Doanh thu bán vũ khí của Mỹ có thể đạt 50 tỷ USD

Doanh thu bán vũ khí của Mỹ trong tài khóa hiện nay có thể đạt 37,8 tỷ USD và sẽ tăng 30% lên 50 tỷ USD trong tài khóa 2011.
Giám đốc Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) của Lầu Năm Góc, Phó Đô đốc Jeffrey Wieringa ngày 20/7 nói rằng doanh thu bán vũ khí của Mỹ trong tài khóa hiện nay, kết thúc vào ngày 30/9, có thể đạt 37,8 tỷ USD và sẽ tăng 30% lên 50 tỷ USD trong tài khóa 2011.

Ông Wieringa nói hiện nay rất nhiều nước có nguồn dự trữ tiền mặt tăng lên và họ có ý định tiếp tục mua thêm các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự. Các hợp đồng bán vũ khí cho riêng Afghanistan đạt gần 20 tỷ USD trong các tài khóa từ 2009 đến 2011.

Ngoài ra, có thể kể đến các hợp đồng lớn cho Ấn Độ, Brazil, các chương trình hiện đại hóa quân sự đối với Arập Xêút và sự tiếp tục hỗ trợ đối với việc bán vũ khí cho Iraq, Pakistan và Lebanon.

DSCA, có nhiệm vụ giám sát các hợp đồng mua bán vũ khí lớn đối với nước ngoài, sẽ thông báo với Quốc hội Mỹ về một loạt hợp đồng bán vũ khí lớn trong vòng vài tháng tới.

Ông Wieringa cho biết một trong những hợp đồng đó là việc bán cho Israel các loại máy bay chiến đấu, vốn được Lầu Năm Góc thông qua lần đầu vào tháng 9/2008. Đây là hợp đồng bán các loại máy bay chiến đấu mới cho một nước ngoài đầu tiên không thuộc nhóm 8 quốc gia đối tác cùng tham gia sản xuất loại máy bay này.

Trong vòng một thập kỷ qua, doanh thu bán vũ khí của Mỹ đã tăng đột biến từ mức 8 tỷ USD và có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới do các quốc gia có nhu cầu xem xét lại các chương trình quốc phòng của mình.

Trong một diễn biến khác, Công ty công nghiệp quốc phòng Mỹ Raytheon cho biết họ đã chế tạo một loại vũ khí laser có thể bắn rơi máy bay đang bay.

Các quan chức của Raytheon tham gia Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough ở Anh hồi đầu tuần này nói công ty của họ đã hợp tác với hải quân Mỹ để phát triển loại vũ khí có thể gắn trên chiến hạm đó.

Theo Raytheon, súng laser của họ đã bắn rơi 4 máy bay không người lái trong các cuộc thử nghiệm do hải quân Mỹ thực hiện hồi tháng 5 ở ngoài khơi tiểu bang California.

Phó Chủ tịch Raytheon, ông Mike Booen đánh giá các cuộc thử nghiệm được tiến hành trên biển này là một bước tiến lớn của kỹ thuật tia laser.

Quân đội Mỹ và các nhà thầu quốc phòng đã tìm cách ứng dụng kỹ thuật tia laser trên chiến trường từ nhiều thập niên qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục