Đói nghèo sinh bạo lực?

Các vụ bạo lực ở London bắt nguồn từ nghèo khó?

Theo các chuyên gia xã hội học, đói nghèo và thất học chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo lực và hôi của ở London.

Cuộc bạo động ở London (Anh) đã bước sang ngày thứ ba, thậm chí còn lan sang các khu vực lân cận, buộc Thủ tướng nước này David Cameron phải cắt ngắn kỳ nghỉ để trở về triệu tập cuộc họp khẩn cấp bàn cách đối phó.

Sự việc bắt nguồn từ vụ cảnh sát khu vực Tottenham ở phía Bắc London bắn chết một thanh niên có tên Mark Duggan hôm 4/8 và chậm trễ trong việc đưa ra lời giải thích với người thân của nạn nhân.

Từ những cuộc tuần hành ôn hòa ban đầu, vụ việc đã bị đẩy đi quá xa, bùng phát thành các vụ bạo lực khi những kẻ quá khích đốt phá các cửa hiệu, xe ôtô và tấn công cảnh sát.

Thậm chí, tình trạng cướp bóc, hôi của đã xảy ra tại một trong những quốc gia văn minh nhất thế giới. Và như thế, vụ bạo động đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng, chứ không chỉ đơn thuần còn là vụ va chạm giữa cảnh sát và những người “đòi công lý cho Duggan.”

Tờ Guardian dẫn lời một chuyên gia xã hội học cho rằng, những thanh niên trẻ từ các khu khố nghèo không có gì để mất và chẳng có lý do gì để tuân thủ các nguyên tắc xã hội là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôi của và cướp bóc trong vụ bạo động vừa rồi.

“Rất nhiều người tham gia các vụ cướp bóc sống ở những khu phố thu nhập thấp, tỉ lệ thất nghiệp cao và hầu hết không có một tương lai rõ ràng,” nhà tội phạm học và chuyên gia về thanh thiếu niên, giáo sư John Pitts, nói với Guardian. “Hầu hết các hành động của họ là theo kiểu cơ hội, nhưng từ đó bật lên câu hỏi về những thanh niên trẻ không có gì để mất trong xã hội chúng ta.”

Trong một đoạn băng được lan đi trên mạng sau đó, những kẻ hôi của xuất hiện với khuôn mặt rạng rỡ mang ra khỏi các cửa hàng những đồ vật mà họ cướp được. Một cư dân sống ở bắc London tên là Tiel kể lại với Guardian: “Tôi nghe hai cô gái cãi nhau về việc sẽ lấy đồ ở cửa hàng nào tiếp theo, Let’s go Boots hay Body Shop. Một trong hai cô gái sau đó ra khỏi cửa hàng Let’s go Boots với những túi giầy trên tay, vẻ mặt hoàn toàn thản nhiên, như thể cô vừa đi mua sắm xong, lúc 4g30 sáng.”

[Chùm ảnh về cuộc bạo động ở London]

Tại khu Wood Green, khoảng 100 thanh thiếu niên đã hôi của ở các cửa hàng, bao gồm các tiệm bán đồ điện tử và quần áo như H&M. Những kẻ hôi của còn tìm cách bán những gì mà họ lấy được. Tại Tottenham, ngay cạnh đường cao tốc, một thanh niên 20 tuổi giấu tên nói cậu đã mua được một máy tính xách tay với giá 20 bảng của một kẻ hôi của.

“Họ tìm cách lý giải cho hành vi của mình bằng cách tấn công những cửa hàng của các công ty lớn,” Pitts bình luận. “Họ thấy được an ủi phần nào khi những công ty đó có rất nhiều tiền, còn họ thì không có gì.” Thêm nữa, một thế hệ thanh thiếu niên Anh chìm ngập trong những đợt tấn công của chủ nghĩa tiêu dùng trên mọi phương tiện truyền thông đã khiến tình trạng hôi của thêm trầm trọng.

“Từ chỗ chúng ta là cách chúng ta cư xử, giờ chúng ta đang là những gì chúng ta mua. Những cửa hàng lớn đó tìm mọi cách để thu hút thanh thiếu niên, rồi bỗng nhiên những khách hàng tiềm năng phát hiện ra rằng họ có thể vào đó lấy bất cứ thứ gì mình muốn.”

Tiến sĩ Paul Bagguley, nhà xã hội học ở Đại học Leeds, nói tình trạng hôi của diễn ra trong hầu hết các vụ bạo động, nhưng vì nhiều lý do, nó đã đặc biệt nghiêm trọng trong vụ đụng độ ở London vừa rồi. Tình trạng thất nghiệp tăng cao có lẽ là lời giải thích quan trọng nhất. “Không có việc làm, người ta sẽ lang thang ngoài đường, mơ ước những món hàng mà họ không bao giờ có được,” Bagguley nói./.


Hình ảnh trung tâm mua sắm chính ở Tottenham trước và sau vụ bạo động:

 
Hải Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục