Đòi quyền lợi chính đáng, con kiến kiện củ khoai?

Rất nhiều người tiêu dùng, khi gặp sản phẩm hàng hóa bị lỗi lại chọn cho mình cách im lặng với mặc cảm “con kiến mà kiện củ khoai”.
Không thể phủ nhận hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam đang dùng chính những sản phẩm lỗi để dồn doanh nghiệp vào thế bí. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người, trong những tình huống tương tự lại chọn cho mình cách im lặng với mặc cảm “con kiến mà kiện củ khoai.”

Trăm dâu đổ đầu... người tiêu dùng

Trong một lần đi siêu thị, chị Phan Thanh Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã mua một lô sữa về dùng dần. Mấy ngày sau, chị Hằng mới tá hỏa khi phát hiện ra khá nhiều hộp trong số này đã bị căng phồng như quả bóng.

“Nhiều người khuyên tôi nên ‘làm căng’ với nhà sản xuất để đòi quyền lợi, nhưng tôi nghĩ, mình có cố theo đuổi đến cùng khéo cũng chỉ mệt thân. Tốt nhất là nên im lặng, đổi sản phẩm khác để dùng,” chị Hằng nói.

Giống như chị Hằng, anh Bùi Tiến Trực (Quan Nhân, Thanh Xuân) cũng đã phải méo mặt vì “không may” sử dụng sản phẩm có vấn đề. Anh cho hay, đã có lần, trong một dịp đi mua bia Hà Nội cho dịp Tết, anh đã phát hiện ra hai chai bia còn hạn sử dụng nhưng đã vẩn đục và có cặn nổi lềnh phềnh.

“Lúc đó, do nghĩ số mình không may, lại cận Tết nên tôi chỉ bảo vợ con cất mấy chai bia ấy đi chứ không làm to chuyện,” anh Trực cho hay.

Cũng theo anh Trực, sau này, anh cũng đã nghĩ đến chuyện khiếu nại với nhà sản xuất và yêu cầu bồi thường nhưng nghĩ kỹ lại thôi. Anh bày tỏ, qua theo dõi báo chí, anh đã biết rất nhiều vụ việc tương tự. Khi người tiêu dùng yêu cầu doanh nghiệp giải thích cụ thể về nguyên nhân gây ra lỗi đối với sản phẩm thì họ đều chỉ nhận được sự im lặng hoặc những câu trả lời hết sức chung chung.

“Ngay cả với trường hợp khó tin như có vỏ kẹo trong chai bia đóng kín, nhà sản xuất còn ‘đổ lỗi’ cho khâu súc rửa chai thì chuyện chai bia của tôi có gì lạ?” anh Trực chán nản.

Nhiều người tiêu dùng khác, khi gặp sự cố với sản phẩm lại chỉ biết “kêu cứu” trên các diễn đàn mở. Tại trang webtretho.com, một thành viên có nick meomun82 đã bức xúc vì chất lượng của một sản phẩm sữa.

“Một lần, con tôi uống phải một hộp Dumex Gold bị vón cục mặc dù vẫn còn hạn sử dụng. Tôi tá hỏa gọi điện tới trung tâm tư vấn của Dumex thì chỉ nhận được lời giải thích lòng vòng và lời hẹn sẽ trả lời sau. Sau đó tôi không hề nhận được bất kỳ một hồi âm nào,” người này than thở.

Thành viên này cũng cho hay, ngay sau đó gia đình đã đổi loại sữa cho con, nhưng bé có biểu hiện đau bụng.

“Thế nên, trong khi ngồi đợi câu trả lời của nhà sản xuất, tôi đành phải ngậm đắng nuốt cay tiếp tục dùng sữa Dumex và tự dặn mình phải kiểm tra cẩn thận trước khi sử dụng,” thành viên này nói.

Nhiều người tiêu dùng cũng than thở, trong lúc giá cả càng lúc càng leo thang thì việc phải cắn răng bỏ tiền ra mua những sản phẩm được quảng cáo là chất lượng cao mà vẫn nơm nớp lo thì thật là vô lý.

“Đúng là thời buổi này, trăm dâu đổ đầu người tiêu dùng,” anh Trực than phiền.

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng

Thừa nhận thực trạng một bộ phận người tiêu dùng đang dùng chính những sản phẩm lỗi để dồn doanh nghiệp vào thế bí, nhưng ông Đỗ Gia Phan, tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khẳng định, chính các doanh nghiệp đã “tiếp tay” cho những hành vi này. Và vô hình chung, họ đã bỏ rơi quyền lợi của những người tiêu dùng chân chính.

Theo ông Phan, một doanh nghiệp, nếu cứ gặp lỗi là lại đổ cho những nguyên nhân khách quan như do khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói hay do hệ thống đại lý thì dần dần người tiêu dùng sẽ mất niềm tin.

“Dù nguyên nhân thực sự nằm ở bất cứ khâu nào thì doanh nghiệp vẫn phải là người chịu trách nhiệm đến cùng với những sản phẩm của mình. Trước hết, đó vẫn là khiếm khuyết của doanh nghiệp,” ông Phan khẳng định.

Thậm chí, ngay cả khi không thu hồi được sản phẩm lỗi, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng phương pháp… loại trừ để kết luận nguyên nhân gây lỗi không nằm ở phía họ. Chính cách ứng xử ấy đã làm mối quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng càng trở nên xấu đi.

Theo ông Phan, doanh nghiệp không thể nói rằng khi ra đến thị trường là họ hết trách nhiệm với sản phẩm. Nếu lỗi xảy ra không chỉ một lần thì họ phải nghiêm túc kiểm tra lại toàn bộ các khâu từ sản xuất tới tay người dùng. Sai khâu nào thì sửa khâu đấy, đó mới là doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng.
 
Theo Tiến sỹ Trần Đình Triển, văn phòng luật sư Vì dân (Hà Nội), hiện nay, nhiều sản phẩm đang có tình trạng quảng cáo thì một đằng nhưng chất lượng lại một nẻo. Chính điều này đã gây nhiều bức xúc với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Triển cũng nhận định, trong cuộc “đương đầu” với nhà sản xuất, người dùng luôn ở thế yếu. Vì thế, với người tiêu dùng, chuyện khởi kiện các doanh nghiệp cũng giống như chuyện “con kiến kiện củ khoai.”

“Để có theo một vụ kiện tới cùng, người dân sẽ phải chịu nhiều thủ tục và chi phí. Điều này khiến cho không nhiều người dám lên tiếng mặc dù chịu thiệt,” ông Triển phân tích.

Mặt khác, theo ông Triển, việc chưa có quy chế xử phạt thích đáng đã khiến nhiều doanh nghiệp coi nhẹ việc bảo đảm chất lượng sản phẩm.

“Việc đặt ra mức bồi thường trong những trường hợp có tranh chấp về chất lượng sản phẩm hiện nay là rất khó. Tuy nhiên, mức xử phạt nặng khi nhà sản xuất có sản phẩm lỗi là điều cẩn thiết để răn đe những doanh nghiệp này,” ông Triển nói.

Theo ông Đỗ Gia Phan, ở một số nước, mô hình “tòa án nhỏ” không yêu cầu án phí hay luật sư đã được sử dụng từ rất lâu. Thông qua những tòa án này, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể giải quyết rất nhanh những mâu thuẫn khi xảy ra tranh cãi. Đây là mô hình rất đáng học hỏi ở nước ta./.

Lưu Thành (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục