Độc đáo hát Sịnh ca của người Cao Lan ở Đèo Gia

Toàn bộ kho tàng văn hóa của người Cao Lan ở xã Đèo Gia (Bắc Giang) đều được phản ánh trọn vẹn qua những làn điệu Sịnh ca ngọt ngào.
Vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn, chúng tôi về với xã Đèo Gia, Lục Ngạn, Bắc Giang (một xã vùng sâu với hơn 70% dân tộc Cao Lan sinh sống) để thưởng thức những câu hát Sịnh ca làm mê đắm lòng người.

Toàn bộ kho tàng văn hóa của người Cao Lan đều được phản ánh trọn vẹn qua những làn điệu Sịnh ca ngọt ngào. Trải qua thời gian, dù cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những làn điệu Sịnh ca vẫn được người Cao Lan nơi đây gìn giữ và luôn hiện hữu trong cuộc sống, sinh hoạt của họ.

Hiện Câu lạc bộ hát Sịnh ca ở Đèo Gia có 24 thành viên do ông Chung Văn Thảo làm chủ nhiệm. Ông Thảo tâm sự: Người Cao Lan ở Đèo Gia không ai biết tục hát Sịnh ca có từ khi nào, chỉ biết rằng trong tâm khảm của rất nhiều thế hệ người Cao Lan, Sịnh ca được sinh ra khi loài người chưa có cái chữ và điệu nhạc.

Họ đều tin rằng Sịnh ca như một ân huệ mà thượng đế đã ban tặng cho họ. Người cao tuổi nhất trong câu lạc bộ đã gần 80 tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất mới 15, 16 tuổi.

Câu lạc bộ thường sinh hoạt mỗi tháng một lần tại nhà văn hóa thôn Cống Luộc. Đây là thôn có nhiều hạt nhân biết hát và giữ được giọng hát Sịnh ca hay nhất, đồng thời có đội văn nghệ hát Sịnh ca ra đời sớm nhất xã.

Tham gia một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Sịnh ca Đèo Gia mới thấy hết ý nghĩa của thể loại văn hóa đặc sắc này.

Đối với mỗi thành viên trong câu lạc bộ, mỗi buổi sinh hoạt không chỉ là dịp họ được gặp gỡ, chuyện trò, cùng nhau cất lên những làn điệu Sịnh ca da diết đằm thắm, mà đây còn là khoảnh khắc để người dân Cao Lan cùng ôn lại những giá trị xưa cũ của cha ông qua từng làn điệu Sịnh ca cổ.

Họ biết rằng, họ hát để gìn giữ và bảo tồn báu vật truyền thống của ông cha để lại, như lời tri ân tới những cố nhân người Cao Lan.

Nhiều thành viên trong câu lạc bộ vẫn giữ được giọng hát tốt như bà Hoàng Thị Đào, Bàng Thị Hội, Nình Thị Quý, Tống Thị Hạnh…

Ông Đàm Quang Lộc là thành viên cao tuổi nhất của câu lạc bộ và có lẽ tuổi tác của ông cũng tương đồng với vốn hiểu biết về làn điệu Sịnh ca của người Cao Lan ở Đèo Gia.

Hiện ông là người duy nhất lưu giữ và truyền dạy những làn điệu Sịnh ca cho các thành viên trong câu lạc bộ. Ông không những có giọng hát khỏe, sâu, da diết mà còn có khả năng sáng tác những làn điệu Sịnh ca mới của dân tộc.

Với những cống hiến và tài năng của mình, các thành viên trong câu lạc bộ đều gọi ông là nghệ nhân Đàm Quang Lộc. Với họ, ông chính là báu vật, là linh hồn sống cho làn điệu Sịnh ca ở Đèo Gia được vang mãi đến bây giờ.

Ông Lộc cho biết Sịnh ca của người Cao Lan gồm nhiều loại nhưng tựu trung lại có hai hình thức chính là Sịnh ca ban ngày và Sịnh ca ban đêm. Điều đặc biệt, làn điệu Sịnh ca của người Cao Lan là lối hát giao duyên, không có nhạc đệm, chủ yếu dựa vào tài ứng khẩu của người hát, qua đó thể hiện trí tuệ của người Cao Lan xưa.

Người hát và người sáng tác thường lấy cảnh đẹp của quê hương làng bản, những cảnh trong sinh hoạt, trong cuộc sống hàng ngày, hay những câu chuyện cổ tích, thần thoại, hát mừng năm mới, hát đối đáp mùa xuân, hát ở nhà, hát ở đình… làm đề tài hấp dẫn trong sinh hoạt văn nghệ của mình.

Làn điệu Sịnh ca của người Cao Lan ở Đèo Gia vừa phong phú về thể loại lại vừa hấp dẫn về nội dung. Đến nay, hơn 400 bài hát với nhiều thể loại và nội dung khác nhau còn được lưu giữ ở Đèo Gia. Có bài hát thể hiện tình yêu nam nữ, thể hiện tình yêu của con người với cuộc sống với thiên nhiên, phần nhiều bài hát mới lại thể hiện lòng biết ơn với Đảng, Bác Hồ và con đường đổi mới của quê hương, dân tộc.

Sự khác biệt đáng nói ở làn điệu Sịnh ca của người Cao Lan chính là làn điệu vừa chứa đựng chất thơ, vừa phản ánh giá trị nhân văn sâu sắc của con người.

Nói cách khác, Sịnh ca không chỉ là những câu thơ có vần có điệu mà còn là một hình thức dân ca thể hiện sâu sắc trí tuệ và xúc cảm về nhân sinh quan, thế giới quan của người Cao Lan.

Qua Sịnh ca, người nghe có thể nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn của người Cao Lan bình dị mà tinh tế, mộc mạc mà chân thành.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng trăn trở những làn điệu Sịnh ca đã và đang bị mai một đi rất nhiều vì hầu hết những bài Sịnh ca Cao Lan đều được viết bằng chữ Hán.

Do vậy, chỉ những người biết chữ Hán và có tuổi mới đọc, hiểu, dịch những bài Sịnh ca. Lớp người trung niên và mới lớn không biết chữ Hán thì không đọc được nên rất khó hiểu nội dung của các câu hát mặc dù có học thuộc lòng đi chăng nữa.

Với giá trị độc đáo và giàu bản sắc dân ca, Sịnh ca ở Đèo Gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đây vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của dân tộc Cao Lan ở Đèo Gia nói riêng, đảng bộ và chính quyền huyện Lục Ngạn nói chung trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của làn điệu Sịnh ca.

Để tiếp tục duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể này, câu lạc bộ dân ca Sịnh ca xã Đèo Gia đã kết nạp thêm nhiều thành viên trẻ tuổi. Mỗi buổi sinh hoạt chính là dịp các thành viên lớn tuổi truyền dạy cho con cháu của mình.

Họ dạy từ cách thuộc bài hát đến cách lấy giọng hát như thế nào. Đến nay, nhiều thành viên trẻ trong câu lạc bộ đã thành thạo và hát tốt nhiều làn điệu Sịnh ca, tiêu biểu là các em Chung Thị Yên, Hoàng Văn Lý, Tô Thị Tâm, Bàng Văn Mạnh.

Ông Đặng Minh Tuy - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Lục Ngạn cho biết ngoài việc thành lập câu lạc bộ hát Sịnh ca để giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ, hàng năm huyện đều tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Lục Ngạn, đồng thời mở lớp dạy chữ Hán-Nôm, nhằm giúp người trẻ của các dân tộc có thể đọc và hiểu được ý nghĩa những làn điệu dân ca của dân tộc mình./.

Đồng Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục