Đòi công lý cho nạn nhân da cam: Ân tình tiếp thêm sức mạnh

Những tình cảm sâu đậm của đồng bào trong nước mà bà Trần Tố Nga nhận được trong chuyến trở về đã tiếp thêm nghị lực cho bà trong vụ kiện chống lại 26 công ty hóa chất của Mỹ.
Đòi công lý cho nạn nhân da cam: Ân tình tiếp thêm sức mạnh ảnh 1Bà Trần Tố Nga (trái) và phóng viên TTXVN cùng xem tập hồ sơ tập hợp 20.000 chữ ký của người dân tỉnh Sóc Trăng ủng hộ vụ kiện da cam. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Trong khoảng thời gian hai tháng, từ cuối tháng Bảy đến cuối tháng Chín, bà Trần Tố Nga, người Pháp gốc Việt - người đứng đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ tại tòa đại hình thành phố Evry - đã trở về Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Những tình cảm sâu đậm của đồng bào trong nước mà bà nhận được trong chuyến trở về đã tiếp thêm nghị lực cho bà trong trong cuộc chiến lâu dài và gian khó này.

Theo bà, chuyến đi đã làm cho bà càng thêm trân quý những tấm lòng, đã truyền cảm hứng cho bạn bè quốc tế, để rồi cùng với họ, bà thêm vững tâm và dốc hết sức cho cuộc chiến đấu còn ở phía trước.

Thêm luận chứng để các luật sư phát biểu trước tòa

Bà Trần Tố Nga về nước lần này, nhân dịp Ngày vì nạn nhân chất độc da cam, nên đã có nhiều buổi làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam (VAVA) Trung ương và VAVA Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng đi với bà có hai luật sư trẻ người Pháp là Amélie Lefèbvre và Bertrand Repolt làm việc tại Văn phòng luật sư Bourdon & Forestier, nơi đã nhận lời bào chữa miễn phí cho bà trong vụ kiện chống lại 26 công ty hóa chất của Mỹ.

Bà Nga mời họ đến Việt Nam lần này để tham gia cuộc đi bộ "Đồng hành cùng nạn nhân da cam" được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen ngày 2/8 nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập VAVA Thành phố Hồ Chí Minh và nhân Ngày nạn nhân chất độc da cam, nhưng cũng đồng thời để cho Việt Nam biết đến hai luật sư trẻ dũng cảm vì nghĩa lớn.

Ngoài việc tham gia cuộc tuần hành, các luật sư Pháp đã đến tận Đồng Dù (Củ Chi). Nơi đây trước kia là một căn cứ lớn của quân đội Mỹ nên phía Mỹ đã tập trung rải các loại thuốc khai hoang làm trụi lá, tạo nên một vùng trắng lớn xung quanh căn cứ. ​Đến giờ, vết tích chiến tranh vẫn còn đó với những hố bom, những vùng trụi lá và những giống cây bị biến dạng vì chất độc.

Cũng trong hai ngày có mặt tại Việt Nam, các luật sư đã gặp những nạn nhân chất độc da cam. Cơ thể bị khiếm khuyết nhưng các em vẫn lao động, để tự nuôi sống bản thân.

Các em đón tiếp hai luật sư bằng những bài hát tràn đầy sức sống và tặng luật sư những sản phẩm lao động của chính mình. Các luật sư cũng đã gặp hơn 20 chị du kích trong cuộc kháng chiến trước đây đồng thời cũng là nạn nhân chất độc da cam.

Điều mà các luật sư cảm nhận được một cách rõ ràng là họ đã trở thành niềm hy vọng đối với các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc chiến đòi công lý. Điều này, bản thân các luật sư cũng không ngờ tới. Chính vì vậy, sau những gì tận mắt chứng kiến, sau những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đầy cảm động, bà Nga hy vọng các luật sư cũng mang về Pháp những tình cảm tốt đẹp và sâu sắc về Việt Nam, về sự can đảm của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Bà Nga cũng hy vọng rằng điều đó không chỉ tô đậm thêm tình cảm của các luật sư đối với Việt Nam mà cũng làm cho các luật sư có thêm luận chứng để phát biểu trước tòa.

Bí quyết chiến thắng của những người chân đất

Cùng đi với bà Trần Tố Nga trong chuyến đi này còn có hai nhà làm phim tài liệu người Mỹ và nhà báo Philippe Broussard, Tổng biên tập tờ L’Express của Pháp. Hai nhà làm phim đang thực hiện bộ phim tài liệu về chất độc da cam và cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, còn nhà báo Philippe Broussard thì đang biên tập cuốn sách của bà "Cuộc đời tôi, cuộc chiến đấu của tôi."

Vượt nửa vòng Trái Đất, các nhà báo, nhà làm phim quốc tế đã không quản ngại hành trình vất vả, họ theo chân bà đến dự tất cả các sự kiện, gặp những đồng đội cũ của bà ở Thông tấn xã Giải phóng, những người cùng chiến đấu trong lòng địch với bà ở vùng nội đô, gặp gỡ các nạn nhân da cam tại các trung tâm chữa trị, và về tận căn cứ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh... Tất cả chỉ để hiểu thêm về lịch sử cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam, về điều gì đã làm cho những người chân đất chiến thắng được quân đội Mỹ hùng mạnh.

Bà kể giọng tự hào: "Khi nhà làm phim Alan Anderson hỏi tôi về nguyên nhân đã làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam, tôi đã nói với ông là hãy đi cùng tôi về Việt Nam. Tại vùng đất thép Củ Chi, trước hệ thống địa đạo chằng chịt khiến quân thù phải khiếp sợ, tôi không cần nhiều lời để giải thích về chiến thắng của người Việt Nam trong cuộc chiến không cân sức này."

Rồi bà tâm sự về việc trong một lần đến thăm các nạn nhân chất độc da cam, một cháu bé tật nguyền, không có óc, đã níu ông Alain Anderson lại để đòi nựng và âu yếm. Giây phút bối rối qua đi, vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, ông đã đưa tay xoa bóp chân cháu bé một cách rất tự nhiên và rồi ông khóc. Sau đó ông trải lòng: "Tuy đi làm phim về các nạn nhân chất độc da cam, nhưng sự thật là tôi rất sợ. Cho đến khi không hiểu sao cháu bé níu tôi lại như thế và tôi ôm cháu vào lòng một cách rất tự nhiên thì tôi hiểu rằng tôi làm phim vì những con người này."

"Câu nói của ông trước khi chia tay tôi để quay trở về Mỹ đã nói lên kết quả của chuyến đi này. Tôi vui vì đã trao được cho những người bạn quốc tế tình yêu đối với con người Việt Nam và đất nước Việt Nam. Theo tôi, đó mới là điều cốt lõi. Qua chuyến đi này, họ cũng nhìn thấy rất rõ nạn nhân da cam là những người bị bệnh tật dày vò, nhưng họ không phải là những người đáng được thương hại mà là những người đáng được giúp đỡ và đáng được nể phục về ý chí vươn lên, về tinh thần vượt khó," bà nói.

Nghĩa tình quê hương

"Sóc Trăng là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Tuy nhiên, chiến tranh và những năm tháng hoạt động cách mạng đã khiến tôi sớm phải rời xa quê hương. Mặc dù vậy, khi tôi về Sóc Trăng, chính quyền và người dân trong tỉnh đã tập hợp được 20.000 chữ ký ủng hộ tôi trong vụ kiện da cam. Khi nhìn thấy một vài dấu lăn tay của những người không biết chữ nhưng vẫn bày tỏ sự ủng hộ cho vụ kiện thì tim mình se lại vì cảm động và vì biết ơn. Tôi biết ơn những người dân Sóc Trăng đã chịu khó đi đến từng thôn, ấp để lấy chữ ký ủng hộ. Tôi cũng biết ơn những con người không biết Trần Tố Nga là ai, có thể cũng chưa hiểu nhiều về vụ kiện này nhưng sẵn lòng ký và đóng góp cho vụ kiện này."

Cầm trên tay tập hồ sơ gồm 20.000 chữ ký, bà xúc động kể về cách mà người dân Sóc Trăng ủng hộ cho vụ kiện bằng những đồng tiền nhỏ chắt chiu: "Người dân nghèo nên cách đóng góp của họ dễ thương lắm. Số tiền mỗi người góp chỉ tương đương giá trị một ly càphê hay một tô hủ tiếu. Vậy mà, chỉ riêng Sóc Trăng đã gửi cho vụ kiện là 120 triệu đồng, tương đương với 5.000 euro. Số tiền này sẽ giúp chúng tôi thuê dịch các tài liệu, phản biện lập luận của các công ty Mỹ trong các tranh luận tại phiên tòa."

Bà cũng cho biết đúng ngày bà quay lại Pháp, tỉnh Hòa Bình cũng đã gửi cho bà 12,8 triệu đồng. Rồi bạn bè bà là cựu học sinh miền Nam, mỗi người đóng góp một chút. Tổng cộng, bà đã mang về Pháp số tiền 6.500 euro để chuyển vào tài khoản dành cho vụ kiện.

Bà chùng giọng xuống khi kể về một cặp vợ chồng mà người vợ bị bệnh nan y về gen, đui mắt, không đi lại được, người chồng là sỹ quan quân đội phải xin nghỉ hưu sớm để về chăm sóc vợ ốm, vậy mà hai vợ chồng đã gửi ủng hộ vụ kiện 5 triệu đồng. "Chính những con người đó, những tấm lòng đó bảo tôi là phải đi, khó mấy cũng đi tới và kiên trì cho đến cùng. Cái nghĩa của mọi người đối với tôi lớn quá," bà Nga nói.

Mục tiêu thức tỉnh lương tri nhân loại

Về khả năng các công ty Mỹ từng cố tình trì hoãn vụ kiện có thể sẽ còn tiếp tục gây thêm nhiều rắc rối, bà Nga cho biết: "Dù sao thì tới giờ này tôi cho là mình thắng rồi. Mở ra được vụ kiện đã là thắng lợi, đi được một phiên tòa là thắng lợi tiếp theo, vậy mà bây giờ mình sắp đi đến phiên tòa thứ ba. Đương nhiên, phiên tòa thứ ba chưa phải là phiên tranh tụng mà chỉ là phiên để giải quyết sự cố mà đối phương đã gây ra. Nhưng như vậy có nghĩa là vụ kiện vẫn đang sống. Hễ vụ kiện còn sống thì mình sẽ còn đi tiếp. Tôi tràn đầy niềm tin vì thấy rằng đúng như luật sư William Bourdon đã nói: "Không ai phá được vụ kiện. Thắng hay không thì lại là chuyện khác."

Theo bà, đích đến của vụ kiện không phải chuyện thắng hay thua mà là gióng lên hồi chuông "nỗi đau da cam" nhằm thức tỉnh lương tri nhân loại: "Nếu mình thắng trong vụ kiện này thì đó là một sự đền bù xứng đáng. Nhưng không chỉ vì sự đền bù đó mà tôi và các luật sư chiến đấu. Đích đến là thức tỉnh lương tri nhân loại, là làm cho càng ngày càng có nhiều người trên thế giới biết về thảm họa da cam và cùng chung tay khắc phục hậu quả và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam."

Bà cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với ba luật sư là William Bourdon, Amélie Lefèbvre và Bertrand Repolt, những người đã sẵn lòng dấn thân, làm việc không lương trong nhiều năm và can đảm đối mặt với hàng chục luật sư được các công ty Mỹ thuê vì lòng nhân ái và tình yêu công lý.

Bà cũng cho biết vụ kiện đang ngày càng gây tiếng vang trên thế giới với nhiều bài viết được đăng trên báo chí Thụy Điển, Đức và Thụy Sĩ thời gian qua. Ngoài ra, một số nhà khoa học ở Canada và Mỹ cũng liên lạc trực tiếp với Văn phòng luật sư Bourdon & Forestier để trao đổi thông tin và luận cứ khoa học. Điều này cho thấy vụ kiện đang nhận được sự ủng hộ và quan tâm ngày càng nhiều không phải chỉ ở Việt Nam và Pháp mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. "Tôi nghĩ rằng đấy là một điều kiện hết sức thuận lợi cho những phiên tòa sắp tới," bà Nga nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục