Đổi mới hoạt động báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng trực tiếp đến "môi trường sinh thái" của các phương tiện thông tin đại chúng, khiến thông tin của công chúng cũng thay đổi mạnh mẽ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng trực tiếp đến "môi trường sinh thái" của các phương tiện thông tin đại chúng, khiến thông tin của công chúng cũng thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, báo chí đang phải đối mặt với tác động to lớn của truyền thông xã hội.

Do đó, làm thế nào để báo chí có thể "giữ vững trận địa" thông tin, làm chủ trong môi trường truyền thông số là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến tại hội thảo "Báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội: Đổi mới hoạt động và kinh doanh báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội."

Hội thảo do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/6.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng truyền thông xã hội là một trong những cách thức truyền thông mới được các nhà báo trong và ngoài nước đề cập khá nhiều.

Truyền thông xã hội dựa trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, các tin tức có thể chia sẻ giữa hai hoặc nhiều cá nhân, được lưu truyền một cách chóng mặt. Đây là sự khác biệt rõ nét giữa truyền thông xã hội với các phương tiện truyền thông truyền thống - nơi các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp giữ vai trò là hạt nhân kết nối truyền thống và đưa tin. Điều đáng nói là khi truyền thông xã hội phát triển sẽ tạo ra một nguồn thông tin đa dạng, phong phú cho báo chí truyền thống...

[Ban hành kế hoạch triển khai, sắp xếp lại các cơ quan báo chí]

Đặc biệt, vấn nạn tin giả trên mạng xã hội hiện nay đang hoành hành khắp nơi, tác động rất lớn đến tâm lý chung của công chúng, khiến các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin. Trước mắt, phải quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả, bởi vấn nạn này ngày càng phức tạp, nguy hiểm.

Thực tế này không chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, đòi hỏi trách nhiệm từ chính cơ quan báo chí, nhất là các nhà báo, bởi chỉ một dòng status của nhà báo cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cá nhân hay tổ chức, từ đó thông tin lan truyền, khó kiểm soát trên mạng xã hội, tạo "kẽ hở" cho các thế lực thù địch tấn công ngược, gây hoang mang dư luận. Do đó, người dùng mạng xã hội cũng cần có kỹ năng, trách nhiệm cao đối với mỗi hoạt động của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, tránh bị cả tin, lôi kéo và mắc bẫy các đối tượng xấu...

Trước câu hỏi: Phải làm thế nào để người đọc tự tìm đến báo chí chính thống một cách chủ động? giải pháp nào để báo chí tồn tại trong cuộc cạnh tranh với mạng xã hội? Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê, ông Lê Quốc Vinh chỉ ra thực trạng mạng xã hội hiện nay và cho rằng đặc tính của báo chí truyền thống hiện nay là thông tin bị động.

Theo ông Vinh, báo chí không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ, nhưng có thể cạnh tranh về tính pháp lý, độ tin tưởng, chính xác của thông tin. Để có thể là kênh thông tin được lựa chọn, tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với mạng xã hội, báo chí phải cùng lúc đạt được ba yếu tố gồm có chất lượng cao (có tính xác thực, trung thực, độc lập cao); tạo ra được cơ chế trong bảo vệ tác quyền; các giải pháp từ người đọc...

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung cơ quan báo chí thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới của kinh doanh báo chí và sức ép của mạng xã hội; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của báo chí trong bối cảnh nhiễu thông tin trên mạng xã hội; tái tạo kênh phân phối-báo chí như một loại hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục