Doanh nghiệp Pháp tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bà Rịa -Vũng Tàu

Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ cao, hiện đại, có tính lan tỏa, có giá trị gia tăng cao.
Doanh nghiệp Pháp tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bà Rịa -Vũng Tàu ảnh 1Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngày 9/11, tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ), Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức hội thảo “Vai trò của Bà Rịa-Vũng Tàu trong chuỗi cung ứng thượng nguồn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.”

Hội thảo nhằm giới thiệu về giá trị và tiềm năng mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thể cung cấp cho các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là các nhà đầu tư Pháp thông qua việc giới thiệu chuỗi cung ứng thượng nguồn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đồng thời, giới thiệu các ngành kinh tế mũi nhọn và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hội thảo cũng muốn nhấn mạnh sự thành công của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất dầu khí, kim loại nặng và hóa chất.

Ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cho biết hội thảo nhằm tìm hiểu và giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Pháp và châu Âu những cơ hội mà tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mang lại - một điểm đến đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có vị trí chiến lược, đóng vai trò là trung tâm kết nối và là cửa ngõ ra biển Đông của Việt Nam.

Bà Rịa-Vũng Tàu còn là cửa ngõ ra hành lang kinh tế Đông-Tây cũng như là một trong những khu vực có tầm phát triển quan trọng của vùng Đông Nam bộ.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam bộ; trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải carbon dioxide về trạng thái trung tính.

[Doanh nghiệp Pháp quan tâm đến cơ hội kinh doanh tại Việt Nam]

Với tầm nhìn trên, hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phát triển 5 trụ cột kinh tế, nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực trọng tâm như phát triển công nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; phát triển dịch vụ du lịch; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, thuỷ sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. Các trụ cột phát triển có mối liên kết nhau cho sự phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và khu công nghiệp.

Doanh nghiệp Pháp tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bà Rịa -Vũng Tàu ảnh 2Một dự án đang xây dựng tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, công nghiệp cùng với cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Với vai trò chiến lược mang tầm quốc tế của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là một cụm cảng biển sâu ở Bà Rịa-Vũng Tàu, được kết nối với các khu công nghiệp ở Bà Ria-Vũng Tàu, Đồng Nai và các tỉnh khác bằng đường tỉnh lộ 965 và Quốc lộ 51, từ đây hàng hóa được vận chuyển thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và toàn vùng nội Á mà không cần qua các cảng trung chuyển, giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở.

Từ đó, góp phần tích cực vào chiến lược kinh tế hướng ra xuất khẩu của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay, cũng như trong những thập niên tới.

Đến nay, các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu đang chiếm khoảng 15% nguồn vốn đầu tư FDI trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (1,896 tỷ USD/12,609 tỷ USD) với 43/271 dự án.

Trong đó, Pháp là quốc gia châu Âu hiện đang đầu tư 3 dự án với vốn đầu tư 484,4 triệu USD, đứng thứ 2 sau quần đảo Virgin của Anh.

Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ cao, hiện đại, có tính lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động.

Cùng với đó, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ở các ngành cơ khí, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu có khả năng cạnh tranh cao, tiến tới đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiện nay tỉnh đã xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, phối hợp thực hiện các dự án trọng điểm bao gồm cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An kết nối đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải; đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh Nạo vét các luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải; nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu; di dời sân bay Vũng Tàu sang Gò Găng, Long Sơn.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển phía Tây. Tỉnh cũng đã triển khai lập quy hoạch Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ quy mô diện tích hơn 1.686ha.

Ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cho biết để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư với các ưu đãi hấp dẫn, nhằm tăng khả năng cạnh tranh so với các khu vực khác.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và đặc biệt là cơ sở hạ tầng xanh và bền vững trong khu vực, phù hợp với cam kết của Việt Nam đối với COP26, được tái khẳng định trong COP27 diễn ra cách đây chỉ vài ngày và phù hợp với các tiêu chí của các đối tác châu Âu.

Ông Thibaut Giroux cũng hy vọng trong thời gian sắp tới, phía Pháp sẽ có cơ hội phối hợp chặt chẽ hơn với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để tiếp tục hành trình xúc tiến và quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh, đặc biệt là trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại tự do được ký kết giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.

Ông Philippe Fouet, Trưởng Ban Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chia sẻ, Bà Rịa-Vũng Tàu là một điểm đến hấp dẫn nhờ vị trí địa lý chiến lược, cho phép phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh có điều kiện để tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn sở hữu nguồn dầu mỏ và khí ga trữ lượng lớn.

Về đầu tư, hiện Pháp đang có một số doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh, các doanh nghiệp này mong muốn tăng cường hoạt động tại tỉnh nếu khung pháp lý và tài khóa có tính hấp dẫn và ổn định lâu dài.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham quan khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 và cảng Gremalink. Hai đơn vị này cũng đã giới thiệu tới các đại biểu về các tiềm năng, lợi thế hoạt động của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục