Đôi chân tật nguyền và ước mơ về một lập trình viên

Bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, đôi chân teo nhỏ, không đi lại được nên thí sinh Vũ Thị Hoài được bố cõng đến trường thi đại học.
Bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, đôi chân teo nhỏ không đi lại được nên thí sinh Vũ Thị Hoài được bố cõng đến trường thi là trường Học viện Bưu chính Viễn thông. Ở đây, em được các sinh viên tình nguyện nhiệt tình giúp đỡ, cõng đến phòng thi rồi lại cõng về ký túc xá. Hoài quê xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bác Vũ Văn Phiên, bố của Hoài cho biết, bác đi bộ đội 6 năm, từ năm 1973 đến năm 1979, ở chiến trường Quảng Trị- Thừa Thiên nên bị nhiễm chất độc da cam. Em Vũ Thị Hoài sinh ra đã bị dị tật ở cả hai chân, không đi lại được. Hoài có thể tự lo mọi sinh hoạt hàng ngày bằng cách di chuyển nhờ hai tay, nhưng đến trường học thì phải nhờ bố đưa đi đón về. Suốt mười hai năm con gái đến trường cũng là mười hai năm bác Phiên miệt mài đi học cùng con. Con bé thì cõng, con lớn thì đưa đi bằng xe đạp, trường cấp ba xa hơn thì đi bằng xe máy. “Sáng tôi đưa con vào tận lớp rồi về, trưa lại ra đón. Mỗi ngày bốn lượt đi về. Đợt cuối năm lớp 12, Hoài học thêm thì mỗi ngày bố đi về 8 lượt,” bác Phiên chia sẻ. Gia đình làm nông nghiệp, bác Phiên chưa được hưởng chế độ chính sách do thất lạc giấy tờ, chỉ có khoản hỗ trợ cho Hoài được 1,1 triệu mỗi tháng, bác Phiên lại phải lo việc học của Hoài, không làm được nhiều, nên kinh tế gia đình khó khăn. Hiểu được những vất vả của bố, Hoài luôn nỗ lực học tập và đạt học lực khá. Hoài cho biết, em đã tìm hiểu nhiều và biết ngành công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện bản thân nên lựa chọn thi vào ngành này của Học viện Bưu chính Viễn thông. “Em từng thích kinh tế, nhưng nghe nói học kinh tế phải đi lại nhiều nên em lại chuyển sang công nghệ thông tin. Em mơ ước sẽ trở thành một lập trình viên,” Hoài chia sẻ.
Đôi chân tật nguyền và ước mơ về một lập trình viên ảnh 1
Bác Phiên và thí sinh Hoài ở trọ tại ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.
Nhìn cô con gái, bác Phiên bảo, đã nhiều lần, từ khi Hoài còn học cấp II, gia đình khuyên em nên dừng học văn hóa, chuyển sang học một nghề gì đó phù hợp, rồi ở nhà với bố mẹ, nhưng em vẫn khát khao đến trường. Hoài đi thi, cả nhà lo lắm, nếu đỗ lại càng lo vì bác không thể bỏ công việc ở nhà để lên Hà Nội ở hẳn cùng Hoài, chăm sóc em. “Nhưng nó bảo chỉ cần bố lên ở với con nửa tháng, sau đó con sẽ sắp xếp được. Thấy con quyết tâm nên tôi cũng cố cho cháu đi thi, mong con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm để tự lo được cho bản thân,” bác Phiên xúc động nói. Trong khi đó, cô sỹ tử nhỏ vẫn khẳng định đầy tự tin: “Không có bố, em sẽ nhờ các bạn trong cùng phòng ký túc xá, hoặc giả không ai giúp em có thể đi bằng tay đến giảng đường cũng được. Em không ngại, không sợ.” Cũng tại Hội đồng thi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông còn có một thí sinh khuyết tật khác là em Phạm Văn Hoàng, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hoàng bị khuyết tật co cơ bẩm sinh nên em nói năng, đi lại, vận động đều khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần học tập của cậu học trò xứ Nghệ này luôn hừng hực.
Đôi chân tật nguyền và ước mơ về một lập trình viên ảnh 2
Cán bộ coi thi giúp Hoàng làm thủ tục dự thi
Hoàng bảo, năm 2012, em thi vào Học viện Bưu chính Viễn thông, khoa Công nghệ thông tin, bị thiếu mất một điểm. Không đỗ đại học, em đăng ký vào học hệ cao đẳng của trường. Nhưng chưa bao giờ Hoàng đánh mất khát khao và niềm mơ ước được học đại học, nên năm nay, Hoàng quyết tâm thi lại. “Năm ngoái, em chỉ thiếu chút nữa là đậu nên năm nay em sẽ cố gắng hơn,” Hoàng vui vẻ nói. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thí sinh khuyết tật sẽ được xem xét tuyển thẳng vào trường đại học, cao đẳng. Việc xem xét các tiêu chí do giám đốc, hiệu trưởng các trường quy định. Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, các trường hợp khuyết tật trên, trường sẽ xem xét hồ sơ để cân nhắc./.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục