Đổi mới tài chính để "cởi trói" nghiên cứu khoa học

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, để gỡ khó khăn cho công tác khoa học-công nghệ, cần thiết phải đối mới cơ chế tài chính cho lĩnh vực này.
Cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dù đã được bàn thảo rất nhiều tại các diễn đàn nhưng vẫn đang là vấn đề nóng, được các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu, cũng như các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.

Đề cập vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh tới việc đổi mới cơ chế tài chính để việc cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ hợp lý và kịp thời hơn.

Xóa bỏ tư tưởng hành chính hóa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nguyên nhân gốc rễ của việc chậm trễ trong cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước là do tư tưởng hành chính hóa hoạt động nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Chính vì thế, các nhà khoa học và cơ quan quản lý khoa học và công nghệ phải phê duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Điều này có nghĩa là trước ngày 31/7 hàng năm, Bộ khoa học và Công nghệ phải phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của năm sau để gửi sang Bộ Tài chính lập dự toán ngân sách nhà nước và trình Quốc hội phê chuẩn ngân sách của năm sau.

Và để có được danh mục các nhiệm vụ khoa học được phê duyệt, Bộ Khoa học Công nghệ phải thông báo cho các nhà khoa học, bộ, ngành đề xuất nhiệm vụ, sau đó thành lập hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, hội đồng tuyển chọn, xét chọn và làm việc trong 5-7 tháng trước đó. Và vì vậy, các nhiệm vụ khoa học công nghệ đến khi được cấp kinh phí thường đã được đề xuất trước đó ít nhất một năm. Điều này đã làm mất tính thời sự của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Vài năm gần đây, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kinh phí, Bộ lại chờ thêm quá trình thẩm định khác. Vì vậy, việc giao kinh phí đã chậm lại càng chậm. Điển hình là việc giao kinh phí các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước năm 2011 đến tháng 2/2012 mới được giao; kinh phí cho năm 2012 đến tháng 10/2012 mới được giao và kinh phí cho năm 2013 đến thời điểm này mới được giao.

Tạo thuận lợi cho nhà khoa học

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 20-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được ban hành.

Trong đó có nội dung rất quan trọng là việc tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải phù hợp với tiến độ phê duyệt các nhiệm vụ này. Ngoài ra, Trung ương đã nhất trí mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Đây là hai điểm mấu chốt có thể giải quyết được các bất cập mà các nhà khoa học đang đề xuất. Điều này đã tạo cơ chế để các nhà khoa học có kinh phí một các nhanh nhất sau khi đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ và được phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, việc thực hiện theo cơ chế quỹ sẽ giao quyền chủ động cấp phát kinh phí cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Ngay khi các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ, Bộ sẽ thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá và sau đó phê duyệt, cấp kinh phí ngay cho nhà khoa học.

Một điều thuận lợi là cơ chế Quỹ không cần quyết toán theo năm tài chính mà sẽ quyết toán theo hợp đồng, đồng thời kinh phí của năm trước sử dụng không hết sẽ được tự động chuyển nguồn sang năm sau, tạo thuận lợi nhất cho nhà khoa học. “Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương và sắp tới là việc thể chế hóa bằng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) thì chắc chắn tình trạng trên sẽ được nhanh chóng khắc phục”, Bộ trưởng kỳ vọng.

Cần có cơ chế đặc thù cho khoa học và công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết luật lệ là do con người đặt ra, nếu trong quá trình thực hiện mà thấy không hợp lý thì cần phải sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Từ trước đến nay, chúng ta làm khoa học công nghệ theo cách hành chính hóa. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần điều chỉnh cách hành xử đối với khoa học theo thông lệ quốc tế.”

Bộ trưởng lấy ví dụ từ một số nước phát triển và một số nước có bước đột phá rất thành công trong khoa học công nghệ, đó là xây dựng kế hoạch không theo cách hành chính hóa hay nói cách khác là cần có chế đặc thù cho khoa học và công nghệ.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW , Chính phủ đã có Nghị quyết 36 về phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương, trong đó có rất nhiều nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành sửa đổi các luật hiện hành kể cả Luật ngân sách nhà nước, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật chuyên ngành của khoa học công nghệ.

Bộ trưởng hy vọng các bộ, ngành phối hợp tốt để sớm có những quy định mới phù hợp với kinh tế thị trường và với đặc thù của khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi người làm công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo các bộ, ngành phải đổi mới tư duy về khoa học và công nghệ.

Xây dựng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định, từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ thực hiện cơ chế khoán một phần đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Theo Thông tư liên tịch số 93 giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính, những gì chi cho con người trong đề tài nghiên cứu sẽ được khoán.

Ví dụ như chi phí về công lao động, hội nghị, hội thảo, đi công tác... thì sẽ được khoán sau khi dự toán đã được thẩm định, phê duyệt. Còn một số nội dung khác không được khoán như mua sắm trang thiết bị, đoàn đi công tác nước ngoài hoặc một số nguyên nhiên vật liệu có định mức rõ ràng...

Tuy nhiên, với giới khoa học như vậy là chưa đủ, bởi kinh nghiệm thế giới cho thấy là cần áp dụng cơ chế khoán tổng thể, hay còn gọi là khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trên thực tế, cơ chế này đã được thực hiện đối với các đề tài do doanh nghiệp tài trợ, đặt hàng các nhà khoa học. Doanh nghiệp không quan tâm đến quá trình chi tiêu mà chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng . Nhưng khi sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện cơ chế này cần có những căn cứ nhất định.

“Hiện Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, trong đó xây dựng những định mức rất cụ thể làm căn cứ xây dựng dự toán, đồng thời với quản lý chặt chẽ công tác tổ chức thực hiện, nghiệm thu, đánh giá sản phẩm đầu ra và cam kết của người làm nghiên cứu…”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục