Doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá

Tại các khu công nghiệp VSIP, WHA, nhiều doanh nghiệp mới thu hút đầu tư, đang trong giai đoạn nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện cho sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi biến động tỷ giá.
Doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá ảnh 1Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Biến động tỷ giá đã tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ở Nghệ An.

Nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu khi tỷ giá USD tăng là doanh nghiệp nhập khẩu, chủ yếu các doanh nghiệp FDI. Tại các khu công nghiệp VSIP, WHA, nhiều doanh nghiệp mới thu hút đầu tư, đang trong giai đoạn nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện cho sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi biến động tỷ giá.

Chị Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng kế toán-xuất nhập khẩu Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc Nakano Việt Nam (Khu công nghiệp WHA Nghệ An), cho biết doanh nghiệp có 100% vốn Nhật Bản đang đầu tư nhà máy may công suất 6 triệu sản phẩm/năm.

Thời gian vừa qua, công ty đang tập trung lắp đặt dây chuyền thiết bị để chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng gặp biến động về tỷ giá.

Cụ thể, máy móc thiết bị được nhập về đầu năm khi giá USD, đồng yen chưa biến động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tất cả chi phí đầu tư, thuế VAT, thuế nhập khẩu liên quan đến ngoại tệ đều đội lên.

Trái ngược với nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh (trung bình khoảng 75,6%), doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... sử dụng nguyên liệu trong nước lại được hưởng lợi.

[Biến động tỷ giá và những hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam]

Công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Phong - chuyên sản xuất mây tre đan xuất khẩu - thời điểm này vẫn đều đặn nhận và xuất hàng.

Ông Thái Đại Phong - giám đốc công ty, cho hay thời gian qua, đồng USD tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu có lợi. Tỷ giá USD càng cao thì doanh nghiệp càng có lợi. Khó khăn nhất mà công ty đang gặp phải là hiện lãi suất ngân hàng quá cao.

Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Sở Công Thương, cho rằng việc đồng USD đang tăng giá trong thời gian qua khiến doanh nghiệp “nửa mừng, nửa lo."  Với tỷ giá như hiện nay, hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng tùy theo từng thị trường, từng nhóm mặt hàng.

Hơn nữa, tình hình lạm phát ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… tăng cao khiến sức mua giảm sút, tác động không nhỏ tới tình hình đơn hàng của doanh nghiệp - ông Tuấn cho biết thêm.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, hiện nay, dư nợ bằng ngoại tệ ở địa phương này chiếm 2% trong tổng dư nợ với 5.067 tỷ đồng. Nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng khuyến cáo để đối phó với biến động tỷ giá bất lợi hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh khi thời điểm này là quý cuối cùng trong năm, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng cao hơn để nhập nguyên liệu và tăng đơn sản xuất.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu cần quan tâm theo dõi biến động, cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất, dịch bệnh và xung đột... Điều này rất quan trọng bởi những dữ liệu ấy có thể giúp doanh nghiệp điều chỉnh tốt hơn, lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu ít bị biến động nhất.

Đồng thời, doanh nghiệp đa dạng hóa phương thức thanh toán, kết hợp với các đơn vị có uy tín để tránh gặp bất lợi.

Doanh nghiệp nhập khẩu cũng cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, nhất là tìm kiếm sản phẩm nội địa, giảm bớt chi phí từ nhập khẩu.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng chia sẻ một giải pháp nữa là tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước. Sau những khó khăn từ thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa, tập trung qua các kênh bán hàng như chợ truyền thống cũng như siêu thị bán lẻ...

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, nhận định trước tình hình khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên đa dạng hóa thị trường kể cả xuất khẩu và nhập khẩu, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán trong hợp đồng ngoại thương; khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn cung nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu.

Thực tế, để đạt chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu đạt 2,35 tỷ USD trong năm 2022 cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với biến động tỷ giá, ngành công thương Nghệ An đưa ra 5 nhóm giải pháp gồm tạo nguồn hàng xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất khẩu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục