Doanh nghiệp tư nhân tìm động lực trong cuộc cách mạng 4.0

Theo khảo sát, 85% doanh nghiệp hiện nay quan tâm tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, song hơn 70% doanh nghiệp băn khoăn không biết làm gì để đón nhận và sẵn sàng trong bối cảnh hiện nay.
Doanh nghiệp tư nhân tìm động lực trong cuộc cách mạng 4.0 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Đối với nền kinh tế Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển, đưa đất nước dần tiệm cận tới trình độ công nghệ tiên tiến như nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Song bên cạnh đó, cũng đặt ra rất nhiều thách thức trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đang chiếm đa số về lực lượng nhưng chưa thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ những băn khoăn và quan điểm của mình với phóng viên TTXVN.

- Để có những hình dung chân thực nhất về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ông sẽ nhắc tới hình ảnh gì?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi thực sự vui mừng về sự phát triển ngày càng đông đảo của khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện nay. Điều đó cho thấy tín hiệu lạc quan về những nỗ lực đổi mới, cải cách nền kinh tế mà Chính phủ thực hiện với tinh thần và những hành động quyết liệt đang phát huy hiệu quả. Môi trường kinh doanh dần được cải thiện. Đổi mới thể chế kinh tế cũng kéo theo hàng loạt chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó là hàng trăm, hàng nghìn quy định, điều kiện kinh doanh từng bị xem là áp đặt, là rào cản tăng gánh nặng đối với doanh nghiệp cũng đang dần được xóa bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Thấy rõ là các doanh nghiệp không chỉ dễ thở hơn, mà còn cảm nhận rõ ràng hơn sự khích lệ của Chính phủ; tìm được động lực cả về tinh thần và sự tạo điều kiện về cơ chế chính sách mà trước kia và lâu nay chưa từng có.

Cho dù, đâu đó còn nhiều ý kiến; nhưng cá nhân tôi đánh giá rất cao và thực sự tin tưởng vào cơ hội phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nay mai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu thì sự phát triển ấy của khu vực kinh tế tư nhân là chưa đủ. Yêu cầu đòi hỏi hiện nay phải là chất lượng hơn số lượng. Mục tiêu đặt ra cho năm 2020, là đạt 1 triệu doanh nghiệp nhưng phải là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đem lại những tác động tích cực đối với nền kinh tế. Chứ không phải ghi nhận thành tích đông lại đi đôi với số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản cũng tăng theo.

Sự phát triển phải được nhìn nhận một cách thực chất, nhất là khi cuộc cách mạng số hóa hay để tiến tới nền kinh tế 4.0 như báo chí hiện nhắc tới gần đây.

- Nhưng không hẳn, các doanh nghiệp tư nhân đã bớt khó khăn hơn trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?


Ông Vũ Tiến Lộc:
Đó lại là câu chuyện khác. Cộng đồng doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội và chúng tôi (VCCI) cũng như các phương tiện thông tin đại chúng đều đã và đang phản ánh khá thường xuyên về hiện trạng khó khăn và những bất cập hiện nay mà doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt.

Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% vào năm 2012 xuống chỉ còn 3,2%vào năm 2015. Đến giữa năm nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng nửa số doanh nghiệp thành lập mới.

Chi phí kinh doanh ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực như Singapore và Malaysia. Chi phí tiếp cận điện năng ở Việt Nam cũng cao gần gấp 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN4 và cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Chi phí vận tải và logistics hiện còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể các chi phí phát sinh liên quan tới thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển... cùng nhiều chi phí không chính thức khác mà theo báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 do VCCI công bố vừa qua cũng cho thấy hơn 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận đã phải trả những loại phí này. Phổ biến nhất là tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục hành chính vẫn còn diễn ra ở rất nhiều nơi.

- Cơ bản và quan trọng nhất là lúc này, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng điều gì từ bệ đỡ chính sách; từ sự tạo điều kiện một cách thiết thực nhất, đáp ứng những điều mà họ cần, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi cho rằng giảm chi phí cho doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Song đó chưa phải là tất cả. Các doanh nghiệp đang cần nhất một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng; cần một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện; cần một nền tư pháp bảo vệ giúp họ được cảm giác an toàn và tin tưởng...


[Đâu là lợi thế để Việt Nam tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0?]

- Trong thời kỳ "lên ngôi" của công nghệ số hóa và sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay thì sự quan tâm của các doanh nghiệp tư nhân ra sao, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Thực tình, theo tôi thì cũng chưa nhiều doanh nghiệp cũng như người dân để tâm tìm hiểu hoặc nhận thức được những giá trị và tác động đem lại từ công nghệ số hay cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cho dù những thành tựu ấy đang len lỏi, hiện hữu ngày càng rõ trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Khi các hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển thì bây giờ, người dân có thể đi chợ, shopping mà không cần ra đường; việc kinh doanh có thể không cần cửa hàng hay thuê nhân công phục vụ; nhiều hoạt động sản xuất được đưa vào quy trình tự động hóa và được vận hành bởi các robot. Cùng với đó là sự phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử; giao nhận vận chuyển. Không thể kể cho hết những thành tựu công nghệ đang biến những điều không thể thành có thể; phá vỡ mọi giới hạn của trí tưởng tượng và sức sáng tạo của con người.

Từng có khảo sát ghi nhận rằng 85% các doanh nghiệp hiện nay quan tâm tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, song hơn 70% doanh nghiệp được hỏi bày tỏ băn khoăn không biết làm gì để đón nhận và sẵn sàng trong bối cảnh hiện nay. Có lẽ các doanh nghiệp cũng tự nhận thấy không chỉ là tiềm lực mà kể cả nhận thức và trình độ như hiện nay là sẽ khó theo kịp, chứ đừng nói bắt kịp xu hướng phát triển về công nghệ.

- Vậy giải pháp cho tình hình này sẽ thế nào để các doanh nghiệp không cảm thấy “đuối” giữa dòng chảy công nghệ, thưa ông?


Ông Vũ Tiến Lộc:
Tôi suy nghĩ rằng, để không bị “cuốn” đi, các doanh nghiệp cần tự thân vận động; không thể chờ đợi ai đó giúp mình, đòn bẩy nào giúp mình. Chỉ có tự học hỏi, nâng cao trình độ, liên tục cập nhật xu hướng và tiến bộ công nghệ, doanh nghiệp phải dành nguồn lực cho việc đào tạo và đào tạo nâng cao. Tri thức sẽ giúp doanh nghiệp mở ra cánh cửa để hòa vào thế giới. Cái đó, không ai giúp được, chẳng Nhà nước nào giúp được nếu chính các doanh nghiệp vẫn giữ tư duy bảo thủ, không chịu học hỏi, cầu tiến.

Đây cũng là một sự đầu tư, đầu tư có chiều sâu và đầu tư dành cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Có được sự nhận thức như vậy, tôi tin các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần khẳng định được mình; tích lũy được năng lực để cạnh tranh một cách lành mạnh và sòng phẳng.

- Vậy theo ông, đòn bẩy từ các chính sách của Nhà nước thì sao?

Ông Vũ Tiến Lộc: Quan trọng chứ, nếu được sự hỗ trợ và tạo điều kiện bởi các chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp sẽ thêm tự tin và mạnh mẽ về nguồn lực để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ.

Cụ thể như ngoài các chính sách ưu đãi tín dụng, thuế... các cơ quan, bộ ngành nên tích cực kết nối, tổ chức các sự kiện để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cọ xát, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài; tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ mang tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Cùng với đó, tăng cường quảng bá thông tin về kiến thức khoa học và những thành tựu đổi mới công nghệ đem lại hiệu quả mà các nước phát triển đang áp dụng.

Với những nỗ lực từ nhiều phía. Tôi tin, tới đây, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ không chỉ lớn mà còn mạnh, xứng đáng với sứ mệnh và vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong hội nhập.


- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục