Doanh thu bán lẻ tại Anh tăng mạnh nhất trong 10 năm

Doanh thu bán lẻ tại Anh trong tháng Tư vừa qua tăng 1,3% so với tháng Ba và là tháng ghi nhận mức tăng theo năm mạnh nhất kể từ tháng 5/2004.
Doanh thu bán lẻ tại Anh tăng mạnh nhất trong 10 năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Số liệu do Cơ quan thống kế quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 21/5 cho biết doanh thu bán lẻ ở nước này trong tháng Tư vừa qua tăng 1,3% so với tháng Ba và tăng tới 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tháng thứ 14 liên tiếp doanh thu bán lẻ ở "đảo quốc sương mù" tăng trưởng dương và là tháng ghi nhận mức tăng theo năm mạnh nhất kể từ tháng 5/2004.
Theo ONS, doanh thu bán lẻ trong tháng Tư tăng mạnh chủ yếu nhờ vào doanh thu bán thực phẩm trong dịp Lễ Phục sinh.

Riêng doanh thu từ thực phẩm tăng 3,6% so với tháng Ba và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nhịp độ tăng doanh thu thực phẩm theo năm mạnh nhất kể từ tháng 1/2002.
Trong khi đó, dù tăng 6,5% so với cách đây một năm, nhưng doanh thu từ hàng phi thực phẩm trong tháng Tư lại giảm 0,4% so với tháng trước đó.
Ông Howard Archer, Trưởng nhóm chuyên gia về nền kinh tế Anh và châu Âu thuộc IHS Global Insight, cho rằng các số liệu mới nhất là "hết sức ấn tượng" và đây là một trong những yếu tố giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng khả quan trong quý II/2014.
Ông Archer nhận định sức mua của người tiêu dùng sẽ tiếp tục được cải thiện trong những tháng tới đây khi mà số người có việc làm gia tăng và thu nhập của người lao động có xu hướng tăng cao hơn so với tỷ lệ lạm phát. Ngoài ra, thị trường nhà ở tăng trưởng mạnh cũng hỗ trợ doanh thu bán lẻ.
Theo số liệu công bố trước đó một ngày, tỷ lệ lạm phát ở Vương quốc Anh trong tháng Tư tăng lên 1,8% từ mức thấp kỷ lục 1,6% trong tháng Ba. Trong khi đó, mức tăng trưởng thu nhập trung bình của người lao động là 1,7% trong giai đoạn từ tháng 3/2013-3/2014.
Tuy nhiên, ông Samuel Tombs, chuyên gia về nền kinh tế Anh thuộc Tập đoàn Capital Economics, nhận định tỷ lệ lạm phát tăng trở lại không phải là dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế của nước này gây áp lực lên giá cả mà do kỳ nghỉ Lễ Phục sinh rơi vào tháng Tư.
Số lượng người đi du lịch tăng cao đột biến trong dịp Lễ Phục sinh đã đẩy chi phí đi lại tăng lên.
Theo ONS, giá vé máy bay tăng 18% trong tháng Tư, trong khi giá vé tàu thủy cũng tăng tới 22%. Ngoài ra, giá xăng dầu cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cũng là yếu tố góp phần làm tỷ lệ lạm phát tăng.
Do vậy, mức giảm giá 0,5% của nhóm hàng lương thực-thực phẩm cũng không đủ bù đắp lại mức tăng của chi phí đi lại và xăng dầu./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục