Đối đầu Mỹ-Trung: Vì sao Nhóm Bộ tứ chưa thể phát huy tác dụng?

​Bốn nước thành viên Nhóm Bộ tứ hầu như không có điểm chung ngoài những lo lắng của họ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và sự sẵn sàng hướng tới Mỹ để đối phó với Bắc Kinh.
Đối đầu Mỹ-Trung: Vì sao Nhóm Bộ tứ chưa thể phát huy tác dụng? ảnh 1Nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Bài viết trên báo The Straits Times nhận định muốn giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần "lấy lòng" các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, vấn đề cũng đang tồn tại khi đã có những nghi ngờ về lợi ích mà các đối tác của Mỹ trong Nhóm Bộ tứ (Quad) - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - có thể mang lại cho Washington.

Đông Nam Á và Nhóm Bộ tứ trên bàn cân

Theo bài viết, Phó Tổng thống Mỹ bà Kamala Harris đã đảm nhận một số nhiệm vụ khó khăn. Đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden đã giao cho bà nhiệm vụ xử lý vấn đề ở khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico. Và tuần qua, trong sứ mệnh quốc tế lớn đầu tiên với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, bà Harris đã bay đến Đông Nam Á để thể hiện sức mạnh và quyết tâm của Washington.

Chuyến thăm của bà Harris cũng là nhằm xua tan ấn tượng cho rằng chính quyền ông Biden đã và đang không quan tâm nhiều đến khu vực Đông Nam Á. Bà là quan chức cấp cao thứ hai trong Nội các đến thăm khu vực này kể từ khi hính quyền ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm nay, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng Bảy.

Đây là điều không có gì ngạc nhiên vì Đông Nam Á nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và đối đầu với Trung Quốc trong khu vực này rõ ràng là ưu tiên chiến lược và ngoại giao số một của ông Biden.

Quả thực, sự cần thiết của việc huy động nguồn lực để đối trọng với Trung Quốc là lý do then chốt khiến ông Biden nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan. Bà Harris đã nói rõ ràng rằng không có nghi ngờ gì, ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở Đông Nam Á hiện nay là chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, và chắc chắn Mỹ muốn "chiêu mộ" các nước trong khu vực để liên kết với Washington chống lại Bắc Kinh.

Những kế hoạch của Washington dễ được tiếp thu ở Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Những nước này ủng hộ Mỹ rất nhiệt tình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Đó là lý do giải thích tại sao Nhóm Bộ tứ, gắn Mỹ với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, rõ ràng là trọng tâm ưu tiên của chính quyền mới của Mỹ đối với chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Ông Biden đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bốn nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, và có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ dưới hình thức trực tiếp vào tháng tới.

Tất nhiên, việc nói chuyện với người đồng quan điểm thường hiệu quả hơn là với những người bất đồng quan điểm, nhưng nếu Washington coi trọng việc can dự với Nhóm Bộ tứ hơn là các quốc gia Đông Nam Á, đây có thể là một sai lầm.

Có hai lý do giải thích điều này. Thứ nhất, chính các quốc gia Đông Nam Á mới là những quốc qua cần phải được thuyết phục để đứng về phía Mỹ nếu ông Biden muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu. Sẽ là khôn ngoan hơn nếu ông ưu tiên dành thời gian cho những quốc gia này, thay vì cho những chính phủ đã đứng về phía ông.

Thứ hai, đã tồn tại sự hoài nghi về những gì Nhóm Bộ tứ có thể mang lại cho ông Biden. Điều đó phụ thuộc vào việc lợi ích và mục tiêu căn bản của các đối tác Nhóm Bộ tứ gắn bó chặt chẽ với nhau như thế nào, và vào sức nặng của mỗi đối tác trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các tín hiệu là không mấy hứa hẹn.

Nhóm Bộ tứ: Hầu như không có điểm chung

 Bốn nước thành viên Nhóm Bộ tứ hầu như không có điểm chung ngoài những lo lắng của họ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và sự sẵn sàng hướng tới Mỹ để đối phó với Bắc Kinh. 

Điểm chung lớn nhất giữa họ là cam kết đối với dân chủ. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất là các quốc gia này tồn tại một cách riêng rẽ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn, họ có lịch sử rất khác nhau và mối quan hệ của họ với Trung Quốc được định hình bởi những bản sắc, tham vọng, niềm hy vọng và nỗi sợ hãi rất khác nhau.

Tầm nhìn về tương lai của châu Á mà Nhóm Bộ tứ muốn thúc đẩy mơ hồ đến mức trở nên vô nghĩa. Những khẩu hiệu như "Một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và "Một trật tự dựa trên luật lệ" không truyền tải được điều gì ngoài một mong muốn chung rằng Trung Quốc không phát triển quá hùng mạnh và quá ảnh hưởng đến mức gây phương hại cho họ. Họ cũng không nói thực chất về cách thức trật tự châu Á cần phát triển như thế nào cho phù hợp với thực tế rõ ràng về sức mạnh của Trung Quốc.

[Bàn về khả năng 'dàn xếp 5 nước' để đối trọng với Nhóm Bộ Tứ]

Cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các nước thành viên Nhóm Bộ tứ sẵn sàng hy sinh lợi ích của riêng mình để hỗ trợ các thành viên khác trong việc đối trọng lại với Trung Quốc. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế, đã không có nước nào hỗ trợ Australia ngoài sự ủng hộ bằng lời nói kể từ khi xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt thương mại của Bắc Kinh. Khi đối đầu kinh tế với Trung Quốc leo thang, chắc chắn những phí tổn của sự đối đầu đó sẽ gia tăng. Và những "người bạn" này hầu như chưa có phản ứng gì.

Trong khi đó, sự sẵn sàng của Nhóm Bộ tứ trong việc hỗ trợ lẫn nhau về quân sự thậm chí còn lỏng lẻo hơn. Mỹ có các liên minh song phương lâu đời với Nhật Bản và Australia, nhưng ngoài hai nước này ra, và bất chấp có rất nhiều quảng cáo rùm beng về một số cuộc tập trận cấp thấp, hợp tác quân sự của Nhóm Bộ tứ có quy mô tương đối nhỏ. Sự hợp tác này vẫn chưa chạm được tới mức "NATO châu Á" mà nhiều người ở Washington hy vọng, lý do có thể vì không có sự tin tưởng về mức độ sẵn sàng chiến đấu vì nhau của họ.

Có lẽ một phần vì lý do này mà hầu hết các hoạt động gần đây của Nhóm Bộ tứ đều tránh xa các vấn đề quân sự và tập trung vào các vấn đề nhẹ nhàng hơn. Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và các hội nghị cấp Ngoại trưởng trước đó của Nhóm đã công bố những sáng kiến ấn tượng, tất cả đều nhằm ngăn chặn các kênh mà qua đó ảnh hưởng của Trung Quốc có thể lan rộng.

10 "nhóm làm việc" của Nhóm Bộ tứ đã được thành lập, bao gồm các vấn đề đa dạng như an ninh mạng, chuỗi cung ứng, chất bán dẫn, biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và vaccine phòng COVID-19.

Mặc dù vậy, vấn đề ở đây là hầu như những sáng kiến này chưa đạt được bất cứ kết quả gì. Nhiều nhóm làm việc thậm chí đã không được triệu tập, chưa nói đến việc đưa ra những báo cáo mà có thể dẫn tới một hành động cụ thể nào đó.

Vấn đề duy nhất dường như có tiến bộ thực sự là kế hoạch chống lại chính sách "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc bằng việc điều phối cung cấp vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu là từ Ấn Độ, đến các nước cần thiết. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã thất bại khi đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng ở chính Ấn Độ đã buộc nước này phải cắt giảm xuất khẩu vaccine.

Sự thất bại cụ thể này có thể do hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai, nhưng sự thiếu hụt đáng thất vọng nhiều sáng kiến nổi bật của Nhóm Bộ tứ chỉ rõ những vấn đề sâu sắc hơn. Xu hướng này cho thấy sự thiếu cam kết và quyết tâm của các nước thành viên trong việc làm cho Nhóm Bộ tứ hoạt động như một cái gì đó khác ngoài "nhà hát ngoại giao."

Điều này có thể phản ánh mối nghi ngờ sâu sắc hơn của các thành viên Nhóm Bộ tứ về những gì họ nói sẽ hành động để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cần tính toán lại một cách sâu sắc

Tất cả điều này gây ra một vấn đề rắc rối thực sự cho đội ngũ của ông Biden. Độ tin cậy về sự thúc đẩy lớn của Washington nhằm đối trọng với Trung Quốc phụ thuộc vào việc Nhóm Bộ tứ hoạt động như thế nào. Nhưng việc các cuộc họp của Nhóm Bộ tứ tiếp tục công bố những sáng kiến mà không đem lại kết quả càng kéo dài thì càng không hiệu quả.

Vì vậy, thay vào đó, Washington cần phải làm gì? Một phần của câu trả lời là dành ít thời gian hơn để thuyết giảng cho những người trong Nhóm Bộ tứ, mà thay vào đó tập trung vào việc xây dựng sự ủng hộ của các quốc gia vẫn còn hoài nghi về quan điểm của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.

Nhưng điều này đòi hỏi không chỉ đơn giản là sắp xếp lại các kế hoạch viếng thăm của các quan chức cấp cao. Điều này đòi hỏi một sự tính toán lại sâu sắc về thông điệp của Mỹ, để thoát khỏi những sự tự mâu thuẫn rõ ràng của chính Washington. 

Điều đó là cần thiết bởi vì những lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á về đường hướng hiện nay của chính sách của Mỹ cần được giải quyết một cách nghiêm túc. Để làm được điều đó, Washington có lẽ cần đưa ra một tầm nhìn có sức thuyết phục về một trật tự châu Á mới công nhận và phù hợp với thực tế sức mạnh của Trung Quốc, thay vì chỉ tìm cách duy trì trật tự cũ dưới sự lãnh đạo của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục