"Doanh nghiệp Việt Nam như 'đội thuyền thúng' ra biển lớn"

Không chỉ thiếu doanh nghiệp dẫn đầu, Việt Nam còn thiếu cả khu vực doanh nghiệp vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
"Doanh nghiệp Việt Nam như 'đội thuyền thúng' ra biển lớn" ảnh 1Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 95%-96% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. (Ảnh: TTXVN)

“’Đội thuyền thúng’ doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn,” đó là cách nói ví von nhưng đầy tâm trạng của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, tại Hà Nội, ngày 28/4/2014.


"95%-96% là doanh nghiệp nhỏ"

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông, năm 2013, dấu hiệu kinh tế phục hồi và một số khó khăn vĩ mô giảm đã giúp số lượng doanh nghiệp thành lập mới có tăng trở lại, đạt gần 77 nghìn doanh nghiệp (tăng 10% so với năm 2012).

Trong quý I/2014, cả nước có hơn 18 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới với gần 98 nghìn tỷ đồng vốn, tăng khoảng 17% về số doanh nghiệp và 23% về vốn so với cùng kỳ 2013.

Tuy nhiên, ông Đặng Huy Đông cũng chỉ ra, trong quý I, cả nước vẫn còn gần 17 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó sự phục hồi tăng trưởng dừng lại ở mức thấp và thiếu tính bền vững.

“Tình hình khó khăn những năm gần đây cũng khiến quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp có xu hướng giảm. Năm 2011, bình quân 1 doanh nghiệp đăng ký với 6,6 tỷ đồng, nhưng đã giảm còn 5,1 tỷ đồng năm 2013 (chưa tính yếu tố lạm phát).

Qua đó có thể thấy rằng trong thời kỳ khó khăn và môi trường kinh doanh còn nhiều rủi ro, doanh nghiệp đã thận trọng hơn với từng đồng vốn bỏ ra, thể hiện qua việc thu hẹp quy mô vốn để nâng cao hệ số an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh,” ông Đông nhấn mạnh.

Quy mô vốn nhỏ không phải là vấn đề riêng của khu vực doanh nghiệp mới nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, gần 30 năm đổi mới với các cơ hội kinh doanh bùng nổ..., nhưng Việt Nam vẫn chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên tuổi và sự nghiệp với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn và các cụm nghành công nghiệp quốc gia, vươn ra thế giới, tranh tranh ngang ngửa với đối tác quốc tế.

Không chỉ thiếu doanh nghiệp dẫn đầu, Việt Nam còn thiếu cả một khu vực doanh nghiệp cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

“Trong số 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động chỉ có khoảng 2% là doanh nghiệp cỡ lớn và khoảng 2% doanh nghiệp cỡ vừa, còn lại 95%-96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ dưới 10 lao động lại chiếm tới 66%-67%),” ông Lộc dẫn chứng.

Khơi dậy động lực

Bà Victoria Kwakwa là Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, “trong giai đoạn đổi mới, khu vực tư nhân đã thể hiện vai trò quan trọng và đóng góp vào những thành công của Việt Nam. Vào thời điểm Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực lấy lại mục tiêu tăng trưởng như trước đây, Chính phủ cần xem xét lại vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế.”

Tại Hội nghị, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chỉ ra, nguyên nhân khiến khối doanh nghiệp này trở nên yếu thế là sự lúng túng trong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân yếu kém cả về quy mô lẫn trình độ quản lý, trong khi đó các chính sách tháo gỡ khó khăn triển khai còn chậm, như việc tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn, khoa học công nghệ...

Tập hợp hơn 300 ý kiến và báo cáo từ cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước gửi tới Thủ tướng Chính phủ, ông Lộc đại diện đưa ra một số kiến nghị chung.

"Doanh nghiệp Việt Nam như 'đội thuyền thúng' ra biển lớn" ảnh 2Doanh nghiệp vẫn cần môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn. (Ảnh: TTXVN)

Về hệ thống pháp luật về kinh doanh, ông Lộc cho rằng cần tiếp tục đổi mới để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hướng thông thoáng hơn, nữa, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Đối với chính sách tài khóa, nhằm thực hiện phương châm khoan sức cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt. Ông Lộc cho rằng, cần rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Riêng chính sách tín dụng, ông Lộc cũng kiến nghị Chính phủc tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Giải pháp là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới  như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, ông Lộc cũng đưa ra các đề xuất các chính sách công nghệ phải định hướng giúp các doanh nghiệp tạo ra bước bứt phá, đi tắt đón đầu để đạt tới trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực. Chính sách thị trường cần bảo đảm sự bình đẳng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận các nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm.

Về quan hệ lao động, theo ông Lộc nên tiếp tục giãn tiến độ tăng tiền lương tối thiểu ít nhất trong 2 năm (2014-2015), thời gian làm thêm đối với người lao động trong Luật Lao động với mức tăng từ 200 giờ lên 300 giờ.

Cuối cùng, ông Lộc cho rằng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực theo đánh giá của doanh nghiệp vẫn còn rườm rà và gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện gói giải pháp được đề ra trong Đề án 30, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính của tất cả các bộ, ngành đạt mức trung bình của các nước ASEAN 6,” ông Lộc nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục