Đối thoại 2+2 và lộ trình rõ ràng hơn trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ

Ấn Độ và Mỹ đang tổ chức đối thoại toàn diện lần đầu tiên theo hình thức mới 2+2 mà Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi đã nhất trí hồi năm ngoái.
Đối thoại 2+2 và lộ trình rõ ràng hơn trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ ảnh 1(Nguồn: The Independent)

Theo eurasiareview.com, Ấn Độ và Mỹ đã tổ chức đối thoại toàn diện lần đầu tiên vào ngày 6/9/2018 theo hình thức mới 2+2 mà Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi đã nhất trí hồi năm ngoái.

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nirmala Sitharaman đã tiến hành cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis tại thủ đô New Delhi.

Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Swaraj bày tỏ tin tưởng cuộc đối thoại sẽ giúp giải phóng tiềm năng chưa được khai thác trong mối quan hệ giữa hai nước và nâng cấp hơn nữa mức độ hợp tác song phương. Bà Swaraj cho rằng đã có tiến bộ đáng kể trong tất cả các lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa hai nước.

Về phần mình, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng sự đoàn kết giữa hai nước xuất phát từ những giá trị dân chủ chung, tôn trọng quyền của cá nhân và cùng cam kết vì tự do. Hai bên cần tiếp tục đảm bảo tự do trên các vùng biển và hợp tác hướng tới các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cam kết của Washington đối với sự nổi lên của Ấn Độ như một cường quốc toàn cầu.

Đối thoại 2+2 sẽ thay thế cho đối thoại chiến lược và thương mại dưới thời chính quyền Obama năm 2015 và diễn ra sau cuộc gặp lần thứ 2 của các quan chức Mỹ-Ấn trong vòng một năm sau đó.

Ý tưởng về đối thoại 2+2 của chính quyền Trump là nhằm tăng cường các cuộc tham vấn chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại.

Thông báo về hình thức đối thoại mới này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Trump và Modi ngày 15/8/2017 khi “hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” bằng cách thiết lập một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng.

Việc thảo luận các vấn đề quốc phòng và chiến lược nơi hai bên có những điểm hội tụ, tương đồng là rất mãnh liệt, dễ dàng hơn so với việc giải quyết các vấn đề bất đồng về thương mại, đặc biệt với chính quyền Trump.

Mặc dù các vấn đề thương mại không nằm trong chương trình nghị sự của đối thoại 2+2, song phía Mỹ có thể vẫn sẽ coi “thương mại như vấn đề chiến lược.”

Thủ tướng Modi cũng ủng hộ thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” - ông đã sử dụng thuật ngữ này vài lần trong đối thoại Shangri La tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua - và nhấn mạnh sự cần thiết cho một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng và có chủ quyền.”

Giới phân tích lưu ý, điều đó nói lên rằng bài phát biểu của Thủ tướng Modi là trừu tượng hơn so với thực tế khi ông không đề cập đến Đối thoại An ninh Tứ giác hay Nhóm Bộ Tứ, vốn được cho là vũ khí quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở.

Mặc dù Nhóm Bộ tứ bao gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ đã tổ chức hai cuộc họp cấp chuyên gia, nhưng những bài phát biểu của bốn quốc gia này đã cho thấy những khác biệt về các khía cạnh chính dẫn đến không rõ ràng về mục tiêu.

Ấn Độ vẫn tỏ ra thận trọng khi đề cập đến Nhóm Bộ Tứ, bất chấp mối lo ngại của nước này về ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc ở ngay nước láng giềng của mình, rõ ràng bởi vì New Delhi không muốn làm phức tạp thêm nữa mối quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử của nước này sắp đến gần. Một tư duy ngắn hạn như vậy cũng có thể có tác động lâu dài.

[Mưu đồ của nước Mỹ khi từng bước “cởi trói” cho Ấn Độ]

Cũng có những lo ngại ở Washington về quan điểm của Thủ tướng Modi sau hội nghị thượng đỉnh Wuhan (Hội nghị không chính thức giữa lãnh đạo hai nước Trung-Ấn) khi dường như Ấn Độ đang đưa ra quá nhiều thỏa hiệp với Trung Quốc mà hầu như không đổi lại được thứ gì.

Việc Ấn Độ đánh tín hiệu cho Trung Quốc - dù đó là về Maldives hay Tây Tạng - cũng đều gây bất ngờ.

Hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng một mối quan hệ Ấn-Mỹ mạnh mẽ hơn sẽ tạo ra những lựa chọn tốt hơn so với Trung Quốc và có tác động đem lại sự linh hoạt hơn cho New Delhi.

Mặt khác, quan điểm thay đổi của Ấn Độ sẽ chỉ khiến người Mỹ hoài nghi về cách đối xử đặc biệt của Washington dành cho Ấn Độ mà thôi.

Bộ trưởng quốc phòng Mattis đã nỗ lực đưa Ấn Độ thoát khỏi luật trừng phạt Nga hay được gọi là Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) - một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh tình cảm chống Nga trong Quốc hội Mỹ cũng như sự quyết tâm của đảng Dân chủ “trừng phạt” chính quyền Trump gia tăng.

Tương tự như vậy, lệnh trừng phạt thứ hai đối với Ấn Độ liên quan Iran nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn hoặc được kiểm soát. Ngoại trưởng Pompeo đã để cánh cửa ngỏ cho một số nước nếu họ yêu cầu giúp đỡ.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin nói rằng chính quyền sẽ “xem xét miễn trừ” cấm vận trong những trường hợp nhất định.

Bộ Thương mại Mỹ, trong khi đó, đã cấp quy chế Quyền Thương mại Chiến lược (STA-1) cho Ấn Độ, đưa nước này ngang hàng với các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và giảm số lượng giấy phép cần thiết cho xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ.

Thông thường, quy chế STA-1 là dành cho những nước thành viên của tất cả bốn cơ chế kiểm soát xuất khẩu quốc tế nhưng chính quyền Trump đã miễn trừ cho Ấn Độ.

Đây là một tín hiệu nhằm vào Trung Quốc, nước vốn ngăn cản Ấn Độ gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG).

New Delhi là thành viên của ba cơ chế khác - Cơ chế Kiểm soát Công nghệ tên lửa, Thỏa thuận Wassenaar và Nhóm Australia - nhờ một phần vào sự hỗ trợ của Mỹ. Đối thoại 2+2 Ấn-Mỹ giờ đây phải chỉ ra những bước đi cụ thể cần thực hiện để tận dụng tối đa quy chế STA-1.

Vị thế của Ấn Độ như một “đối tác quốc phòng quan trọng” cũng cần được phản ánh trong luật - một hình thức mới giữa một đồng minh và một người bạn vốn đòi hỏi cách nghĩ mới để có ý nghĩa.

Các quan chức Mỹ phải sẵn sàng chia sẻ công nghệ quốc phòng nhiều hơn, đặc biệt nếu họ muốn Ấn Độ “thoát khỏi” các hệ thống của Nga.

Ông Alice Wells, Phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách về Nam và Trung Á, nói một trong những chủ đề chương trình nghị sự trong đối thoại sắp tới là làm thế nào để “quy chế của Ấn Độ có hiệu lực như một đối tác quốc phòng quan trọng.”

Sáng kiến Thương mại và Công nghiệp Quốc phòng (DTTI), một công cụ quan trọng trong quan hệ đối tác quốc phòng, đã tổ chức 7 cuộc gặp và tạo ra một số nhóm làm việc chung kể từ khi nó được khởi xướng năm 2012 nhưng đến nay gần như không đem lại kết quả nào.

Những khác biệt về hình thức công nghệ giữa hai nước- chuyển giao như Ấn Độ mong muốn hay đào tạo như Mỹ đề nghị ban đầu - đã sớm thu hút được những cuộc thảo luận.

Thậm chí giờ đây cái nên hay không nên diễn ra dưới DTTI vẫn là vấn đề khác biệt đáng kể. Phía Mỹ muốn chào bán F-16 và F-18 cho Ấn Độ được xem xét dưới DTTI nhưng phía Ấn Độ không muốn các chiến đấu cơ này như một dự án DTTI.

Trong khi Washington phải thẳng thắn về những gì họ có thể hoặc không thể chia sẻ về mặt công nghệ, New Delhi cũng phải đưa ra những quyết định nhanh và sáng suốt hơn.

Ấn Độ muốn vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ mua bán - Mỹ hiện nay là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ với tổng trị giá 18 tỷ USD - nhưng để phát triển một hệ sinh thái quốc phòng tốt, Ấn Độ phải sẵn sàng đầu tư bằng tiền thực sự và có quy trình thủ tục mua sắm hiệu quả hơn.

Cuối cùng, cả Ấn Độ và Mỹ phải chỉ ra liệu mối quan hệ quốc phòng của họ có nằm trong 10 ưu tiên hàng đầu hay không để có những hành động tiếp theo.

Hoặc họ có thể tiếp tục tiến bước trong khi những bất đồng tồn tại giữa hai nước ngày càng lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục