Bất ngờ suy giảm

Doanh số bán lẻ tại Mỹ bất ngờ suy giảm

Doanh số bán lẻ tại Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 7, làm dấy lên nỗi lo tiến trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo công bố ngày 13/8 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ của nước này đã giảm 0,1% trong tháng 7, đánh dấu sự suy giảm lần đầu tiên trong 3 tháng qua, khiến nhiều người không khỏi lo ngại tiêu dùng giảm sút sẽ khiến tiến trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng trở nên khó khăn hơn.

Trước đó, theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 trung bình là 0,8%, tiếp tục nối dài đà tăng trưởng của 2 tháng trước.

Trong tháng 7, doanh số bán ôtô và linh kiện có mức tăng mạnh nhất (2,4%), nhờ được lợi từ chương trình "Cash-for-clunkers", đổi xe cũ tốn nhiều nhiên liệu lấy xe mới tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Tuy nhiên nếu không tính lĩnh vực kinh doanh xe hơi thì doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 vừa qua thậm chí giảm tới 0,6%, mạnh hơn so với dự báo giảm 0,1% và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.

Trong một dấu hiệu chắc chắn cho thấy nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đang suy giảm, điều có thể kiềm chế sự phục hồi của nền kinh tế, doanh số bán lẻ (trừ mặt hàng ôtô và xăng dầu) đã giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp, với mức giảm 0,4%, sau khi giảm 0,1% trong tháng 6. Các mặt hàng mà người Mỹ mua ít hơn là đồ gia dụng, điện tử, vật liệu xây dựng, tạp hóa và đồ thể thao.

Bản báo cáo nói trên được công bố 1 ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp lịch sử 0 - 0,25%, đúng như dự đoán của giới phân tích, và nói rằng mặc dù nền kinh tế đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện, các hoạt động kinh doanh có thể vẫn "èo uột" trong một thời gian và tỷ lệ thất nghiệp nhiều khả năng sẽ giữ ở mức cao trong năm tới.

Những số liệu về doanh số bán lẻ hàng tháng cho thấy chiều hướng tiêu dùng của người dân Mỹ, vốn chiếm tới 2/3 sản lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đang chịu sức ép lớn, trong bối cảnh tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình đang gia tăng, giữa lúc cuộc suy thoái nghiêm trọng vốn nổ ra từ tháng 12/2007 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao có thể sẽ kéo dài ít nhất là sang năm tới.

Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ sụt giảm mạnh trong quý II/2008, thời điểm mà cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu tăng cường độ và đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc suy thoái sâu. Người tiêu dùng đã mở hầu bao một cách thận trọng trong quý I/2009, đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng 0,5%, nhưng sau đó con số này lại giảm 1,2% trong quý II/2009, mặc dù Chính phủ Mỹ đã triển khai chương trình kích thích kinh tế khổng lồ.

Trong một báo cáo khác, Chính phủ Mỹ cho biết số người nộp đơn xin bảo hiểm thất nghiệp trong tuần trước đã tăng cao hơn dự báo. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần qua đã có 558.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, tăng so với con số 554.000 của tuần trước nữa. Việc thị trường lao động tiếp tục xấu đi càng làm cho mối đe dọa đối với tiêu dùng trở nên rõ ràng hơn.

Một số nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III. Tập đoàn Morgan Stanley ở New York đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ quý III từ 4,2%/năm xuống còn 3,7%/năm.

Nhiều người cho rằng khi mà tình hình việc làm vẫn chưa có sự cải thiện thì người tiêu dùng sẽ chưa hết lo ngại, và hiện vẫn còn quá sớm để nói về một sự phục hồi bền vững. Các dự báo mới nhất của FED cũng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu một tiến trình hồi phục chậm trong nửa cuối năm nay và tăng tốc dần trong năm 2010./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục