Doanh nghiệp xăng dầu quyết giá trong phạm vi 5%

Thay vì mức 7-12% như trước đây, dự thảo Nghị định 84/NĐ-2009/CP mới sẽ cho phép doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự quyết khi giá cơ sở tăng giảm trong phạm vi 5%.
Thay vì mức 7-12% như trước đây, dự thảo sửa đổi thay thế Nghị định 84/NĐ-2009/CP ngày 15/10/2009 mà Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ sẽ cho phép doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thể tự quyết khi giá cơ sở tăng giảm trong phạm vi 5% so với giá bán lẻ hiện hành.

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 30/9, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo Nghị định về Quản lý kinh doanh xăng dầu mới vừa trình Chính phủ cho ý kiến gồm 5 chương và 40 điều sẽ khắc phục được nhiều tồn tại bất cập của Nghị định trước đây.

Cụ thể, theo ông Chiến, khi giá cơ sở giảm trong phạm vi 5% (trước đây là 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng; trường hợp giá cơ sở giảm trên 5% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn), doanh nghiệp đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.

Đối với điều chỉnh tăng giá xăng dầu, trường hợp giá cơ sở tăng trong phạm vi 5% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá, đồng thời gửi quyết định điều chỉnh giá và chịu trách nhiệm mức giá được điều chỉnh với cơ quan quản lý nhà nước.

Trường hợp giá cơ sở tăng từ 5% đến 8% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải gửi phương án tới cơ quan quản lý trước thời gian điều chỉnh 2 ngày làm việc. Quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời, doanh nghiệp đầu mối được quyền tăng giá.

Nếu giá cơ sở tăng trên 8% so với giá bán lẻ hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, doanh nghiệp đầu mối phải báo cáo lên cơ quan quản lý. Sau 5 ngày làm việc nếu không nhận được văn bản điều hành, doanh nghiệp được quyền chủ động điều chỉnh tăng giá, đồng thời gửi quyết định điều chỉnh và chịu trách nhiệm trước nhà điều hành.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Chiến cũng nhấn mạnh, dự thảo Nghị định 84/CP mới sẽ tiếp tục được Chính phủ thảo luận và có thể còn được sửa đổi. Tuy nhiên, không có chuyện giao cho doanh nghiệp tự quyết nghĩa là muốn làm gì thì làm, liên bộ tài chính-công thương sẽ giám sát việc tuân thủ những quy định của Nghị định mới.

"Trong dự thảo Nghị định 84/CP mới, chưa đề cập đến thời gian tính giá cơ sở là 10 ngày hay 30 ngày như Nghị định cũ vì còn liên quan đến thuế, quỹ bình ổn, tình hình kinh tế vĩ mô... Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và tiếp tục đề nghị Chính Phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp," ông Chiến nói.

Ông Chiến cũng nhấn mạnh, dự thảo Nghị định này cũng không thiên vị doanh nghiệp, quan điểm của Bộ Công Thương là mặt hàng xăng dầu sẽ tiến tới cơ chế thị trường, nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu và mức quy định cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh trong phạm vi 5% là thể hiện điều đó.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, việc quản lý chất lượng xăng dầu sẽ chặt chẽ hơn và quy trách nhiệm cụ thể theo hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến đại lý phải có sự kiểm tra, kiểm soát thống nhất, minh bạch công khai giá xăng dầu... Ngoài ra còn có việc tạo điều kiện để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xăng dầu./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục