Doanh nghiệp từng bước tiếp cận vốn lãi suất thấp

Với mức lãi suất cho vay giảm từ 0,5-2%/năm như đang được hệ thống ngân hàng áp dụng, các công ty sẽ giảm bớt áp lực kinh doanh.
Nhằm ổn định và giảm dần lãi suất thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2%/năm tùy theo từng ngân hàng.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, tổ chức đang từng bước tiếp cận được với mức lãi suất giảm này.

Góp phần giúp doanh nghiệp giảm áp lực


Từ đầu tháng 5, mức lãi suất cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) từ 13-14,5%/năm, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức 14-14,5%/năm; ngân hàng Quốc tế (VIB) dao động từ 13-16%/năm; ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) từ 13-15%/năm, ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt đưa lãi suất cho vay thấp nhất là 13%/năm; ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho vay từ 14-15,5%/năm.

Với mức lãi suất giảm như vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận ngay được mà phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng, chu kỳ sử dụng vốn… Nhưng tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã và đang dần tiếp cận được mức lãi suất giảm.

Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Vinacam cho biết, những tháng đầu năm, mỗi tháng công ty phải trả tiền lãi vay tới cả vài tỷ đồng, với mức lãi vay cao như vậy, nhiều khi doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng không dám mạo hiểm vì rủi ro cao. Nhưng với mức lãi suất cho vay giảm từ 1-2 điểm phần trăm như hiện nay thì công ty sẽ giảm được một phần áp lực trong kinh doanh.

Cũng theo ông Hải, ông hy vọng Chính phủ nên có những chính sách với lãi suất dài hạn và bền vững để doanh nghiệp có hướng đầu tư, phát triển sản xuất lâu dài.

Là một doanh nghiệp đã tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp, bà Nguyễn Việt Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần du lịch AST, khách hàng đã vay vốn kinh doanh nhiều năm nay chia sẻ, công ty hiện đang vay ngân hàng khoảng trên 2 tỷ đồng với mức lãi suất từ 17-18%/năm tùy theo khoản vay. Vào thời điểm cuối tháng 4, khi biết các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay nhưng công ty cũng chưa tiếp cận được ngay mức lãi suất này do các khoản vay chưa đến thời hạn thay đổi lãi suất hoặc đáo hạn.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, công ty đã có một vài khoản vay đã được hưởng mức lãi suất mới giảm từ 1-2 điểm phần trăm mỗi năm, điều này góp phần giúp doanh nghiệp giảm áp lực trong hoạt động kinh doanh.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay thực tế đã giảm nhưng vẫn còn cao, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến khoảng 14-14,5%/năm, thậm chí có ngân hàng thương mại áp dụng mức 14-15,5%/năm. Nếu lãi suất cho vay dài hạn từ 11-12%/năm thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc.

Vẫn cần tiếp tục kéo lãi suất giảm xuống

Mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể tiếp tục giảm vì muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất tiết kiệm, nhưng mức lãi suất huy động tiết kiệm hiện nay không thấp. Đa số các ngân hàng ấn định lãi suất huy động quanh mức 11,5%/năm, do vậy việc giảm lãi suất xuống thấp nữa là không dễ. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc nhiều vào cung cầu vốn của thị trường trong thời gian tới.

Bà Dương Thị Mai Hoa, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, việc hạ lãi suất đồng loạt trong hệ thống ngân hàng chứng tỏ thông tin về công bố lãi suất trở nên minh bạch và rõ ràng, các ngân hàng có sân chơi bình đẳng hơn, cơ chế cởi mở hơn kéo mặt bằng lãi suất ổn định hơn.

Cũng như các ngân hàng khác, VIB đã giảm lãi suất cho vay từ 1-2 điểm phần trăm/năm, điều này đã giúp VIB tiếp cận được nhiều hơn với nhu cầu vay vốn của khách hàng. Lượng khách hàng gia tăng khoảng 5% so với tháng trước, khối lượng giải ngân cũng tốt hơn so với những tháng đầu năm.

Như vậy, khi mặt bằng lãi suất trở nên ổn định, khách hàng vay vốn kinh doanh có khả năng hoàn trả vốn vay ngân hàng và có lãi. Đó cũng là dấu hiệu tốt để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Cũng theo bà Hoa, lãi suất đầu ra phụ thuộc vào lãi suất đầu vào, vì vậy, khi lãi suất đầu vào ổn định và có xu hướng giảm thì tương tự vậy đầu ra ổn định hơn và có xu hướng giảm tương ứng. Với mức lãi suất đầu vào đang được đa số các ngân hàng ấn định ở mức 11,5%/năm thì lãi suất đầu ra được đánh giá là hợp lý.

Về lãi suất đầu vào đối với huy động thì các ngân hàng đều lo lắng vì khi lãi suất giảm sẽ không thu hút được vốn nhưng dấu hiệu và con số thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Không chỉ VIB, mà tại các ngân hàng khác cũng chứng minh xu hướng tăng trưởng ổn định, bền vững.

Tại VIB, lượng vốn huy động tháng vừa qua tốt hơn những tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng trên 10% nguồn vốn huy động so với con số cuối năm 2009. Như vậy, khi lãi suất trở nên minh bạch rõ ràng, tạo uy tín với công chúng và người tiêu dùng thì đó là đòn bẩy hỗ trợ tốt để ngân hàng có thể đảm bảo huy động đầu vào và giải ngân đầu ra góp phần ổn định thị trường tài chính-tiền tệ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận tuy đã giảm nhưng vẫn đang dao động quanh mức 15%/năm, nhưng để doanh nghiệp phát triển sản xuất vẫn cần tiếp tục kéo lãi suất giảm xuống mức từ 11-13%/năm. Cùng với việc hạ mức lãi suất cho vay xuống thì lãi suất huy động cũng phải kéo xuống mức không vượt quá 10%/năm./.

Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục