Doanh nghiệp vừa và nhỏ là tâm điểm trong cải cách kinh tế của Cuba?

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là tâm điểm trong cải cách kinh tế của Cuba

Thành phần kinh tế tư nhân tới nay vẫn được gọi là tự doanh tại Cuba, với khoảng hơn 600.000 đăng ký hợp pháp, bao gồm cả những hình thái doanh nghiệp hoạt động với mô hình tương đối sơ khai.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là tâm điểm trong cải cách kinh tế của Cuba ảnh 1(Nguồn: worldfinance.com)

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã trở thành tâm điểm chú ý tại Cuba sau khi Hội đồng Bộ trưởng nước này hồi đầu tháng Sáu thông qua chương trình “kiện toàn các tác nhân của nền kinh tế Cuba, bao gồm doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã phi nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.”

Tuy nhiên, hiện vẫn còn phải chờ đợi những quy định cho phép triển khai quyết định đã được kỳ vọng từ khá lâu là sẽ mang lại bước chuyển mình cho khối tư nhân năng động và cả nền kinh tế Cuba nói chung.

Thành phần kinh tế tới nay vẫn được gọi là tự doanh tại Cuba, với khoảng hơn 600.000 đăng ký hợp pháp, bao gồm cả những hình thái doanh nghiệp hoạt động với mô hình tương đối sơ khai.

Ngay từ Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng VII vào tháng 4/2016, Bí thư thứ nhất khi đó là Raúl Castro đã kêu gọi việc “gọi sự vật theo đúng tên của nó,” nhưng phải tới hơn 5 năm sau và qua thêm một kỳ Đại hội Đảng nữa, Cuba cuối cùng mới đưa ra quyết định chính thức bắt đầu tiến trình hợp pháp hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

[Cải tổ doanh nghiệp nhà nước của Cuba: Tìm điểm khởi đầu]

Cho tới nay, La Habana vẫn chưa công bố thêm những quy định cụ thể cho hoạt động của các SME.

Tuy nhiên, việc Cuba thông báo cho phép thành lập các mô hình kinh doanh này tiếp tục là một phần của lập luận kinh tế chính thống tại Cuba, trong đó chứa đựng ít nhất ba điểm gây tranh cãi cần được giải quyết.

Điểm gây tranh cãi đầu tiên là tạo ra sự đối kháng ý thức hệ không cần thiết giữa các doanh nghiệp nhà nước và các SME tư nhân.

Việc tích hợp pháp lý một thành phần kinh tế mới như SME, với mục tiêu là kiện toàn và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, cần được nhìn nhận và giới thiệu một cách tích cực.

Thế nhưng, mục tiêu chính này sẽ bị cản trở khi những “doanh nghiệp lớn” (tất cả là doanh nghiệp nhà nước hoặc liên doanh với nước ngoài) vẫn hoạt động theo những điều kiện và thước đo khác biệt với các SME.

Một mặt, khối doanh nghiệp nhà nước được hưởng những ưu đãi rộng rãi về công nghệ, quy mô sản xuất, quyền tiếp cận tín dụng và hỗ trợ chính sách và kỹ thuật từ nhà nước. Những yếu tố này về lý thuyết đảm bảo cho các doanh nghiệp nhà nước xuất phát “cách xa vạch đích” so với khối SME trong bối cảnh cạnh tranh trong nước.

Mặt khác, khối doanh nghiệp quốc doanh phải đối mặt với những “căn bệnh kinh niên” như môi trường “với những hạn chế ngân sách mềm,” hay nói cách khác là phải thực hiện những mệnh lệnh sản xuất theo nhu cầu chính trị, bất kể lỗ lãi. Yếu tố này có thể bóp méo vận hành của khối doanh nghiệp chủ đạo này và chức năng phân phối nguồn lực một cách hiệu quả ra toàn bộ nền kinh tế.

Điểm mâu thuẫn thứ hai là về “những điều kiện tương đồng” cho các tác nhân kinh tế khác nhau. Mặc dù mục tiêu trao “những điều kiện tương đồng” này có vẻ là một nguyên tắc công bằng, nhưng việc không công nhận những khác biệt giữa các tác nhân kinh tế, sẽ dẫn tới sự phá sản của nhiều đơn vị kinh doanh gặp bất lợi.

Điều này đặc biệt ảnh hưởng tới các SME, bởi điều kiện hoạt động của họ không thể ở mức tương đồng và ngang bằng với các thành phần kinh tế khác chỉ với các sắc lệnh.

Rất nhiều SME, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, có xu hướng hoạt động trong lĩnh vực phục vụ nhu cầu đời sống thường nhật của nhân dân.

Các SME rất mong manh và những bất lợi của họ sẽ không khỏa lấp được bằng những tiến trình trên thực tế chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô tương đối.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là tâm điểm trong cải cách kinh tế của Cuba ảnh 2Đường phố ở Cuba. (Nguồn: AFP)

Khi mà các SME đóng vai trò cung cấp việc làm và thu nhập cho một bộ phận quần chúng lao động, khối doanh nghiệp này phải được đối xử một cách khác biệt. Họ không có khả năng hoạt động trong những điều kiện tương đồng với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Mặt khác, cũng cần đảm bảo họ không bị phân biệt đối xử qua những chính sách đặc biệt dành cho một số rất ít các doanh nghiệp nhà nước, đơn cử như việc cấm khối doanh nghiệp này hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực ngoại thương hay tự thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Điểm gây tranh cãi thứ ba là đưa các cơ sở kinh doanh cỡ nhỏ của nhà nước vào thành phần kinh tế SME. Việc sử dụng quy mô kinh doanh như tiêu chí xếp hạng SME chủ yếu có thể sẽ khiến các chính sách công giảm tính hiệu quả.

Các doanh nghiệp nhỏ của Nhà nước, thậm chí cả ở quy mô siêu nhỏ, chia sẻ nhiều đặc điểm kỹ thuật, sản xuất với các SME với loại hình sở hữu và quản lý khác như tư nhân hay hợp tác xã.

Quy mô nhỏ cũng sẽ đặt ra một loạt hạn chế về năng suất, chi phí và sử dụng công nghệ, và cho dù các hạn chế này có tác động không giống nhau trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, nhưng chúng là điều kiện khá phổ biến.

Tuy nhiên, trên tư cách các thực thể xã hội, một doanh nghiệp nhỏ của nhà nước và một SME tư nhân là những tác nhân rất khác biệt, và điều này có tác động lớn tới chức năng kinh tế và hoạt động quản lý doanh nghiệp.

Tại Cuba, một doanh nghiệp nhỏ của nhà nước về cơ bản vẫn là một phần của hệ thống quản lý tài sản công.

Trong khi đó, SME tư nhân về cơ bản là một phần của quá trình chuyển đổi một bộ phận của khối doanh nghiệp quốc doanh, nằm trong một quá trình tiến hóa chung của nền kinh tế tới một hệ thống tổng hợp nhiều hình thức sở hữu và quản lý.

Ngoài sự phát triển và biến động của những hình thức đã có như doanh nghiệp nhà nước, công ty liên doanh có vốn nước ngoài và hợp tác xã, thành phần SME tư nhân sẽ được bổ sung chính thức và nhiều khả năng sẽ có số lượng đơn vị đăng ký vượt quá cả tất cả các thành phần khác gộp lại.

Hệ quả từ cách tiếp cận mang nặng tính ý thức hệ với thành phần SME có thể khiến La Habana bỏ qua thực tế rằng việc củng cố doanh nghiệp nhà nước và mở rộng khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là hai mặt của một đồng tiền.

Trong điều kiện đầu tư sản xuất ở mức thấp “kinh niên” của Cuba, con đường nâng cao năng suất cho khối doanh nghiệp nhà nước buộc phải bao gồm giai đoạn giảm bớt lực lượng lao động dôi dư và thành phần tư nhân chính là điểm đến lý tưởng cho lượng nhân lực dư thừa này.

Về nguyên tắc, quá trình thành lập các SME tại Cuba cần có đủ thành tố chính. Đầu tiên là đưa ra khái niệm pháp lý áp dụng cho các thực thể kinh tế này, một vấn đề mà tới nay vẫn ít xuất hiện trong các cuộc thảo luận công khai.

Các SME sẽ là đối tượng loại nào trong các luật về thị trường, các công ty này chỉ bị giới hạn trong loại hình doanh nghiệp cá thể hay mở rộng sang cả các công ty trách nhiệm hữu hạn?

Thứ hai là ban hành các quy định cơ bản cho phép hợp pháp hóa các SME trên thực tế đã hiện hữu và đang hoạt động dưới hình thức tự doanh. Cuba cũng nên tạo cơ hội để SME đăng ký hợp pháp những hoạt động kinh doanh mới. Các quy định này phải bao trùm được các điều kiện hoạt động của một doanh nghiệp tư nhân, từ các quyền về sở hữu tư nhân, điều lệ về thành lập, sáp nhập, và phá sản…

Thứ ba là tích hợp các cơ chế hỗ trợ, có thể là trong giai đoạn hai của quá trình phát triển SME khi thành phần kinh tế này đã tăng lên số lượng tương đối. Đây là điểm then chốt vì SME là những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm của mỗi nước và kết nối các tế bào kinh tế.

Xét tổng thể, thông báo về việc cho phép thành lập các SME vừa qua tại Cuba là diễn biến tích cực và có thể mở ra một giai đoạn cải cách kinh tế mới. Dù vậy, hiện vẫn chưa thể đánh giá liệu một cách tiếp cận thực tế hơn có thay thế cho cách tiếp cận bị ý thức hệ hóa tại Cuba trong các cuộc thảo luận về thành phần kinh tế hay không.

Cuba nên chú trọng các SME từ lâu khi mà La Habana luôn đặt mục tiêu gia tăng năng suất trung bình toàn quốc trong ngắn hạn. Nếu như Chính phủ Cuba tham vấn kinh nghiệm ở các nước khác, họ sẽ thấy rằng việc hợp pháp hóa các SME chỉ là bước đi đầu tiên và nếu các doanh nghiệp này không nhận được sự trợ giúp, ngay cả với số lượng đông đảo, SME vẫn chỉ gần như là đứng ngoài cuộc cải cách kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục