Đối thoại an ninh bốn bên: Thu hút sự chú ý, nhưng sẽ sớm tiêu tan?

Đối thoại An ninh bốn bên (Bộ Tứ) là một đối thoại chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, được Thủ tướng Nhật Bản Abe khởi xướng năm 2007 trong nhiệm kỳ đầu tiên.
(Nguồn: Young Bhartiya)
(Nguồn: Young Bhartiya)

Theo Mạng tin eurasiareview, Đối thoại An ninh bốn bên (Bộ Tứ) là một đối thoại chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng năm 2007 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Kể từ năm 2014, các cuộc đối thoại này được củng cố thêm bởi cuộc tập trận thường niên ba bên Malabar (Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ), các cuộc tập trận ba bên khác và ít nhất một cuộc tập trận hải quân bốn bên. Bộ Tứ thường được nhiều người cho là một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc gửi công hàm ngoại giao phản đối chính thức tới các nước thành viên, đặt câu hỏi về ý định của họ, Australia đã rút khỏi Bộ Tứ và các cuộc gặp của nhóm này đã kết thúc.

Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi lại khái niệm này như một phần của chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở." Tuy nhiên, một số thành viên tỏ ra ngần ngại. Năm 2018, Ấn Độ - theo ý của Trung Quốc - đã phản đối Australia tham gia cuộc tập trận Malabar, cho dù cuộc tập trận này diễn ra ở vùng biển của Mỹ. Đô đốc Phil Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Mỹ, cho rằng Bộ Tứ hiện nay nên được "bỏ vào ngăn kéo."

Ông Davidson cho biết Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Sunil Lanba đã "tuyên bố khá rõ rằng hiện không có triển vọng cho một Bộ Tứ." Theo Đô đốc Davidson, hiện các thành viên không hứng thú với việc vận hành Bộ Tứ theo đúng nghĩa của nó là một liên minh quân sự.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ và một số nhà phân tích bảo thủ không muốn chấp nhận thực tế này. Một người phát ngôn của Lầu Năm Góc đã giải thích rằng ông Davidson "chỉ đang đề cập tới một cuộc gặp chính thức thường xuyên của các lãnh đạo quân sự đến từ bốn nước," chứ không phải các cuộc tham vấn ngoại giao thường xuyên khác. Người phát ngôn này nói rằng các cuộc nhóm họp ngoại giao này đã được tổ chức 3 lần kể từ tháng 11/2017 và sẽ còn tiếp tục." Tuy nhiên, việc các cuộc họp của Bộ Tứ không thể đưa ra một tuyên bố chung cho thấy có một sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm của các nước thành viên về những vấn đề quan trọng, bao gồm cả nhu cầu và hình thức hợp tác an ninh.

Một ví dụ khác là bài viết với tiêu đề "Chiến lược châu Á của Mỹ: Vượt trên cả Bộ Tứ" của nhà phân tích hàng đầu ở Washington, Patrick Cronin. Mặc dù Cronin vẫn khẳng định rằng "mọi việc đều ổn," song dường như bài viết là một nỗ lực nhằm tỏ ra lạc quan trong khi khái niệm Bộ Tứ đang "hấp hối."

Ông Cronin khẳng định rằng chẳng có "ý nghĩa được che giấu nào" trong phát biểu của Đô đốc Davidson, ví dụ như "dấu hiệu Mỹ sẽ giảm bớt (sự tham gia của mình vào Bộ Tứ), bất đồng ngày càng tăng với New Delhi, hay một động thái báo hiệu chính phủ Australia sẽ có động thái mới để một lần nữa làm đóng băng Bộ Tứ (như từng làm hồi năm 2008)."

Việc Mỹ giảm bớt sự tham gia hay việc chính phủ Australia rút khỏi Bộ Tứ chỉ là những điều không đáng kể và không phải là những lý do nghiêm trọng để từ bỏ khái niệm này - ít nhất không phải là trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chắc chắn có sự bất đồng với New Delhi, cũng như là với một số quốc gia Đông Nam Á khác, về vấn đề này.

Ông Cronin và những người ủng hộ Bộ Tứ trong tương lai đã không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của tình thế khó xử mà các nước thành viên Bộ Tứ sẽ phải đối mặt. Cựu Thủ tướng Tony Abbott từng có phát biểu nổi tiếng rằng "chính sách Trung Quốc của Australia bị chi phối bởi nỗi sợ và tính tham lam." Những cảm xúc sâu sắc này cùng những biểu hiện của nó trong chính trị nội bộ và ảnh hưởng của giới truyền thông sẽ khiến các thành viên tương lai của Bộ Tứ phải rất khó khăn khi đưa ra quyết định.

Động lực kinh tế, ảnh hưởng và sự hào phóng của Trung Quốc là những điều rất rõ ràng trong thời đại ngày nay. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của cả Australia và Ấn Độ, và đặc biệt Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu cho các nguyên liệu thô của hai quốc gia này. Australia cũng là quốc gia đứng thứ hai trong số các nước nhận nhiều nhất đầu tư trực tiếp của Trung Quốc.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ và chiếm tới gần 20% tổng số hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản. Những mối quan hệ kinh tế này rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới quan điểm của các nước thành viên Bộ Tứ đến từ châu Á trong tương lai.

Tuy nhiên, sự lo ngại về Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng. Trên thực tế, tại Australia hiện đang xuất hiện một cuộc tranh luận giữa những người theo chủ nghĩa thực tế - vốn thấy trước hoặc chấp nhận điều không thể tránh khỏi là sự chi phối và ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, cũng như đối với xã hội và các giá trị của họ - với những người theo chủ nghĩa lý tưởng, vốn "sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm những lợi ích kinh tế để bảo toàn các giá trị phương Tây và trật tự thế giới hiện nay."

Về mặt địa chính trị, Nhật Bản lại ở một vị trí hoàn toàn khác. Tại Nhật Bản, đối với vấn đề Trung Quốc, sự lo ngại vượt trên cả sự hám lợi. "Cơn ác mộng" tồi tệ nhất của Nhật Bản là bị khuất phục trước một Trung Quốc - quốc gia vốn luôn đòi trả thù Nhật Bản vì những hành động quân sự của nước này tại Trung Quốc trước và trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nhật Bản lo ngại rằng nếu Trung Quốc có cơ hội, nước này sẽ hành động đúng như vậy.

Ấn Độ - thành viên của Phong trào không liên kết - đối mặt với một vấn đề hoàn toàn khác. Sự hám lợi cũng đóng một vai trò. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể gây sức ép đối với Ấn Độ để buộc nước này phản đối hoặc trì hoãn việc tham gia các hoạt động quân sự của Bộ Tứ, bằng cách rút lại những hỗ trợ mà Ấn Độ đang rất cần để phát triển cở sở hạ tầng, gây căng thẳng quân sự dọc theo các khu vực biên giới có tranh chấp giữa hai nước, tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương và gia tăng hỗ trợ quân sự cho kẻ thù của Ấn Độ là Pakistan.

Điều này đã được thể hiện khi các đại diện cấp cao của các quốc gia thành viên Bộ Tứ gặp nhau bên lề các cuộc họp do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức năm 2017, chính phủ Ấn Độ đã đánh giá thấp cuộc gặp này và không cùng các thành viên còn lại công nhận nhu cầu "hợp tác về an ninh hàng hải." Hơn nữa, cuộc chiến thương mại có nguy cở xảy ra giữa Ấn Độ và Mỹ cho thấy Ấn Độ sẽ không có lợi ích gì khi tham gia Bộ Tứ.

Nhà phân tích Cronin khẳng định trong bài viết của mình rằng "Bộ Tứ là một lực lượng dự phòng hơn là lực lượng có khả năng hành động trên thực tế, ít nhất là trong thời điểm hiện nay." Ông cũng viết: "Các liên minh là những cộng đồng quân sự ngầm, và hiện nay Bộ Tứ có thể được coi là cộng đồng an ninh hàng hải ngầm hiệu quả nhất". Mặc dù thực tế đúng là vậy, song nhiều người cũng đang ngầm thừa nhận rằng Bộ Tứ đang suy tàn - ít nhất là với tư cách một liên minh. Bộ Tứ nên "giải tán và bị chôn vùi," trong bối cảnh sức ép về chính trị và kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn cản liên minh này đạt được thành tựu.

Nhà phân tích người Australia, Hugh White, đã viết: "Liệu có tưởng tượng được rằng Ấn Độ sẵn sàng hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc để ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, hay Nhật Bản sẽ mạo hiểm những lợi ích của mình với Trung Quốc để ủng hộ Ấn Độ trong các tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc? Hay Australia sẽ từ bỏ thương mại với Trung Quốc vì cả Ấn Độ và Nhật Bản, hoặc thậm chí là để ủng hộ Mỹ?"

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng nói rằng khái niệm Bộ Tứ giống như "bọt biển ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương: có thể thu hút sự chú ý, nhưng sẽ sớm tiêu tan." Có vẻ như ông đã đúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục