Doanh nghiệp Việt-Nga đặt mục tiêu trao đổi thương mại 10 tỷ USD

Ngoài Thủ đô Moskva và một số thành phố lân cận, gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm và mở rộng thị trường đến các thành phố khác tại Liên bang Nga.
Doanh nghiệp Việt-Nga đặt mục tiêu trao đổi thương mại 10 tỷ USD ảnh 1Sản xuất hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt-Nga kết hợp chặt chẽ, thúc đẩy mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư vào thị trường của nhau mạnh mẽ hơn, hai bên sẽ thu được các lợi ích to lớn.

Việt Nam hiện đang là đối tác chiến lược duy nhất của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đang là một điếm sáng trong quan hệ giữa hai nước với các hình thức trao đổi ngày càng đa dạng.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và đứng thứ 6 trong khối APEC của Nga, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước trong năm 2018 đạt 4,57 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2017.

Là đối tác quan trọng

Hai nước đang đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD năm 2020.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 20 dự án đầu tư vào Nga với số vốn khoảng 3 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Nga cũng đã có 123 dự án đầu tư vào Việt Nam (chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí), với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

[Tiềm năng hợp tác Nga-Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế]

Việt Nam có lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực, vị trí địa lý thuận lợi, an ninh chính trị, xã hội ổn định, độ mở nền kinh tế rộng, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài hoạt động, trong đó có đầu tư từ Nga.

Năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới thể hiện qua đặc điểm là tăng trưởng toàn diện cả về cung và cầu.

Một trong những lý do khiến các nước chọn Việt Nam để đầu tư là do Việt Nam có tình hình chính trị ổn định, mở rộng hợp tác, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giá thành sản phẩm cạnh tranh, nguồn nhân lực phong phú, thị trường tiềm năng, cởi mở trong hội nhập kinh tế toàn cầu, chính sách mở với ưu đãi hấp dẫn và nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong thị trường Đông Nam Á, ở vị trí hành lang kinh tế Đông - Tây.

Trong khi đó, Liên bang Nga có tiềm năng và các thế mạnh lớn trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, khai khoáng, năng lượng mới, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ môi trường…

Hai nước đã thống nhất sẽ triển khai kênh thanh toán song phương bằng đồng nội tệ của mỗi nước, nhằm tạo điều kiện cho dòng tiền giao dịch làm ăn của cộng đồng doanh nghiệp hai nước lưu thông thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Hiện, ngoài Thủ đô Moskva và một số thành phố lân cận, gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm và mở rộng thị trường đến các thành phố khác tại Liên bang Nga.

Hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian gần đây đang phát triển rất tích cực, với chính sách ngoại giao hướng Đông, Liên bang Nga coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở châu Á- Thái Bình Dương.

Việt Nam luôn là thị trường, là đối tác ở châu Á được cộng đồng doanh nghiệp Nga quan tâm và mong muốn hợp tác, đầu tư.

Việt Nam cũng luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc mở rộng hợp tác toàn diện với Nga. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng liên tục trong thời gian qua.

Đặc biệt, một quá khứ gần gũi, ấm tình hữu nghị cũng giúp hai bên sớm đạt được tin cậy chính trị và hợp tác chân thành, khiến doanh nghiệp hai nước có thể rút ngắn thời gian tìm hiểu đối tác khi triển khai mỗi dự án quan trọng.

Tạo liên hệ thúc đẩy hợp tác

2019 và 2020 là hai năm đặc biệt trong quan hệ Việt-Nga, kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt-Nga (2019), 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2020).

Trong dịp này, hai nước tổ chức Năm chéo Việt-Nga 2019-2020 với nhiều hoạt động lớn, ý nghĩa và thiết thực ở cả hai nước, trong đó không thể thiếu các hoạt động nhằm xúc tiến hợp tác trong nhiều lĩnh vực có tiềm năng.

Doanh nghiệp Việt-Nga đặt mục tiêu trao đổi thương mại 10 tỷ USD ảnh 2Ngày 29/5, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Nga với sự tham dự của 18 doanh nghiệp Việt Nam và khoảng 60 doanh nghiệp Nga đã diễn ra tại thành phố Saint Petersburg. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tới các doanh nghiệp, các nhà phân phối, khách hàng Nga về các sản phẩm của mình với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả cạnh tranh.

Một thị trường rộng lớn và nhiều nét tương đồng đang đón chào các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngược lại, đây cũng là cơ hội tốt đối với các nhà xuất khẩu của Nga, các nhà đầu tư Nga biết đến Việt Nam - điểm đến hấp dẫn, an toàn và tiềm năng cho các nhà đầu tư trong bối cảnh các nước phương Tây đang cấm vận Nga, và trong bối cảnh Việt Nam là nước có mối quan hệ thương mại tự do với hàng chục nước trên thế giới, trong đó có các nước G20 và G7.

Theo thống kê sơ bộ, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Nga trong quý 1/2019 đạt 1,14 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, Việt Nam đang định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, chuyển đổi dự án công nghiệp từ gia công sang sản xuất, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hiện đại, công nghệ thông tin và dự án hỗ trợ ngành công nghiệp kỹ thuật điện, dệt may, tự động hóa.

Với nhiều hoạt động diễn ra tại Việt Nam và Liên bang Nga, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi và tìm hiểu cơ hội tại thị trường Nga.

Hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TNI, chuyên sản xuất và xuất khẩu càphê rang xay và càphê hòa tan của Việt Nam đã trao thỏa thuận hợp tác trị giá 20 triệu USD với công ty Reatail Technology LTD (Liên bang Nga)...

Các hoạt động nhân dịp năm chéo Việt Nam Liên bang Nga mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu thị trường kinh doanh tại nước bạn.

Thông qua những hoạt động thiết thực như thế, các doanh nghiệp hai bên sẽ có điều kiện nắm bắt được nhiều thông tin đầy đủ hơn về thị trường, nhu cầu hợp tác của nhau, từ đó thiết lập các mối quan hệ đối tác, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh doanh phù hợp với các lĩnh vực, ngành nghề doanh nghiệp hai bên có thế mạnh và có nhu cầu mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Nga-Việt ngày càng phát triển tốt đẹp hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục