Doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc tìm đến Đông Nam Á

Ngày càng nhiều nền tảng thương mại điện tử tích cực tìm đến thị trường Đông Nam Á, những ông lớn như Lazada thuộc Alibaba và Shopee thuộc Tencent… đang cạnh tranh "bất phân thắng bại."
Doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc tìm đến Đông Nam Á ảnh 1(Nguồn: news.abs-cbn.com)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, những lợi ích đến từ quy mô dân số và hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển bùng nổ của Đông Nam Á trong những năm gần đây đã thu hút nhiều công ty Trung Quốc "giong buồm" hướng đến thị trường màu mỡ này.

Tuy nhiên, bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt, thách thức đa dạng hóa của ngành thương mại điện tử cũng khiến cho không ít công ty không thể thích ứng với môi trường.

Mọi liên kết phức tạp như ngôn ngữ, thanh toán, dịch vụ hậu cần… đều có thể gặp sai sót hoặc trục trặc do không quen thuộc địa bàn và thói quen sinh hoạt, hơn nữa dịch COVID-19 còn gây nên những khó khăn chưa từng có từ trước đến nay.

Để khuyến khích việc phát triển ở nước ngoài, các nền tảng thương mại điện tử đã cung cấp một loạt cơ chế hỗ trợ các công ty xuyên biên giới, và "đối tác thương mại điện tử" bên thứ 3 chuyên phục vụ nhà bán hàng cũng ra đời, tạo ra các giải pháp tùy chỉnh hoặc trực tiếp hỗ trợ nhà bán hàng kiểm soát phương hướng hoạt động.

[Việt Nam được đánh giá là thị trường hứa hẹn cho thương mại điện tử]

Trong ngành thương điện tử, nơi mà mô hình hoạt động bị sao chép nhanh chóng, cho dù là nền tảng, nhà bán hàng hay đối tác cũng đều phải tùy cơ ứng biến, liên tục chuyển đổi để tồn tại.

Khi tình hình dịch COVID-19 dần ổn định, các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc lần lượt hướng đến thị trường Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nếu họ nhắm đến khách hàng là người tiêu dùng Singapore, nhưng lại hoàn toàn không hiểu "tiếng Anh kiểu Singapore," thì sẽ khó tránh thua lỗ.

Hồ Gia Phương, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành thương hiệu sản phẩm gia dụng xuyên biên giới AddIn, chia sẻ người tiêu dùng Singapore khi sử dụng tiếng Anh thường viết tắt, chẳng hạn "RU" thay thế cho "are you," ngoài ra còn dùng tiếng Anh theo kiểu Singapore (Singlish), ví dụ những âm đuôi paiseh, lah, leh, lor. Các nhà bán hàng Trung Quốc vốn không giỏi sử dụng tiếng Anh để phục vụ khách hàng, khi gặp phải những tình huống này sẽ khiến cho trải nghiệm của người tiêu dùng bản địa bị ảnh hưởng đáng kể.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều nền tảng thương mại điện tử tích cực tìm đến thị trường Đông Nam Á, những ông lớn như Lazada thuộc Alibaba và Shopee thuộc Tencent… đang cạnh tranh "bất phân thắng bại."

Tuy nhiên, cơ hội kinh doanh lớn vẫn thu hút nhiều nhà bán hàng và nền tảng xuyên biên giới non trẻ tiến vào thị trường này, ông Hồ Gia Phương và nền tảng do mình sáng lập là một trong những số đó. Doanh nhân nhập cư Singapore đến từ Trung Quốc này sau khi hoạt động trong ngành thương mại điện tử địa phương được 5 năm, đã mở cửa hàng và nền tảng của riêng mình vào năm 2019 để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc, Singapore và các thị trường Đông Nam Á khác.

Theo báo cáo do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố ngày 3/5, tổng doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2019 của Trung Quốc đứng đầu thế giới, đạt 105 tỷ USD. "Sách Trắng thương mại điện tử xuất khẩu xuyên biên giới năm 2020" do CBNData công bố ngày 19/4 nhấn mạnh, tỷ lệ bưu kiện thương mại điện tử từ Trung Quốc dẫn đầu thế giới với 62,2%.

Mặc dù thị trường truyền thống Mỹ và châu Âu vẫn chiếm hơn 50% lựa chọn của các nhà bán hàng, nhưng tỷ lệ công ty đến Đông Nam Á vẫn đạt 38,5%, cho thấy thị trường khu vực này đang dần trỗi dậy.

Tuy nhiên, cạnh tranh tại thị trường Đông Nam Á rất khốc liệt, nếu các nhà bán hàng Trung Quốc muốn có được thị phần thông qua nền tảng thương mại điện tử, thì trước tiên cần phải có sự chuẩn bị tốt.

10 quốc gia ASEAN khác nhau về ngôn ngữ và văn hóa, đồng thời không nhất định biết tiếng Trung Quốc.

Theo ông Hồ Gia Phương, về cách sử dụng ngôn ngữ, khi một số công ty thương mại điện tử Trung Quốc bán hàng cho các nhóm người tiêu dùng Đông Nam Á, các ký tự tiếng Trung Quốc trong các hình ảnh minh họa chi tiết không thể kết nối.

Người tiêu dùng chỉ có thể mua bằng cách nhìn vào hình ảnh, và kết nối với dịch vụ chăm sóc khách hàng của cửa hàng khi gặp vấn đề trục trặc.

Ba thách thức lớn của thương mại điện tử: Dịch vụ hậu cần, thanh toán và ngôn ngữ

Việc các nhà bán hàng Trung Quốc thiếu đội ngũ làm công tác chăm sóc khách hàng tại chỗ ở Đông Nam Á cũng là một trở ngại.

Chẳng hạn, mặc dù người tiêu dùng có thể mua được khóa cửa thông minh từ công ty Trung Quốc ở trên mạng, nhưng lại không có người lắp ráp sau khi vận chuyển đến.

Theo ông Hồ Gia Phương, các nhà bán hàng Trung Quốc chỉ có thể đăng video giúp khách hàng tự lắp ráp, nhưng đây là những công việc rất chuyên nghiệp, nếu sau đó phát sinh vấn đề rất khó xử lý, do đó sản phẩm tương đối khó tiêu thụ.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AladdinCommerce Vương Khoa Nhân khái quát những thách thức ở nước ngoài của các nhà bán hàng Trung Quốc thành ba vấn đề: Dịch vụ hậu cần, thanh toán và ngôn ngữ.

Ông Vương Khoa Nhân nhấn mạnh các công ty xuyên quốc gia của Trung Quốc đến Đông Nam Á sẽ gặp rất nhiều thách thức về mặt thanh toán.

Đầu tiên là đồng tiền của các nước Đông Nam Á khác nhau, khi giao dịch sẽ có một số vòng đổi tiền trung gian.

Ông Vương Khoa Nhân chia sẻ: "Chúng tôi đã tiếp xúc với nhà bán hàng ở Singapore, có hàng ở Trung Quốc muốn bán đến Malaysia. Họ sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) nhập hàng, lợi nhuận chuyển sang đồng ringgit Malaysia, sau đó lại đổi thành đồng đô la Singapore (SGD). Khâu thanh toán rất rắc rối, trong khi tỷ giá hối đoái cũng không cao."

Thứ hai là thương mại điện tử dần phát triển mạnh trong những năm gần đây, các nền tảng đưa ra những điều kiện có lợi cho các cửa hàng (mở cửa hàng trực tuyến trên nền tảng) như tiền cọc thấp, phúc lợi cao, hạn chế sản phẩm thấp…, nên thu hút ngày càng nhiều các nhà bán hàng xuyên quốc gia đặt cửa hàng trên Shopee, Lazada.

Tuy nhiên, thanh toán là vấn đề tương đối lớn, bởi vì phần lớn các nhà bán hàng đều ở Trung Quốc, rất nhiều người không có công ty hoặc tài khoản ngân hàng ở Đông Nam Á, họ thường thông qua bên thứ ba hoặc trung gian để thực hiện các khoản thanh toán, rủi ro an ninh rất cao.

Xuyên suốt những vấn đề nói trên là rủi ro biến động tỷ giá, đặc biệt sự biến động tiền tệ của một số nước Đông Nam Á như Indonesia tương đối lớn.

Nền tảng công nghệ và các đối tác bên thứ ba

Các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc đi ra nước ngoài không hề dễ dàng, sự ra đời của các nền tảng giống như AladdinCommerce đã trở thành "bàn tay điều khiển vô hình" ở đằng sau các nhà bán hàng.

15 năm trước, Vương Khoa Nhân từ Ninh Ba, Chiết Giang đến Singapore du học, sau khi tốt nghiệp Đại học quản lý Singapore vào năm 2016 đầu quân cho một nền tảng thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong 5 năm.

Tháng 11/2020, Vương Khoa Nhân quyết định khởi nghiệp, hy vọng có thể cung cấp giải pháp một cửa cho các doanh nghiệp đến Đông Nam Á hoạt động.

"Bàn tay điều khiển vô hình" được giới trong nghề gọi là nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trọn gói hay "e-Commerce Enablers."

Ngoài phương án dịch vụ hậu cần và thanh toán, thì định vị sản phẩm, tiếp thị… đều có thể do các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trọn gói hiểu biết thị trường địa phương hơn đề xuất, thậm chí trực tiếp quản lý.

Dịch vụ của e-Commerce Enablers có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp thương mại tiếp cận thị trường Đông Nam Á. Các công ty hoạt động kinh doanh ở nước ngoài chắc chắn sẽ không quen thuộc địa bàn và thói quen sinh hoạt, nếu không có những "thổ địa" am hiểu thị trường địa phương dẫn đường, nhẹ thì "thua lỗ", nặng thì "trắng tay."

Những dịch vụ này có thể do công ty bên thứ ba cung cấp, cũng có thể đến từ các nền tảng công nghệ.

Đội ngũ xuyên biên giới của nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á Shopee đã cung cấp giải pháp cho các cửa hàng bao gồm lưu lượng, ngôn ngữ, dịch vụ hậu cần, thanh toán…

Nền tảng đào tạo và hướng dẫn trực tuyến Shopee Uni cũng cung cấp các nội dung như quy tắc nền tảng, chương trình đào tạo trực tuyến, hướng dẫn đăng nhập cho các nhà bán hàng.

Từ năm 2018, Shopee đã triển khai các chương trình hợp tác doanh nghiệp-trường đại học và dự án ươm tạo ở Nghĩa Ô, Hạ Môn, Hàng Châu, đồng thời đưa ra "kế hoạch cánh buồm đôi," bao gồm "kế hoạch cánh buồm trẻ" hợp tác bồi dưỡng nhân tài xuyên biên giới với các trường đại học Trung Quốc và "kế hoạch giong buồm" thông qua các tổ chức đào tạo chính thức được chứng nhận để cung cấp chương trình đào tạo bài bản cho các nhà bán hàng xuyên quốc gia.

Nền tảng thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc JD.com tại Đông Nam Á cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các nhà bán hàng Trung Quốc.

Theo Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của tập đoàn JD.com Tôn Thế Dân, trung tâm dịch vụ hậu cần thông minh của JD.com ở Thái Lan cung cấp hệ thống dịch vụ chuỗi cung ứng hoàn chỉnh như kho bãi, chuỗi phân phối…

JD Indonesia dựa vào cơ sở hạ tầng địa phương, hỗ trợ các thương hiệu Trung Quốc nhanh chóng bao phủ khắp thị trường Indonesia, đồng thời cung cấp dịch vụ tổng hợp bao gồm nhập khẩu hàng hóa, đăng ký công ty, tư vấn pháp lý, dịch vụ hậu cần lưu kho và phân phối, thanh toán…

Nền tảng này hy vọng có nhiều hơn các bên mua, bên bán thực hiện các giao dịch và thúc đẩy lưu lượng, tương ứng với hai chỉ tiêu quan trọng là tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) và người dùng hoạt động hàng tháng (MAU).

Do đó, các dịch vụ cung ứng không những cần phải thích hợp với tất cả các nhà bán hàng, mà còn cần quan tâm đến các nhà mua hàng, đồng thời phù hợp với các nguyên tắc của nền tảng.

Trong khi đó, đối tác bên thứ ba phục vụ nhà bán hàng riêng lẽ, điều này luôn có nghĩa là giúp nhà bán hàng thu được nhiều lợi ích hơn từ nền tảng.

Doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc tìm đến Đông Nam Á ảnh 2(Nguồn: Reuters)

Theo Lưu Kiếm Nam, Giám đốc công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trọn gói hàng đầu Đông Nam Á SCI eCommerce, nền tảng này cung cấp cho doanh nghiệp thương mại các dịch vụ tiêu chuẩn cơ bản, trong khi đối tác có thể cung cấp các dịch vụ chuyên sâu tùy chỉnh cho các doanh nghiệp thương mại riêng lẻ. Vấn đề các nền tảng cân nhắc là tối đa hóa lợi ích của nền tảng, trong khi đó các đối tác tìm cách tối đa hóa lợi ích của doanh nghiệp thương mại xuất phát từ góc độ của nhà bán hàng.

Thương mại điện tử xuyên biên giới dựa vào truyền thông xã hội

Ngành công nghiệp thương mại điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt, mở cửa hàng trên các nền tảng trực tuyến đã được giới trong nghề coi là "mô hình truyền thống."

Các nhân vật có sức hút trên mạng livestream bán hàng đang phổ biến ở Đông Nam Á cũng dần phát triển theo khuynh hướng thương mại xã hội.

"Chiến trường" được chuyển từ nền tảng thương mại điện tử sang nền tảng xã hội và tích hợp thêm nhiều yếu tố tương tác hơn.

Hiện nay, ngày càng nhiều nhà bán hàng đã quen thuộc với các ứng dụng xã hội và trò chuyện như Facebook, Instagram, TikTok, Line…, thông qua những chức năng thương mại mới của những nền tảng này để tự mở cửa hàng, đồng thời quảng bá sản phẩm thông qua khách hàng trên nền tảng.

Đồng thời, với việc gia tăng sự gắn kết của khách hàng, chức năng xã hội đã pha loãng "cảm giác giao dịch" - tiêu dùng theo định hướng trò chuyện kết bạn và tìm kiếm giải trí trong tiềm thức của khách hàng cũng được coi là chi phí tương tác xã hội cần thiết.

Sau khi nhu cầu tiêu dùng được mạng xã hội kích hoạt chính xác, khách hàng thường sẽ đặt hàng ngay lập tức để thực hiện hành vi tiêu dùng bốc đồng, thay vì lên nền tảng thương mại điện tử tìm kiếm.

Trong khi đó, những người bình thường không phải là nhà bán hàng chuyên nghiệp cũng không nhất thiết phải thông qua những người có sức hút livestream hoặc mở cửa hàng để tiếp thị sản phẩm, họ chỉ cần thông qua tài khoản mạng xã hội của mình để mở rộng lưu lượng tên miền riêng, giúp nhà bán hàng trực tiếp hoặc gián tiếp tiêu thụ sản phẩm và thu tiền hoa hồng, các giao dịch được hoàn thành thông qua tương tác xã hội hàng ngày.

Theo số liệu mới nhất của công ty tư vấn chiến lược Bain&Co, năm 2020, thương mại trên các nền tảng xã hội chiếm 44% (48 tỷ USD) trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á trị giá 109 tỷ USD.

Ở Thái Lan, gần 50% giao dịch thương mại điện tử được thực hiện thông qua các ứng dụng như Facebook, WhatsApp hoặc Line…

Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử xuyên biên giới Quảng Đông và Liên minh tích hợp giáo dục-công nghiệp-thương mại điện tử xuyên vùng Quảng Đông-Hong Kong (Trung Quốc)-Macau (Trung Quốc) Ngô Hàng cho biết, hiện nay không ít doanh nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc đều đang sử dụng chiến lược "hai cổng," nghĩa là vừa hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử, vừa hoạt động trên các trang web hoặc tài khoản mạng xã hội độc lập.

COVID-19 làm phức tạp vấn đề dịch vụ hậu cần

Việc người dân hạn chế ra ngoài đã thúc đẩy lưu lượng lớn cho các nền tảng thương mại điện tử. Ngày càng nhiều công ty hướng đến thị trường Đông Nam Á song khu vực này cũng bộc lộ nhiều vấn đề như dịch vụ hậu cần (logistics) lạc hậu, năng lực phân phối hạn chế.

Do người tiêu dùng Đông Nam Á sinh sống rải rác, nên cùng với việc số lượng bưu kiện và kho hàng tăng lên, quy trình giao hàng cũng trở nên phức tạp hơn.

Theo báo cáo do nền tảng theo dõi dịch vụ hậu cần Parcel Monitor và cổng thương mại điện tử ASEAN iPrice Group công bố vào năm 2020, dịch vụ chuyển phát nhanh của Malaysia bị ảnh hưởng bởi các biện pháp an ninh.

Thời gian giao hàng - bình quân 1-2 ngày trước khi dịch bùng phát - giờ tăng lên 4-6 ngày. Malaysia là nước chịu tác động lớn nhất ở Đông Nam Á.

Một khách hàng thường xuyên mua mỹ phẩm và thức ăn nhẹ trực tuyến cho biết thêm, trước khi dịch bệnh bùng phát, thời gian nhận hàng bằng đường hàng không mất từ 3-5 ngày, nhưng trong thời kỳ dịch bệnh đã tăng lên 5-7 ngày. Nguyên nhân chủ yếu không phải do vận chuyển chậm, mà do cho khâu xử lý thủ tục hải quan mất nhiều thời gian.

Ông Lưu Kiếm Nam nhấn mạnh chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể trong giai đoạn dịch bệnh, thời gian thực hiện các dịch vụ hậu cần lâu hơn, giá cả cũng đắt hơn. Cho dù đi bằng đường biển hay đường hàng không, việc đặt chỗ trước đều khó khăn hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, đồng thời số nhân viên hải quan làm việc cũng giảm do các biện pháp phòng dịch.

Ông Tôn Thế Dân tiết lộ thêm vào thời điểm bùng nổ đơn hàng của JD.com Indonesia, các cơ sở dịch vụ hậu cần hiện có đã đạt công suất tối đa. Để bảo đảm cam kết thực hiện các đơn hàng của người tiêu dùng, JD.com hợp tác với công ty khai thác taxi lớn nhất Indonesia Blue Bird để giao hàng.

Báo cáo của Parcel Monitor và iPrice Group nhận định, trong thời gian tới ngành dịch vụ hậu cần và chuyển phát nhanh chủ yếu được thúc đẩy bởi công nghệ thông minh, chẳng hạn như container phát bưu kiện tự động đang áp dụng ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan trong những năm gần đây.

Các công nghệ mới sẽ giúp thời gian giao hàng linh hoạt hơn, đồng thời giảm thiểu việc tiếp xúc giữa nhân viên giao hàng và khách hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục