Đổi mới phương thức phân phối, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năng lực đáp ứng "đi chợ hộ" cho người dân ngày càng tăng lên và tăng đáng kể từ ngày 31/8 đến nay.
Đổi mới phương thức phân phối, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ảnh 1Người tiêu dùng chọn mua rau củ quả tại siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nhằm tháo gỡ "nút thắt" cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh... tiếp tục kết nối thêm đơn vị giao nhận hàng hóa.

Cùng với đó, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị chính quyền thành phố cho siêu thị, cửa hàng và shipper được hoạt động đến 21 giờ mỗi ngày.

Điển hình, Satramart - siêu thị Sài Gòn, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp Công ty cổ phần Be Group để đưa “siêu thị thu nhỏ” của mình xuất hiện ở mục “đi chợ” trên ứng dụng Be; trong đó, Satramart đưa vào dịch vụ giao hàng kết hợp với Be Group với 12 combo được thiết kế sẵn, có giá dao động từ 120.000 đồng đến hơn 560.000 đồng/combo, mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn đa dạng.

Hơn thế nữa, nhiều combo được lên thực đơn hoàn chỉnh đầy đủ dinh dưỡng từ nhóm mặt hàng thịt, cá, trứng đến các loại rau củ, quả... Bên cạnh đó, còn có những combo “chuyên biệt,” gồm các loại rau, củ gia vị (hành, tỏi, chanh, ớt, sả, gừng), combo chuyên hàng thực phẩm công nghệ (gạo, dầu, bột ngọt, nước tương, nước mắm, sữa...), combo chuyên hàng hóa phẩm (khăn giấy, giấy vệ sinh, kem đánh răng, nước rửa tay, nước rửa chén, nước xả vải...).

Theo bà Đỗ Thị Dậu, Giám đốc Satramart - siêu thị Sài Gòn, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, giá trị đơn hàng được tính thêm cước phí giao hàng và phí dịch vụ đi chợ hộ cố định là 15.000 đồng/đơn hàng. Đơn hàng được tài xế nhận đơn sẽ được giao trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Ngoài bán hàng theo combo trên ứng dụng Be, Satramart - siêu thị Sài Gòn cũng bán những combo này trên ứng dụng G1 Mart và sẽ giao hàng trong bán kính 5km với phí giao hàng và đi chợ hộ cố định là 35.000 đồng/đơn hàng. Khách hàng sẽ nhận được hàng trong vòng 3 ngày kể từ ngày đặt hàng, với hình thức thanh toán tiền mặt cho tài xế giao hàng trên cả hai ứng dụng Be và G1 Mart.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food đang tăng cường hàng loạt xe buýt “Chuyến xe mua chung - Bình ổn giá” để kịp thời giao hàng cho các đầu mối mua chung. Mô hình này, ưu tiên cung ứng đa dạng mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm tươi sống, gia vị... với giá bình ổn thị trường để chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân.

Bà Võ Thị Ngọc Hường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food cho biết, điểm mới của mô hình mua chung này, là có bổ sung thêm khâu vận chuyển giao hàng tận nơi phân bổ hàng hóa đến tay người dân được nhanh chóng hơn; trong đó, chính quyền địa phương chỉ cần có đầu mối tổng hợp thông tin và chuyển đơn hàng cho Co.op Food, thay vì vừa phải tung lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và tổ chức đưa hàng hóa đến từng hộ dân. Sau khi nhận được đơn hàng, Co.op Food sẽ soạn và hẹn giao hàng tận nơi, nên lực lượng chức năng chỉ cần tổ chức phân phối đến hộ dân trong khu vực.

[Hệ thống thương mại TP.HCM ngày đầu thực hiện ai ở đâu ở yên đó]

Còn đại diện Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, từ ngày 7/9 sẽ đưa vào sử dụng khoảng sân giữa hai nhà lồng B-D và D-F, được chia làm 20 ô với 720 m2/ô, để làm khu tập kết, trung chuyển hàng cho ngành hàng thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, rau củ, quả, trái cây...

Trạm trung chuyển này, đảm bảo cung ứng nguồn hàng phong phú đến từ nhiều nơi như: tại tỉnh miền Đông, miền Tây, Đà Lạt... từ 100 đến hơn 200 tấn/đêm đến hệ thống bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như mạng lưới chợ truyền thống được phép hoạt động.

Đổi mới phương thức phân phối, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ảnh 2Cán bộ, chiên sỹ Sư đoàn 309 vận chuyển quà tặng nhu yếu phẩm sinh hoạt đến cho người dân tại phường 6, quận Tân Bình. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo kế hoạch, mỗi thương nhân tham gia tập kết hàng tại trạm trung chuyển được phép đăng ký tối đa 10 lao động, phụ trách luôn khâu lên/xuống hàng do Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền không tổ chức lực lượng bốc xếp trong điểm tập kết.

Thương nhân phải đăng ký danh sách lao động với công ty chợ để làm thẻ ra vào (có ảnh) thuận tiện cho công tác quản lý, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với hàng đến và hàng đi, thương nhân sẽ phải đăng ký thông tin trước cho Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền chậm nhất trước 12 giờ, gồm: chủng loại, số lượng hàng hóa, số lượng xe cùng biển kiểm soát, họ tên thương lái, giờ vào chợ... Thương nhân đảm bảo hàng hóa không được tiến hành sơ chế tại điểm tập kết, mọi giao dịch mua bán phải được 2 bên thỏa thuận từ trước, ưu tiên khách hàng phục vụ cho địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cũng xây dựng phân luồng giao thông 1 chiều, đảm bảo đủ khoảng cách cho xe lên/xuống hàng, thực hiện việc phun xịt khử khuẩn toàn xe... Đặc biệt, tổ y tế tại chỗ trực thuộc công ty sẽ thực hiện test nhanh cho nhân viên công ty, thương nhân, người lao động... với hình thức test nhanh ngẫu nhiên, test nhanh khi có triệu chứng nghi ngờ cho những người hoạt động trong chợ.

Về phía ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động trở lại từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày (thay vì đến 18 giờ như hiện nay); đồng thời, cho phép đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) hoạt động theo phạm vi nội quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong khoảng thời gian tương ứng để hỗ trợ phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.

Thống kê trong hai tuần (từ ngày 23/8 đến 6/9), tổng nhu cầu đặt hàng "đi chợ hộ" trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 1.943.679 hộ, chiếm 77,24% tổng số hộ dân. Cũng trong 2 tuần qua, có 1.389.840 hộ khó khăn, cần cấp túi an sinh, chiếm 55,23% tổng số hộ trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau hai tuần người dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, những khó khăn trong khâu vận chuyển lương thực, thực phẩm từ các tỉnh khác về Thành phố Hồ Chí Minh tập kết chậm do một số bất cập về thủ tục hành chính, thiếu nhân sự trong khâu soạn hàng/giao hàng... đã dần được khắc phục. Còn số lượng đơn hàng đăng ký chuyển hệ thống phân phối cũng đã tăng dần trong những ngày gần đây.

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năng lực đáp ứng "đi chợ hộ" cho người dân ngày càng tăng lên và tăng đáng kể từ ngày 31/8 đến nay. Cụ thể, tỷ lệ giải quyết đơn hàng kịp thời đạt bình quân 94,9% so với nhu cầu đăng ký.

Tuy vậy, trên thực tế thị trường Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có một số điểm bán bị đứt hàng cục bộ đối với những nhóm mặt hàng hút hàng như: lương thực, thực phẩm chế biến; rau củ, quả; thủy hải sản... Phương thức "đi chợ hộ" mua sắm theo combo tồn tại một số bấp cập, cũng gây thách thức lớn cho người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm và cần thắt chặt chi tiêu hàng ngày.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, ngành công thương bám sát diễn biến và nhu cầu thị trường; đồng thời, làm việc với hệ thống phân phối, điểm bán lẻ... để tạo điều kiện cho nhà cung cấp lương thực, thực phẩm tham gia phục vụ thị trường; trong đó, ngành đang phối hợp với hệ thống phân phối, nhà cung cấp... rà soát và tổ chức khâu phân phối, bán lẻ dựa trên cơ sở ưu tiên đơn vị có kho trung chuyển, lượng dự trữ hàng hóa lớn, đội xe chuyên chở... để khẩn trương đề xuất cấp giấy đi đường, tạo điều kiện cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu kịp thời ra thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục