Đối mặt gánh nặng kép

Indonesia đối mặt gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em

Indonesia đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, gồm còi cọc, nhẹ cân của trẻ thiếu dinh dưỡng và béo phì của trẻ thừa dinh dưỡng.
Indonesia đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em, bao gồm còi cọc và nhẹ cân của trẻ thiếu dinh dưỡng và béo phì của trẻ thừa dinh dưỡng.

Theo một nghiên cứu vừa công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), một phần ba trẻ dưới 5 tuổi ở Indonesia nhẹ cân, tức là có cân nặng không tương xứng với tuổi, và 36% còi cọc, nghĩa là có chiều cao không tương xứng với tuổi.

Như vậy, trong khu vực Đông Nam Á, về tỷ lệ trẻ còi cọc dưới 5 tuổi Indonesia còn xếp dưới Thái Lan (16,0%), Malaysia (17,0%), Việt Nam (23,3%) và Philippines (32,0%) và chỉ trên có Myanmar (35%), Campuchia (40,9%) và Lào (44%).

Ngoài ra, báo cáo của WB còn khuyến cáo về tình trạng trẻ béo phì do thừa dinh dưỡng ở Indonesia với tỷ lệ 12,2%, cao hơn gấp đôi so với mức 6,0% của nước láng giềng Malaysia.

Vụ trưởng Dinh dưỡng, Bộ Y tế Indonesia, Minarto nói rằng ngoài những lý do khác, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Indonesia phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em là sự thiếu hiểu biết.

Gánh nặng kép này còn làm suy yếu nghiêm trọng nỗ lực xóa đói giảm nghèo và xói mòn tăng trưởng kinh tế.

Điều tra của WB cho thấy trong năm 2010, chỉ có 15% trẻ sơ sinh ở Indonesia được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng, giảm so với các tỷ lệ tương ứng 32% năm 2007 và 40% năm 2002.

Trong khi đó, giáo sư dinh dưỡng thuộc Viện Nông nghiệp Bogor (IPB), Sukirman cho biết cải tiến công nghệ trong chế biến thực phẩm với các sản phẩm chứa nhiều đường và chất béo, giá cả phải chăng phù hợp với những người có thu nhập thấp, giao thông vận tải khiến sự vận động ít đi, cũng như quảng cáo cũng tác động làm sự gia tăng số trẻ béo phì.

Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ còi cọc xuống 32% vào năm 2015,và để hoàn thành, Bộ Y tế nước này đã phát động một chương trình quốc gia gọi là “1.000 ngày đầu tiên,” tập trung vào cung cấp dinh dưỡng tốt hơn cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục