Đối phó khủng hoảng tiền mặt, Palestine thông qua ngân sách khẩn cấp

Cuộc khủng hoảng tiền mặt xảy ra do tranh cãi với Israel về việc trả tiền cho gia đình của những tù nhân và cựu tù nhân từng bị Israel giam cầm.
Viên chức Palestine xếp hàng yêu cầu được nhận lương bên ngoài Ngân hàng Palestine ở thành phố Gaza. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Viên chức Palestine xếp hàng yêu cầu được nhận lương bên ngoài Ngân hàng Palestine ở thành phố Gaza. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/3, Chính quyền Palestine (PA) thông báo đã áp dụng "ngân sách khẩn cấp" để đối phó với cuộc khủng hoảng tiền mặt do tranh cãi với Israel về việc trả tiền cho gia đình của những tù nhân và cựu tù nhân từng bị Israel giam cầm.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Trung Đông, phát biểu trong cuộc họp báo tại Ramallah, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch PA Shukry Bshara cho hay quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp giữa các quan chức PA với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Ngân sách khẩn cấp sẽ bao gồm một loạt biện pháp thắt chặt chi tiêu, như ngừng bổ nhiệm, dừng cấp tiền thưởng, giảm các khoản chi phí đi lại và ngừng thông qua ngân sách cho các dự án phát triển.

Theo ông Bshara, Chính quyền Palestine sẽ trả đủ lương tháng 2 cho những nhân viên chính phủ có mức lương dưới 2.000 shekel (tương đương 551 USD). Với những người có mức lương hơn 2.00 shekel, họ sẽ chỉ nhận được 50%.

Ông cũng nêu bật tình thế khó khăn tài chính hiện nay của Chính quyền Palestine, cho biết họ cần phải vay mượn 50-60 triệu USD mỗi tháng trong 6 tháng tới cũng như yêu cầu trợ giúp từ các ngân hàng và quỹ Arab và Hồi giáo và Liên đoàn Arab.

Ông Bshara cũng một lần nữa nhấn mạnh việc Israel khấu trừ doanh thu từ thuế chuyển hàng tháng cho PA là "phi pháp."

Hồi tháng Hai, Israel tuyên bố đã khấu trừ 5% doanh thu chuyển hàng tháng cho PA tiền thu thuế  từ hàng hóa nhập khẩu vào Bờ Tây bị chiếm đóng và Dải Gaza do Hamas kiểm soát thông qua các cảng biển của Israel.

Israel lo ngại rằng việc thanh toán toàn bộ số tiền này sẽ càng khuyến khích bạo lực, vì Chính quyền Palestine có thể sử dụng nguồn tiền này để trả cho các gia đình có người bị Israel bắt giữ hoặc thiệt mạng khi tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Nhà nước Do Thái.

Theo thỏa thuận năm 1994, Israel thu khoảng 190 triệu USD mỗi tháng từ các khoản thuế hải quan đánh vào hàng hóa đi từ cảng của Israel để vào Palestine.

Tổng thống Mahmoud Abbas khẳng định Israel cố tình giữ lại số tiền trên để buộc Palestine phải chấp nhận thỏa thuận hòa bình do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.

Ông cho biết PA sẽ không nhận bất kì khoản tiền thu từ thuế nào đã bị phía Israel cắt giảm.

Dự kiến chính quyền Mỹ sẽ công bố kế hoạch về một thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine sau cuộc tổng tuyển cử của Israel vào ngày 9/4 tới.

Tuy nhiên, người Palestine hiện tỏ ra không tin tưởng vào kế hoạch này, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục