Đòi hỏi phải kiểm soát thứ trò chơi… tốn đất

Phát triển sân golf luôn là vấn đề gây tranh cãi bởi loại “trò chơi tốn đất” này chiếm dụng đất đai, gây ô nhiễm môi trường và phần nào đó tạo nên sự bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những hiệu quả nhất định, phục vụ đời sống.

Phát triển sân golf luôn là vấn đề gây tranh cãi bởi loại “trò chơi tốn đất” này chiếm dụng đất đai, gây ô nhiễm môi trường và phần nào đó tạo nên sự bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những hiệu quả nhất định, phục vụ đời sống.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần phải có những quy hoạch cũng như chế tài để kiểm soát chặt chẽ loại hình này để nó phát huy giá trị, phục vụ cộng đồng.

Lợi thì có lợi…

Tại cuộc bàn luận về vấn đề “Sân golf và xây dựng xanh” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 6/5, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam cho rằng, golf là một ngành công nghiệp mới và là một môn thể thao tiềm năng.

Đưa ra ví dụ, ông Chu nói, ngành công nghiệp golf ở Mỹ có doanh thu 62 tỷ USD mỗi năm với 26 triệu người tham gia trên 17.000 sân golf. Ở sát Việt Nam, Thái Lan có 256 sân và Malaysia có 230 sân golf.

Ông Chu nói rằng, xu hướng phát triển sân golf hiện nay là tất yếu. Ở Việt Nam, sân golf đầu tiên được mở là sân golf Đảo Vua – Đồng Mô (năm 1993) và hiện nay có 18 sân golf đang hoạt động chính thức trên cả nước.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch thì nhận định: “Sự bí ẩn về không gian kết hợp cảnh quan phong phú từ các loại cây xanh, rừng cây trên nền mảng cỏ rộng lớn, mặt nước hồ… là nét quyến rũ của nghệ thuật quy hoạch sân golf."

Ngoài ra, sân golf còn được ghi nhận như nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động với những trình độ khác nhau (công nhân xây dựng, bảo vệ, dịch vụ…). Ông Hải cho hay, các công việc ở sân golf hầu hết đòi hỏi có ngoại ngữ nên đó cũng là một động lực thúc đẩy phong trào học văn hóa và ngoại ngữ của cư dân địa phương.

Thêm vào đó, trong quá trình hoạt động, sân golf cũng góp phần tiêu thụ sản phẩm của địa phương, tăng tính hấp dẫn của du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho sự giao lưu văn hóa…

Dự án sân golf hay đầu tư… bất động sản?

Lợi ích thì đã rõ, nhưng ông Hải cũng nói sân golf là vẻ đẹp… có gai. Nhiều địa phương hiện đã cấp phép làm sân golf trên những vùng đất nông nghiệp màu mỡ, phần lớn sân golf không xây trên đồi cát hay đồi dốc cằn cỗi…

Giáo sư Tôn Gia Huyên (Hội Khoa học Đất Việt Nam) nói rằng, ở Việt Nam hiện đã có 144 dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện. Tính trung bình, nếu 144 dự án này thực hiện sẽ “tiêu tốn” khoảng 44.584ha đất, mỗi dự án trung bình khoảng 203ha. “Nếu tính riêng 76 dự án đã và đang triển khai thì tổng diện tích đất mà sân golf chiếm là 23.832ha, trong đó 9.847ha là đất nông nghiệp với 1.847ha đất trồng lúa nước,” ông Huyên nói.

Ông cũng cho biết, việc phân bố sân golf chưa được thấu đáo và thường tập trung vào các khu phát triển. Hơn thế, đất dùng làm sân golf thực sự chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số đất của dự án sân golf, phần lớn diện tích đất còn lại thường được các chủ đầu tư xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, biệt thự, khách sạn… Ngoài ra, việc lấy đất nông nghiệp sẽ làm thiếu đất và làm đồng ruộng bị chia cắt, biến đổi cơ cấu nông nghiệp của địa phương, gây rối loạn sinh hoạt và sản xuất của nông dân bản địa.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Bình (Trưởng Khoa Quản lý đô thị, Học viện Cán bộ Xây dựng và Đô thị) cho hay, đó chính là do việc chồng chéo, thiếu cơ chế phối hợp đa ngành trong quản lý phát triển đối với các dự án sân golf dẫn đến thực trạng các sân golf trở thành các dự án kinh doanh bất động sản, công viên sinh thái…

Về vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Chu nói rằng, “nhu cầu xây sân golf gắn liền các khu nghỉ mát hiện nay trở nên bắt buộc. Ngoài ra, bản thân sân golf không mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi nhuận, mà lợi nhuận chủ yếu dựa vào… bất động sản. Do đó rất cần thiết phải hoán vị lại tên các dự án, không để cho tên sân golf ở vai trò chính mà thực chất chỉ là… vai trò phụ.”

Phải quy hoạch chặt chẽ

Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc phát triển sân golf ở Việt Nam còn thiếu một bản quy hoạch tổng thể. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thục (Viện Nghiên cứu Định cư) nói cần đưa sân golf vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương để tránh đi việc lấy quỹ đất nông nghiệp màu mỡ và tận dụng những khu vực hoang hóa vào khai thác.

Do bản thân sân golf là một cản trở cho các kết nối giao thông, để loại bỏ cản trở này, bà Thục cho rằng cần gắn kết sân golf với công viên, khu vui chơi giải trí và biến nó trở thành môn thể thao thông dụng. “Cũng có thể nghiên cứu, kết hợp mạng lưới đường khu vực với các đường phân khu chức năng trong sân golf để có các đường xuyên qua sân golf thuận lợi cho dân cư,” bà Thục nói.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Hy (Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) cũng nói rằng, nhà nước cần có quy hoạch mạng lưới sân golf toàn quốc. Quy hoạch này cần cụ thể hóa cho từng địa phương, tránh để tình trạng nhà đầu tư đề xuất ra các vị trí của sân golf một cách tự phát, không phù hợp và đặc biệt là chiếm đất “bờ xôi ruộng mật.”

Còn Thượng tá Phạm Mạnh Thông (Cục Cảnh sát Môi trường) nói rằng, những vi phạm về Luật Bảo vệ Môi trường của các dự án sân golf như không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã xây dựng hoặc đưa công trình vào hoạt động vẫn còn khá phổ biến. Ngoài ra, các sân golf không thực hiện chế độ báo cáo hiện trạng môi trường, không lập hồ sơ đăng ký phát sinh chất thải nguy hại, không thu hồi sản phẩm, bao bì thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón hóa chất là chất thải nguy hại…

Do đó, khi phát triển sân golf, nhất thiết phải chú ý đến những vấn đề môi trường. Các chủ đầu tư tự mình phải ý thức được việc bảo vệ môi trường và các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát hoạt động của sân golf./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục