Doanh trại của Phái bộ gìn giữ hòa bình bị tấn công

Ngày 19/12, doanh trại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Akobo, Nam Sudan, bị tấn công, khiến 3 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng.
Doanh trại của Phái bộ gìn giữ hòa bình bị tấn công ảnh 1Cơ sở gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại bang Jonglei, Nam Sudan bị tấn công. (Nguồn: Reuters)

Ngày 19/12, doanh trại của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Akobo thuộc bang Jonglei, Nam Sudan - đã bị tấn công, khiến ba binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng ngày đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình xung đột bạo lực và vi phạm nhân quyền đang ngày một lan rộng tại nhiều khu vực ở Nam Sudan.

Ông Ban Ki-moon nêu rõ Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ người dân Nam Sudan, cũng như các công dân quốc tế đang có mặt tại nước này. Hiện hơn 30.000 người dân đang tới lánh nạn tại các cơ sở thuộc Liên hợp quốc ở Nam Sudan.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson kịch liệt lên án vụ tấn công trên. Ông cho biết phái đoàn Liên hợp quốc sẽ triển khai kế hoạch tái bố trí lực lượng tại doanh trại Akobo sớm nhất vào ngày 20/12, với 60 binh sĩ được điều đến từ Malaka.

Mâu thuẫn đang gia tăng giữa hai nhóm binh sĩ thuộc Lực lượng vệ binh cộng hòa - một thuộc bộ tộc Dinka trung thành với Tổng thống Salva Kiir và một thuộc bộ tộc Nuer của cựu Phó Tổng thống Riek Machar, người đã bị cách chức hồi tháng Bảy vừa qua.

Xung đột bạo lực đã bùng phát tối 15/12 vừa qua giữa hai nhóm binh sỹ này tại doanh trại quân đội ở thủ đô Juba.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir cho rằng vụ đụng độ trên là một cuộc đảo chính của các binh sĩ trung thành với cựu Phó Tổng thống Machar.

Ngay sau khi xảy ra đảo chính, Tổng thống Kiir đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ trong khoảng thời gian từ 18 giờ hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau. Song biện pháp này vẫn không ngăn chặn được làn sóng bạo lực tràn lan.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, các vụ đụng độ đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 người chỉ trong năm ngày qua.

Tổng thống Salva Kiir cho biết ông sẵn sàng đối thoại với cựu Phó Tổng thống Riek Machar, người mà ông Salva Kiir cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính, châm ngòi cho làn sóng bạo lực đẩy quốc gia Bắc Phi này đến bên bờ vực nội chiến.

Tuy nhiên, ông Machar ngày 19/12 đã bác bỏ đề xuất đàm phán, thay vào đó là kêu gọi đảng cầm quyền và quân đội Nam Sudan hạ bệ tổng thống đương nhiệm.

Trước những diễn biến căng thẳng tại Nam Sudan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã yêu cầu các bên liên quan kiềm chế và ngừng bắn ngay lập tức nhằm chấm dứt đổ máu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng bốn nước Kenya, Djibouti, Ethiopia và Uganda cũng đang họp bàn về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia non trẻ này (Nam Sudan thành lập tháng 7/2011, sau khi tách ra từ Sudan).

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 19/12 cho biết 45 binh sỹ Mỹ đã được phái tới Nam Sudan để tăng cường bảo đảm an ninh cho công dân và Đại sứ quán Mỹ tại nước này cho tới khi tình hình an ninh được cải thiện.

Trong khi đó, Washington vẫn tiếp tục công tác sơ tán công dân của mình khỏi Nam Sudan./..

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục