"Độc quyền làm tiềm ẩn nguy cơ thoái hóa chất lượng dịch vụ bệnh viện"

Đằng sau câu chuyện về thái độ ứng xử của bảo vệ bệnh viện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân… còn là những câu hỏi về công tác quản lý, sự giám sát trong bệnh viện đã thực sự chặt chẽ?
"Độc quyền làm tiềm ẩn nguy cơ thoái hóa chất lượng dịch vụ bệnh viện" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Những lùm xùm xung quanh câu chuyện bảo vệ ngăn cản xe vận chuyển chờ bệnh nhân nhi hấp hối tại Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua khiến dư luận không khỏi bất bình.

Đằng sau câu chuyện về thái độ ứng xử của bảo vệ với bệnh nhân nhi đang trong cơn nguy kịch, với người nhà bệnh nhân… còn là những câu hỏi về công tác quản lý, sự giám sát trong bệnh viện đã thực sự chặt chẽ?

Sự việc vừa qua tại Bệnh viện Nhi Trung ương như một giọt nước làm tràn ly, liệu tình trạng này có diễn ra phổ biến tại các bệnh viện khác hay không? Liệu có những “luật ngầm” do các bệnh viện tự xây dựng nên không?...

Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Trần Tuấn – Chuyên gia phân tích chính sách y tế, Trưởng Ban thường trực Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Vận động Chính sách Y tế dựa vào bằng chứng Khoa học (EBHPD).


Quyền của người bệnh bị xâm phạm

- Qua sự việc bảo vệ của Bệnh viện nhi Trung ương ngăn cản xe chở bệnh nhi đã hấp hối, ông có thể cho biết, việc làm trên hé lộ những "khoảng tối" nào tại các bệnh viện công hiện nay?

Tiến sỹ Trần Tuấn: Thứ nhất, theo tôi, sự việc vừa qua cho thấy đó là sự đánh mất dần vai trò và trách nhiệm của bệnh viện công mang đúng nghĩa là nhà thương trong thị trường chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, định nghĩa cụ thể của sự chăm sóc dường như hiện nay đang không tiến kịp với khái niệm chăm sóc toàn diện của thế kỷ 21. Ở đây, cụ thể việc chăm sóc không chỉ dừng ở việc cho thuốc, can thiệp y tế, mà chúng ta thấy rằng người bệnh cũng phải được chăm sóc. Sự việc của Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy tại các bệnh viện công đang bị thiếu phần chăm sóc này.

Điểm thứ ba chúng ta thấy rằng quyền của người dân, người bệnh nói chung trong việc sử dụng các dịch vụ y tế có môi trường bệnh viện công đang bị xâm phạm và dẫn đến mức vô cảm.

Thứ tư, dường như người dân luôn ở trong trạng thái cô đơn, không nơi hỗ trợ khi sự việc xảy ra.

Có sự độc quyền trong khuôn viên bệnh viện

"Độc quyền làm tiềm ẩn nguy cơ thoái hóa chất lượng dịch vụ bệnh viện" ảnh 2Tiến sỹ Trần Tuấn – Chuyên gia phân tích chính sách y tế, Trưởng Ban thường trực Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Vận động Chính sách Y tế dựa vào bằng chứng Khoa học (EBHPD). (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Theo ông, đây là sự vụ nghiêm trọng do lỗi hệ thống y tế bệnh viện hay ​chỉ đơn thuần là một vụ việc cá biệt?

Tiến sỹ Trần Tuấn: Thoạt nhìn, chúng ta tương đối bị sốc khi xem video về diễn biến sự việc xảy ra. Sau đó, chúng ta theo dõi thêm trên mạng xã hội và thấy rằng đông đảo bạn đọc đã chia sẻ chính từ những kinh nghiệm thực tế họ đã gặp phải tương tự, tuy rằng mức độ của nó khác nhau và đa dạng sự thể hiện, nhưng đều chung với một loại hình và điều này không phải là hiếm ở các bệnh viện Trung ương khác tại Hà Nội.

Như thế, có thể thấy rằng đây là biểu hiện chung về sự độc quyền hành xử trong khuôn viên bệnh viện. Họ đã bỏ qua quyền tối thiểu của người sử dụng dịch vụ. Như thế, tôi có thể nói rằng, dường như có vấn đề mang tính hệ thống.

- Có nhiều bạn đọc phản ánh, ở một số bệnh viện, họ từng được người lạ gọi điện hoặc ép sử dụng xe cấp cứu để vận chuyển sau khi ra viện. Ông có thể chỉ rõ, những liên kết ngầm xảy ra tại các bệnh viện công diễn ra như vậy là do đâu?


Tiến sỹ Trần Tuấn:
Khi chúng ta đẩy bệnh viện công sang kinh doanh, họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi đi theo kinh tế thị trường, trong khi đó, chúng ta không có được hệ thống quản lý, hành lang pháp lý để có thể đảm bảo giữ được chức năng của bệnh viện công nhằm đáp ứng những nhu cầu chăm sóc cơ bản cho những đối tượng chúng ta vẫn hay gọi là yếu thế trong xã hội.

Như vậy, nó sẽ xảy ra các mâu thuẫn và những mâu thuẫn này sẽ đẩy những người lãnh đạo bệnh viện phải chạy theo áp lực kinh doanh. Việc làm đó cũng đẩy bên ký hợp đồng để cung cấp dịch vụ, cụ thể ở đây là nơi cung cấp dịch vụ bảo vệ phải làm sao tối đa hóa nguồn thu.

Vì vậy, nó sẽ dẫn tới tình trạng độc quyền. Và cái độc quyền ấy, nếu chúng ta có thể thấy nó xảy ra với các dịch vụ chuyên chở thì cũng sẽ xảy ra với các dịch vụ khác tương tự trong vấn đề về thuốc, về vấn đề trang thiết bị và các sinh phẩm khác…


- Ông có nghĩ rằng, chính sự độc quyền mới tạo ra và thúc đẩy những liên kết ngầm này tồn tại và phát triển?

Tiến sỹ Trần Tuấn: Có thể mọi người nghĩ rằng vì độc quyền nên mới xảy ra chuyện đó, tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là một nửa, nửa còn lại nó phải đi kèm với thiếu sự giám sát. Gốc gác của tình trạng trên là thiếu sự tôn trọng quyền của người bệnh sử dụng các dịch vụ y tế từ việc ra chính sách tới giám sát, đánh giá hoạt động hàng ngày cộng với vai trò độc lập, vai trò của hệ thống truyền thông.

Nguy cơ thoái hóa chất lượng dịch vụ y tế

- Theo ông việc có những mối liên kết ngầm chưa được phát hiện thì tiềm ẩn nguy cơ gì?

Tiến sỹ Trần Tuấn: Những mối liên kết ngầm tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy tính độc quyền và độc quyền sẽ dẫn tới thoái hóa. Độc quyền lại thiếu hành lang pháp lý trong vấn đề giám sát, đánh giá để đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích các bên như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua thì câu hỏi tiềm ẩn những mối nguy cơ nào, tôi kết luận tiềm ẩn nguy cơ thoái hóa về chất lượng dịch vụ bệnh viện.

Đe dọa về mặt chất lượng lập tức chúng ta sẽ thấy rằng đầu tiên là mất lòng tin của người dân, tiếp đến là mất thị trường trên chính mảnh đất của mình.

- Ông có nghĩ rằng, những khoảng tối tồn tại như trên là do hậu quả của việc xã hội hóa trong các bệnh viện công lập?

Tiến sỹ Trần Tuấn: Đây thực sự là một trường hợp buộc chúng ta phải nhìn sâu vào. Đây cũng là khởi điểm để chúng ta xem lại toàn bộ tiến trình. Tôi nghĩ là chúng ta nên bàn ngay về vấn đề trao quyền tự chủ cho các bệnh viện.

Đây cũng là điều chúng tôi đã nhìn thấy từ trước và đã nêu dưới hình thức này và hình thức khác rằng phải tách bạch công-tư và chúng ta phải hình thành được một hành lang pháp lý để đảm bảo rằng người bác sỹ được vận hành trong nguyên tắc được rạch ròi, minh bạch tất cả các nguồn đầu tư cho hệ thống bệnh viện tránh việc tạo điều kiện để dẫn đến tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế.

Bởi, quyền tự chủ chỉ được thiết lập khi song song với nó chúng ta thiết lập được cơ chế giám sát độc lập và củng cố ngay các hội chuyên môn đóng vai trò khoa học và độc lập để hỗ trợ người dân nói lên được lợi ích của mình trong việc cân bằng lợi ích của các bên tham gia, đồng thời không được đánh mất vai trò cụ thể, đặc thù của bệnh viện công từ trước đến nay, đó là đảm bảo tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục