Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn đối diện với nhiều khó khăn

Tình hình các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương vẫn đang đối diện nhiều khó khăn do chưa phục hồi hoàn toàn; thêm vào đó lãi suất vay ngân hàng ở mức cao, khiến nhiều đơn vị “co lại” phạm vi sản xuất.
Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn đối diện với nhiều khó khăn ảnh 1Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk) ở Khu công nghiệp Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn đang đối diện nhiều khó khăn do chưa phục hồi hoàn toàn.

Thêm vào đó, lãi suất vay ngân hàng ở mức cao, khiến nhiều đơn vị “co lại” phạm vi sản xuất; trong đó, có nhà máy chấp nhận đơn hàng giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô cho biết hiện lãi suất cho vay từ các ngân hàng thương mại đang duy trì lãi suất khá cao, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp rất khó khăn, phải gồng gánh để vượt qua “cơn bão” suy thoái để duy trì sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Theo ông Phạm Văn Xô, hiện có không ít doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hiện nay mong lãi suất hạ nhiệt để có nguồn vốn phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn do lãi suất cao khiến các doanh nghiệp chùn bước, rút gọn sản xuất; trong đó, có doanh nghiệp phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động.

[86% công nhân lao động vào ca, Bình Dương tăng tốc sản xuất]

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương Nguyễn Liêm, lãi suất ở mức cao như hiện nay đang đè nặng lên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các đơn vị tham gia vào chuỗi xuất khẩu hàng hóa đang cần rất nhiều vốn; trong đó, lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu buộc phải hoạt động cầm chừng vì lãi suất cao và thiếu đơn hàng.

Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh trong tháng Một vừa qua của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho thấy do trùng ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng Một đã giảm hơn 12% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp, chế biến giảm 11,6%. Cùng với đó, sản lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp giảm đến 4,5%.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng đạt gần 2,6 tỷ USD, giảm hơn 25% với cùng kỳ năm ngoái. Còn kim ngạch nhập khẩu đạt 1,8 tỷ USD, giảm 13%.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động để cùng các sở, ban, ngành tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo xuất khẩu hàng hóa. Qua đó, duy trì mục tiêu tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các cấp, các ngành quyết liệt trong công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số với mục tiêu chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục