Doanh nghiệp thủy sản ngại "bơi" ở thị trường nội

Dù đang phải đối đầu với nhiều khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng thủy, hải sản ra "biển lớn" - thị trường nước ngoài, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này vẫn ngại quay về "bơi" ở thị trường nội địa.

Dù đang phải đối đầu với nhiều khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng thủy, hải sản ra "biển lớn" - thị trường nước ngoài, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này vẫn ngại quay về "bơi" ở thị trường nội địa.

Nhiều cái kẹt

Lý do khiến các doanh nghiệp ngại khai thác thị trường nội địa là do phải mất khá nhiều thời gian và tốn kém, trong khi họ đã mất nhiều công sức khai mở thị trường ngoại.

Theo ông Lương Hoành Mãnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Mekong, thành phố Cần Thơ, do toàn bộ sản phẩm thủy sản đông lạnh của công ty làm ra phục vụ xuất khẩu, nên muốn tìm đầu ra ở thị trường nội địa không đơn giản.

Việc này không đơn thuần là đem sản phẩm đang xuất khẩu bán ra thị trường nội địa, bởi đa phần dân vẫn thích ăn tôm, cá tươi sống hơn là "thưởng thức" các mặt hàng đông lạnh. Giá cả cũng là một trong những lý do khiến sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu khó chuyển sang tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Theo đại diện Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, tỉnh Đồng Tháp, giá bán lẻ các mặt hàng này đắt hơn sản phẩm tươi sống, nên khó thu hút khách hàng. Bởi vậy, để tiêu thụ được ở thị trường nội địa, đòi hòi doanh nghiệp phải thay đổi kiểu dáng, kích cỡ bao bì, cũng như quy trình chế biến để giảm giá sản phẩm.

Một lý do khác khiến doanh nghiệp chưa "kết" thị trường nội địa là họ phải tốn nhiều công sức, tiền của để điều tra thị trường, thiết lập hệ thống phân phối.

Ông Lương Hoành Mãnh cho biết làm được việc này không đơn giản, bởi có khi phải mất vài năm mới mang lại kết quả. Trong khi đó, với tình hình làm ăn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp  khó có nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu thị trường, thiết lập kênh phân phối. Vì những lý do trên, nên nhiều doanh nghiệp, ít nhất là trong năm nay họ vẫn phải đẩy mạnh xuất khẩu, còn việc tìm đầu ra ở thị trường nội địa là câu chuyện dài.

Theo ông Đặng Đình Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội: "Do thị phần tiêu thụ các sản phẩm của công ty ở thị trường nội địa chưa đáng kể, nên đang phải tìm đủ cách tăng xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc".

Doanh nghiệp  của ông Lương Hoành Mãnh cũng có mục tiêu tương tự khi ông khẳng định: "Từ nay đến cuối năm, công ty chỉ tập trung cho xuất khẩu, chứ chưa có nguồn lực để phát triển thị trường nội địa".

Gợi mở

Nhiều doanh nghiệp  tiết lộ, về lâu dài họ cũng có chiến lược phát triển thị trường nội địa để hạn chế rủi ro từ việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu.

Theo ông Đặng Đình Bảo, việc phát triển thị trường này đang được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội triển khai từng bước. Trên cơ sở điều tra nhanh nhu cầu của khách hàng, trước mắt công ty đưa ra thị trường một số sản phẩm như cá thu, chả tôm, ngao; nhưng đó vẫn chỉ là cách đi chậm chạp của các doanh nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia, đây là thời điểm các doanh nghiệp  nên tích cực triển khai các biện pháp để chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiêph & Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương, bộ đang phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cùng các doanh nghiệp để tìm hướng khai thác thị trường nội địa.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nên chủ động triển khai sớm bằng việc nhanh nhạy tập trung nghiên cứu thị trường, nắm rõ thị hiếu của người tiêu dùng nhằm điều chỉnh sản xuất sao cho đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từng bước thiết lập hệ thống phân phối phù hợp với nhu cầu tiêu dùng khác nhau ở các vùng, miền; nên chú ý các nhóm khách hàng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chứ đừng bỏ trống như hiện nay.

"Các doanh nghiệp cần có đội ngũ cán bộ chuyên điều tra nhu cầu thị trường. Họ nên thường xuyên liên kết với chính quyền địa phương, các hợp tác xã, siêu thị... để gắn việc điều tra với thử nghiệm đưa các sản phẩm ra tiêu thụ. Riêng sản phẩm phục vụ thị trường nông thôn nên đóng gói nhỏ, giá vừa phải để phù hợp với túi tiền nông dân", ông Phương nói.

Nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy, hải sản, nhất là hải sản ở thị trường nội địa thời gian tới sẽ tăng do thu nhập, cũng như nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm "sạch" của người dân tăng.

Bởi vậy, ông Bùi Văn Thưởng, Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam gợi ý cùng với việc đưa ra thị trường các sản phẩm thủy, hải sản bình dân, doanh nghiệp cần chú trọng tung ra các sản phẩm thiên nhiên, sinh thái để đón đầu nhu cầu của người có thu nhập cao.
 


(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục