ động lập phương án và triển khai chủ động tự phòng tránh dịch cúm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và làm cho người lao động yên tâm (tuyên truyền thông tin phòng chống dịch, đo thân nhiệt, trang bị thiết bị y tế, vệ sinh nhà máy, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…). Đồng thời khẳng định không vì dịch bệnh mà làm trì trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với tinh thần sẵn sàng lắng nghe, tương tác trực tiếp, xem xét hỗ trợ cùng tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, Chủ tịch thành phố động viên các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm sản xuất và kêu gọi cùng nhau đoàn kết, nỗ lực để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, chính quyền thành phố sẽ cùng chung tay, phát triển cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản mạnh mẽ hơn, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng.

Thay mặt Hiệp hội, Chủ tịch Onose Takahisa bày tỏ lời cảm ơn đến lãnh đạo thành phố đã luôn quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và tin rằng trong tương lai Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư của Nhật Bản.

Nhật Bản hiện dẫn đầu trong trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đà Nẵng, với 194 dự án FDI và tổng vốn trên 950 triệu USD.

Các dự án FDI tập trung chủ yếu là lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Nhật Bản ước đạt 590 triệu USD, nhập khẩu từ Nhật ước đạt 400 triệu USD xấp xỉ so với năm 2018.

Các mặt hàng xuất khẩu chính là dệt may, thủy sản, thiết bị điện-điện tử, đồ chơi trẻ em, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cần câu cá... Các mặt hàng nhập khẩu chính là nguyên phụ liệu may, linh kiện điện tử, hóa chất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục