"Mấu chốt" giảm ùn tắc?

Đổi giờ học, làm việc có phải "mấu chốt" giảm ùn tắc?

Đại diện trường học và chuyên gia giao thông đều nhìn nhận, cần nghiên cứu thấu đáo đổi giờ học, làm việc không sẽ lợi bất cập hại.
Ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án thay đổi giờ học, giờ làm để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, lãnh đạo các trường học và phụ huynh cho rằng, đây không phải là mấu chốt để giải quyết vấn đề và sẽ làm nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng bày tỏ quan điểm, Hà Nội khi tiến hành việc thay đổi giờ làm việc và giờ học cần phải nghiên cứu thấu đáo, xem nó giúp giảm ùn tắc được bao nhiêu phần trăm, hậu quả của nó để lại đến mức độ nào.

Lợi bất cập hại


Cô Đoàn Đức Hạnh, Hiệu phó trường Trung học phổ thông Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, việc đổi giờ sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các bậc phụ huynh, nhất là các bậc học dưới như mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. “Giờ học sinh đi học và bố mẹ đi làm quá khác nhau. Do họ vẫn phải đi ra đường để đưa con đi học nên hoàn toàn không giảm được lực lượng tham gia giao thông, thậm chí còn làm tăng lên vì họ phải đi lại nhiều lần,” cô Hạnh cho biết.

Cũng theo cô Hạnh, nếu buổi chiều, học sinh tan học từ 17 giờ 30 trong khi bố mẹ làm việc đến 18 giờ thì bố mẹ chắc chắn sẽ phải “ăn bớt” giờ cơ quan để đến đón con.

Lo lắng về việc lệch giờ ở bậc tiểu học cũng là trăn trở của thầy Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh. Theo thầy Hợp, cả buổi sáng và chiều đều không phù hợp. Cụ thể, buổi sáng, bố mẹ sau khi đưa con đến trường sẽ phải “lang thang” đâu đó rồi mới đến cơ quan vì còn một tiếng đồng hồ sau mới đến giờ làm. Buổi chiều, phụ huynh đến đón con muộn, rất khó khăn cho việc trường phải bố trí người trông các cháu, chờ bố mẹ đến đón.

“Lúc đó, lại phải mở thêm dịch vụ trông trẻ, rất phức tạp,” thầy Hợp phân trần.

Trước những băn khoăn của các bậc phụ huynh về bài toán nan giải là đón con, Bộ Giao thông Vận tải chủ trương thí điểm thay đổi giờ học ở bậc đại học, áp dụng với đối tượng sinh viên, là những người chủ động trong việc đi lại.

Theo đó, sinh viên học tại quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng sẽ vào học sớm nhất, từ 6 giờ 30 phút. Sinh viên các trường trên địa bàn quận Cầu Giấy vào học từ 7 giờ và sinh viên học tại Thanh Xuân vào học từ 6 giờ 45 phút.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Thọ, Phó hiệu trưởng Đại học Công Đoàn, quận Đống Đa, điều chỉnh giờ học như thế là không phù hợp.

Ông Thọ cho biết, việc sinh viên vào học từ 6 giờ 30 phút là quá sớm bởi để có mặt ở trường đúng giờ, sinh viên sẽ phải đi ở nhà từ 6 giờ, thậm chí sớm hơn nữa với những em ở xa. Ngay cả mùa hè thì đó đã là một khó khăn, chưa tính tới mùa đông, trời tối và nhiều sương mù, đi lại không đảm bảo an toàn.

“Không chỉ sinh viên, vào học quá sớm cũng là thách thức với giảng viên, nhất là các giảng viên nữ khi họ còn phải chăm sóc gia đình, con cái, cho con ăn sáng, đưa con đi học như tất cả các phụ nữ ở những ngành nghề khác,” ông Thọ chia sẻ.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, hiện hầu hết các trường đều vào học từ 7 giờ sáng, nghĩa là sinh viên phải đi học từ 6 giờ 30 phút, không phải là giờ cao điểm dẫn đến tắc đường. Giờ cao điểm phải là thời điểm từ 7 đến 8 giờ, khi sinh viên đã bắt đầu buổi học.

Sẽ thất bại nếu lệch giờ nhau quá ngắn

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), việc thay đổi giờ làm, giờ học là cần thiết để các giờ lệch nhau giảm căng thẳng giao thông vào giờ cao điểm, nhưng các giờ phải cách nhau một tiếng.

Ông Thủy cũng nhìn nhận rằng, các khu giờ đi làm và tan tầm chỉ cách nhau khoảng 30 phút, trong khi thói quen của người Việt lâu nay đi làm muộn về sớm là rất phổ biến, dẫn đến việc thay đổi giờ như vậy không còn hiệu quả nữa.

“Ở đề xuất giờ làm, giờ học của Bộ Giao thông Vận tải gửi Hà Nội nghiên cứu chỉ cách nhau nửa tiếng là không được, 8 giờ 30 với 9 giờ thì lệch nhau 30 phút vẫn đan xen nhau và sẽ gây ùn tắc. Tôi đề nghị là 8 giờ với 9 giờ. Còn như đề xuất này thì không ổn, bài học kinh nghiệm từ trước đó Hà Nội đã thực hiện thay đổi giờ làm nhưng vẫn thất bại do chênh nhau quá gần, không tạo ra ranh giới rõ ràng,” ông Thủy nói.

Ông Thủy cũng cho rằng, nếu việc thay đổi giờ làm như đề xuất của Bộ, sẽ giảm khoảng 5% lượng phương tiện đổ ra đường cùng một giờ, nhưng nếu tăng khoảng cách lên một tiếng thì có thể dòng xe sẽ giảm đi khoảng 10-15%.

Nhận xét về đề xuất này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: “Ùn tắc thì ai cũng thừa nhận và ai cũng muốn đi làm sớm để tránh ùn tắc. Tuy nhiên việc thay đổi giờ làm việc và giờ học cần phải nghiên cứu kỹ, xem nó giúp giảm ùn tắc được bao nhiêu phần trăm, hậu quả của nó để lại đến mức độ nào, đôi khi lợi bất cập hại.”

“Các cháu học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đa phần đều phải đưa đón, giờ thay đổi như thế này thì việc gia đình sẽ sắp xếp đưa đón con như thế nào? Gia đình người Việt lâu nay gắn bó với bữa cơm gia đình, giờ làm của bố mẹ thay đổi, giờ học của con thay đổi thì sinh hoạt của gia đình sẽ thay đổi như thế nào...? Cái này cũng rất cần nghiên cứu cụ thể,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội), cần đợi Hà Nội nghiên cứu thêm, khi nào có kết quả nghiên cứu, chạy mô hình thì lúc đấy mới có thể nói đến vấn đề khả thi hay không khả thi./.

Mai - Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục