Đội ngũ đại lý thuế quá mỏng, chưa phát huy được hiệu quả

Theo Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, so với hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường và đóng thuế “thực sự” cho ngân sách Nhà nước, đội ngũ các đại lý dường như quá mỏng.
Đội ngũ đại lý thuế quá mỏng, chưa phát huy được hiệu quả ảnh 1Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho biết so với hơn 500.000 doanh nghiệp thuộc đủ mọi thành phần kinh tế đang hoạt động trên thị trường và đóng thuế “thực sự” cho ngân sách Nhà nước, đội ngũ các đại lý thuế dường như quá mỏng, chưa phát huy được hiệu quả mong muốn, thậm chí chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế đặt ra.

Thể trạng non, yếu

Trên thực tế, các đại lý thuế chủ yếu phân bổ ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh... và tồn tại, phát triển nhờ vào các hoạt động ngoài làm dịch vụ thủ tục về thuế.

Tính đến tháng 11, cả nước có 256 đại lý thuế đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Sự ra đời và phát triển của hệ thống các đại lý thuế nhằm hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nhanh chóng, thuận tiện và đúng quy định pháp luật. Qua đó cắt giảm thời gian nộp thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Xét ở góc độ khác, đại lý thuế chính là cánh tay nối dài, giúp các cơ quan thuế chủ động tiếp cận doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế.

Cho dù, các đại lý thuế và những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đòi hỏi phải vừa tinh thông nghiệp vụ thuế, hiểu rõ kế toán tài chính doanh nghiệp, kế toán thuế, vừa phải cập nhật kiến thức vĩ mô cũng như chính sách thuế... để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan trong hành nghề, cũng như không thông đồng với người nộp thuế và các cán bộ thuế... Tuy nhiên, vai trò và tầm quan trọng của các đại lý thuế chưa thực sự được hiểu đúng và đánh giá cao, bà Cúc nhấn mạnh.

Theo phản ánh của nhiều công ty đại lý thuế, vướng mắc lớn nhất đối với họ hiện nay là thiếu hành lang pháp lý cần thiết, quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của đại lý thuế. Việc quảng bá, giới thiệu về các đại lý thuế và những lợi ích mà đại lý thuế mang lại cũng chưa được coi trọng và đầu tư nên người dân và doanh nghiệp hiểu biết về đại lý thuế còn rất mơ hồ, dẫn tới tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng.

Ngoài ra, ngành thuế cũng chưa có chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của các đại lý thuế, cũng như chưa có cơ chế định mức và chế độ hỗ trợ cần thiết đối với các đại lý thuế trong việc tiếp cận khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng thị trường. Bởi vậy mà trong nhiều năm qua, sự phát triển và tăng trưởng về số lượng của các đại lý thuế còn rất chậm.

Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần đại lý thuế và dịch vụ tư vấn Đông Á, cho biết hoạt động của doanh nghiệp ngày càng khó khăn do chủ yếu dựa vào nguồn thu phí từ làm dịch vụ thuế. Do tiết kiệm chi phí nên các doanh nghiệp nộp thuế thường tận dụng đội ngũ kế toán để đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, kể cả các thủ tục liên quan tới thuế. Doanh nghiệp cũng có tâm lý sợ để lộ thông tin về bí mật sản xuất kinh doanh, nên cũng dễ hiểu là họ không mặn mà sử dụng dịch vụ mà đại lý thuế cung cấp.

Cũng chính vì hiểu biết hạn chế, nên dù vô tình hay cố ý đã có rất nhiều doanh nghiệp phải trả giá và bị xử phạt do vi phạm quy định thu nộp thuế với Nhà nước hoặc trốn thuế.

Thêm nữa, về nguyên tắc các đại lý thuế không được làm công tác sổ sách kế toán hay rà soát báo cáo tài chính… nên khó tạo điều kiện cho các đại lý thuế có cơ sở theo sát hoạt động của doanh nghiệp. Nếu quy định này được thay đổi, sẽ là hướng mở cho các đại lý thuế tăng cường chức năng hoạt động, nâng cao uy tín, sức ảnh hưởng đối với doanh nghiệp.

Với xu hướng không được tạo điều kiện thuận lợi như hiện nay, e rằng, hệ thống các đại lý thuế sẽ “teo đi” chứ khó bề phát triển như mong đợi và đó là điều cần phải xem xét để được điều chỉnh sớm, bà Hoa nhấn mạnh.

Cần sớm “mở cửa”

Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động của các đại lý thuế rất được tạo điều kiện phát triển. Thậm chí, họ được cơ quan thuế giao cho một phân khúc khách hàng nào đó để đảm nhiệm như thực hiện các hợp đồng, thủ tục về thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ.

Với nhiều năm làm việc ở cương vị Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết, với tỷ lệ 93% số người nộp thuế thực hiện khai thuế qua đại lý thuế… thì số lượng nhân viên đại lý thuế ở Nhật Bản hiện nay là 72.000 người, ở Đức là 79.000 người.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống đại lý thuế ở Việt Nam, phấn đấu đến giai đoạn 2016-2020 sẽ có ít nhất 6.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế; khoảng 50.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại lý thuế và tối thiểu 90% số doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp… thì ngành thuế cần sớm “mở cửa” và tạo môi trường thông thoáng để các đại lý thuế phát triển.

Nhiều đại lý thuế bày tỏ mong muốn, các chi cục thuế địa phương có thể cung cấp cho doanh nghiệp về số lượng, danh tính, địa chỉ và chức năng, nhiệm vụ của các đại lý thuế trên địa bàn của mình.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu biết tác dụng và lợi ích khi sử dụng dịch vụ của đại lý thuế - những tổ chức được Nhà nước công nhận và đảm bảo về chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp, về chất lượng dịch vụ mà lại tiết kiệm chi phí hơn so với việc doanh nghiệp phải thuê kế toán hoặc tổ chức kế toán… Việc dễ dàng tiếp cận thông tin được hỗ trợ về thuế sẽ rất hữu ích đối với doanh nghiệp nộp thuế và đối với chính các cơ quan đại lý thuế, đồng thời cũng là giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính mà ngành thuế đang phấn đấu thực hiện trong nhiều năm qua.

Với góc nhìn khách quan, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Cải cách và hiện đại thuế (Tổng cục Thuế), cho rằng để tồn tại và phát triển, các đại lý thuế cần không ngừng nâng cao chất lượng và cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Bởi với cơ chế thị trường như hiện nay, ngành thuế không thể có những cơ chế cá biệt, ưu đãi cho từng trường hợp. Các đại lý thuế cần chủ động đa dạng hóa khách hàng, sáng tạo thêm nhiều hình thức phục vụ để củng cố lợi thế cạnh tranh, từ đó xây dựng uy tín và thương hiệu cho đại lý thuế của mình, cũng như mở rộng thị trường khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục