Đời sống đồng bào Khmer Trà Vinh được cải thiện

Đón Tết Chol-Chhnam-Thmay năm nay, hơn 300.000 đồng bào Khmer có thêm nhiều niềm vui bởi đời sống của người dân có nhiều cải thiện.
Đón Tết cổ truyền Chol-Chhnam-Thmay năm nay (vào 14, 15 và 16/4), hơn 300.000 đồng bào Khmer ở Trà Vinh có thêm nhiều niềm vui bởi đời sống vật chất và tinh thần của người dân có nhiều cải thiện.

Kể từ khi tái lập tỉnh Trà Vinh (tháng 5/1992) đến nay, hơn 500 hạng mục công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi (điện, đường, trường, trạm…) được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao năng lực sản xuất, làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Các địa phương trong tỉnh Trà Vinh hiện đang tập trung triển khai đề án giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo ở địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2010, 100% hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo trong tỉnh có đất ở, trên 80% số hộ không đất có đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề, trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, có việc làm thu nhập ổn định.

Tỉnh cũng phối hợp với Công ty điện lực 2 thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam tổ chức khởi động dự án cấp điện cho hơn 20.000 dân ở vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh hiện chưa có điện sử dụng.

Tỉnh cũng đã xây thêm được 13.182 căn nhà hỗ trợ cho các hộ Khmer nghèo gặp khó khăn về nhà ở, với tổng nguồn vốn đầu tư 82 tỷ đồng.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng và bàn giao cho địa phương quản lý vận hành được 87 trạm cấp nước với công suất 5m3/giờ/trạm; một trạm cấp nước với công suất 20m3/giờ; lắp đặt 8.142 đồng hồ nước... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer hiện chiếm hơn 87% so với tổng số hộ.

Mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng ở tận các phum sóc với hầu hết trẻ em đồng bào dân tộc đến tuổi đi học được cắp sách đến trường.

Bảo tàng văn hóa Khmer được đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 1995, có tổng nguồn vốn đầu tư hơn bốn tỷ đồng. Bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày trên 600 hiện vật có giá trị về đời sống văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Tại 141 chùa Khmer trong tỉnh đều xây dựng được phòng đọc sách, tủ sách pháp luật, trạm truyền thanh, điểm truyền hình công cộng và có trên 30 chùa tổ chức được trung tâm học tập cộng đồng.

Ngoài việc duy trì chương trình phát tiếng Khmer hàng ngày trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Trà Vinh, xuất bản Báo Trà Vinh chữ Khmer hàng tuần, tỉnh còn tổ chức phát hành, xuất bản trên 3.000 bản tin ảnh dân tộc và miền núi, tập san văn hóa chữ Khmer xuống tận các chùa Khmer và các ấp khóm có đông đồng bào dân tộc./.

Huy Hoàng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục