Đối tác 6 bên giảm cứng rắn với Bình Nhưỡng

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, dù lập trường của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong vấn đề chương trình tên lửa hạt nhân khá cứng rắn, các đối tác trong cuộc đàm phán 6 bên vẫn hy vọng Bình Nhưỡng sẽ trở lại bàn đàm phán.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, dù lập trường của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong vấn đề chương trình tên lửa hạt nhân khá cứng rắn, các đối tác trong cuộc đàm phán 6 bên vẫn hy vọng Bình Nhưỡng sẽ trở lại bàn đàm phán.
 
Thậm chí, Washington không loại trừ khả năng nối lại cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng để thực hiện bước nhảy vọt trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.
 
Khả năng thiết lập cuộc tiếp xúc thẳng với Triều Tiên sẽ là nội dung chính được thảo luận tại cuộc thương lượng sắp tới giữa đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bosworth với các đồng nghiệp từ Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nguồn tin từ Washington nhận định, sau cuộc gặp này, ông Bosworth chắc sẽ cố gắng bố trí chuyến thăm Triều Tiên.
 
Nhật Bản và Mỹ đã dịu sự cứng rắn trong lập trường của họ đối với cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng. Chính phủ Nhật Bản không phản đối việc Mỹ thiết lập cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã thông báo điều đó trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
 
Trước đây, chính phủ và đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản đã kiên quyết phản đối việc tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên. Tokyo xuất phát từ quan điểm rằng, cuộc đối thoại trực tiếp sẽ gây trở ngại cho nỗ lực của Nhật Bản nhằm sớm giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong thế kỷ trước.
 
Song, hiện nay có thể thấy Tokyo đang dần nhận thức rõ hơn rằng vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phải được đặt cao hơn các vấn đề song phương, dù là tế nhị và nan giải nhất.
 
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo sau cuộc gặp người đồng nhiệm Hàn Quốc Yu Myung Hwan ở Seoul cũng đã nhấn mạnh: “Hiện nay, phương hướng ưu tiên là hành động nhằm tạo lập điều kiện thuận lợi để nối lại cuộc đàm phán".
 
Theo Ngoại trưởng Nga, điều chủ yếu là duy trì nền tảng đã được thiết lập hồi tháng 9/2005, cũng như không cho bên nào thực hiện những bước đi có thể làm xói mòn nền tảng này. Tất cả các bên cần phải đoàn kết, và hiện có khả năng để làm như vậy. Dù phải thực hiện những bước đi khá phức tạp, nhưng đó là con đường đúng đắn duy nhất để trở lại với đường lối chiến lược dẫn đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục