Đổi mới cơ chế tài chính là đòn bẩy cho giáo dục

Trao đổi với Vietnam+ về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, giai đoạn 2009-2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đề án này là tiền đề, là cơ hội và thực sự là đòn bẩy để phát triển giáo dục, đào tạo.

Trao đổi với Vietnam+ về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, giai đoạn 2009-2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đề án này là tiền đề, là cơ hội và thực sự là đòn bẩy để phát triển giáo dục, đào tạo.

Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng, tăng quy mô giáo dục và đào tạo.

Qua nghiên cứu đề án, có thể thấy, đề án này khi đi vào thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được đi học nhiều hơn, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng: Đúng vậy, trên cơ sở phân tích điều kiện tài chính của người học và nhu cầu tăng chi cho giáo dục đào tạo ở các bậc học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đề án đã xác định các giải pháp cụ thể để vẫn tăng được số người đi học, đặc biệt là con em các hộ ở vùng khó khăn, hộ nghèo, vừa nâng cao được chất lượng giáo dục trong điều kiện ngân sách nhà nước cho giáo dục là có hạn, khoảng 20% ngân sách.

Trong khi đề án khẳng định, nhà nước là người chi chủ yếu cho giáo dục đào tạo của đất nước thì đồng thời xác định 2 nguyên tắc căn bản của học phí:

- Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, ngoài việc miễn phí cho tiểu học, học phí chỉ là sự đóng góp theo khả năng của các hộ gia đình cho việc học hành của con em mình, không bao giờ là gánh nặng tài chính cho gia đình. Đối với các hộ nghèo, nhà nước còn tài trợ thêm tiền cho gia đình để mua đủ sách vở, cặp, đồ dùng học tập, giày dép... cho học sinh.

- Học phí học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học góp phần cùng nhà nước để đảm bảo chất lượng đào tạo. Những ai không có điều kiện đóng học phí do hoàn cảnh khó khăn thì đều được vay từ ngân hàng chính sách để học.

Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 có giải quyết được mâu thuẫn giữa một bên là chuẩn học ngày càng tăng của nhân dân, số lượng người học và chất lượng giáo dục; một bên là nguồn lực cho giáo dục hạn chế và còn nhỏ của nhà nước và nhân dân?

Phó Thủ tướng: Mặc dù Việt Nam đã dùng 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục, song giá trị của đầu tư đó còn rất thấp, do GDP của Việt Nam còn thấp. Theo sức mua tương đương, GDP/người của Việt Nam bằng 36% của Thái Lan, bằng 10% của Hàn Quốc, bằng 7,4% của Nhật Bản, bằng 5,3% của Mỹ (năm 2006).

Do đó, chi phí cho giáo dục/người của Việt Nam chỉ bằng 1/4 của Thái Lan,  1/8 của Hàn Quốc, 1/11 của Nhật Bản và 1/16 của Mỹ.

Muốn tăng chất lượng và quy mô giáo dục Việt Nam thì phải nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục từ ngân sách và từ nhân dân; tăng đầu tư của nhà nước trong giới hạn chung cho phép; tăng đầu tư của nhân dân mà không gây quá tải về tài chính cho hộ dân.

7 trong 8 nhóm giải pháp đổi mới cơ chế tài chính còn nhằm làm cho hiệu quả đầu tư cho giáo dục được nâng cao, và tăng đầu tư của nhà nước cho giáo dục. Giải pháp thứ 8, học phí còn hỗ trợ người học, tăng đóng góp của người dân ở bộ phận có thể, với điều kiện công bằng và không gây quá tải về tài chính cho hộ dân.

Phó Thủ tướng có thể cho ví dụ về việc tính học phí thỏa mãn yêu cầu trên?

Phó Thủ tướng: Lần này, đề án chỉ ra rằng nếu hộ dân nghèo, miễn học phí cũng không đủ điều kiện để đi học. Ví dụ, gia đình chỉ có thể dùng 20.000 đồng lo cho việc học hành của con, song việc đi học lại cần 60.000 đồng là tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, giày dép, quần áo đồng phục. Trong trường hợp này, đề án đề nghị nhà nước cấp bù 40.000 đồng cho gia đình để lo cho con em đi học, với mức 60.000 đồng/người.

Với sinh viên đại học, học phí 180.000 đồng/tháng. Nếu nhà nước yêu cầu tăng học phí lên, ví dụ 300.000 đồng/tháng để chi phí đào tạo thêm, tạo điều kiện chất lượng giáo dục tăng thêm, thì với các hộ nghèo, nhà nước cho vay để học, mỗi tháng thêm 120.000 đồng. Như vậy, dù học phí đại học có tăng, các hộ nghèo không sợ ảnh hưởng về đóng học phí.

Ở các vùng núi, vùng khó khăn, thu nhập thấp thì việc đóng học phí của con sắp tới thế nào?

Phó Thủ tướng: Ở các vùng này, theo tính toán của các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Điện Biên, Nghệ An, học sinh đi học không phải đóng tiền, mà được hỗ trợ hàng tháng từ 5.000 đến 50.000 đồng để có thể đưa con đi học.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Vũ Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục