Đối thoại Australia-Mỹ và phản ứng của Trung Quốc

Tại sự kiện này, Australia đã đồng ý hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy một liên minh các quốc gia dân chủ nhằm đối phó các tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.
Đối thoại Australia-Mỹ và phản ứng của Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: lowyinstitute.org)

Theo trang mạng abc.net.au/sbs.com.au/asiatimes.com/AFP/RFI, sau những bức xúc về vai trò dẫn đầu của Australia trong lời kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), vốn xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, Bắc Kinh lại một lần nữa bị Canberra chọc giận khi Australia và Mỹ tiến hành Đối thoại 2+2.

Đây là cuộc hội đàm giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước với trọng tâm chính là cách ứng phó với COVID-19 và với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tại sự kiện này, Australia đã đồng ý hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy một liên minh các quốc gia dân chủ nhằm đối phó các tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, mặc dù cũng nhấn mạnh sẽ không tham gia đội tàu thực hiện chiến dịch tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại khu vực Biển Đông.

Australia khẳng định độc lập trong chính sách với Mỹ...

Theo bài viết trên trang sbs.com.au, những ngày gần đây cả Mỹ và Australia đều tăng cường giọng điệu chống lại Trung Quốc.

Trong một công hàm trình lên Liên hợp quốc hồi tuần trước, Australia đã chính thức tuyên bố rằng các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại vùng Biển Đông tranh chấp là “không có cơ sở pháp lý.” Dĩ nhiên, động thái này đã chọc giận Trung Quốc và được Mỹ hưởng ứng.

[Mỹ, Australia kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông theo luật quốc tế]

Theo abc.net.au, tại một cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ca ngợi Australia vì dám đứng lên bất chấp sức ép của Trung Quốc, đồng thời nói rằng Mỹ và Australia sẽ tiếp tục hợp tác để tái khẳng định quy tắc pháp lý ở Biển Đông.

Bình luận về động thái này của Australia, Hervé Lemahieu, Giám đốc Chương trình Quyền lực và Chính sách Ngoại giao của châu Á, nhận định rằng Australia đã thực hiện bước đi này dù nhận thức được rõ là sẽ có những xáo trộn về mặt ngoại giao.

Ông nói: “Đây là một bước đi của Australia để tiến vào mớ xung đột ngoại giao Biển Hoa Nam, song vẫn kiên định với các tiền lệ pháp lý quốc tế và nhận thức về cách mà luật biển nên được điều phối.”

RFI cho biết trong khuôn khổ cơ chế Tham vấn cấp bộ trưởng thường niên Mỹ-Australia (AUSMIN) diễn ra ngày 28/7 tại Washington, phái đoàn Australia đã tỏ ý từ chối đề nghị tăng cường các chuyến tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông mà phía Mỹ đề xuất, cho dù vẫn khẳng định liên minh chặt chẽ giữa hai bên.

RFI trích nguồn kênh truyền thông ABC (Australia) đưa tin phía Australia có dấu hiệu không đồng ý với việc Mỹ muốn Canberra tăng thêm các cuộc tuần tra nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds chỉ xác nhận là hai bên đã có thảo luận về đề nghị của Mỹ, nhưng không nói gì về câu trả lời của phía Australia mà chỉ khẳng định: “Chúng tôi vẫn nhất quán trong cách tiếp cận. Sẽ tiếp tục đi qua khu vực đúng theo quy định của luật pháp quốc tế.”

Về phần Ngoại trưởng Australia Marise Payne, bà nhấn mạnh rằng dù có nhiều điểm chung với Mỹ, hai bên không phải lúc nào cũng cùng chung quan điểm trong mọi vấn đề.

Bà nói thêm: “Mối quan hệ của Australia với Trung Quốc rất quan trọng, điều mà chúng tôi không muốn làm tổn thương.” Trong cuộc họp báo sau hội nghị, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ với Trung Quốc, song cũng nói rằng Canberra sẽ không đưa ra những quyết định có thể gây tổn hại lợi ích quốc gia của Australia.

Ngoài ra, dù tái khẳng định cam kết của Canberra với hiệp ước Mỹ-Australia, song bà cũng nhấn mạnh rằng Australia sẽ vẫn theo đuổi các chính sách độc lập với cả Mỹ lẫn đối tác thương mại thân thiết Trung Quốc.

Trang asiatimes.com dẫn lời bà phát biểu trước báo giới ngày 29/7: “Chúng tôi có truyền thống rõ ràng là đưa ra những quyết định phù hợp với lợi ích quốc gia của Australia. Chúng tôi không nhất trí về mọi thứ - đó là một phần của một mối quan hệ đáng coi trọng.”

Trước đó hồi năm ngoái, Australia còn cho biết sẽ không đáp ứng yêu cầu về một căn cứ cho các tên lửa tầm trung của Mỹ, vốn được coi là một phương tiện nhắm vào Trung Quốc.

... nhưng vẫn bị Bắc Kinh “răn đe”

Ngay sau hội nghị giữa các bộ trưởng Mỹ-Australia ở Washington, Trung Quốc đã bày tỏ phản ứng bằng cách gửi đi một lời cảnh báo đến Canberra rằng nước này không nên “đi quá xa trên con đường làm tổn hại mối quan hệ song phương.”

Lời cảnh báo này được đưa ra sau tuyên bố của Bắc Kinh rằng “bất cứ nỗ lực nào nhằm gây sức ép lên Trung Quốc đều sẽ không bao giờ thành công.”

Bài viết trên trang tin abc.net.au của Australia dẫn lời phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia nói: “Bắc Kinh cực lực phản đối và bác bỏ những cáo buộc không có cơ sở và những lời công kích chống Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông được đưa ra trong Tuyên bố Chung của cuộc Tham vấn cấp bộ trưởng thường niên Mỹ-Australia."

AFP còn cho biết ngay lúc các bộ trưởng của Australia và Mỹ gặp mặt, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp của một nước đồng minh khác của Mỹ là Pháp, cũng đã lên tiếng “tố cáo Washington vì đưa ra những “khiêu khích đối đầu một cách liều lĩnh.”

Hồi đầu tháng, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành “chiến dịch bắt nạt” để nỗ lực xây dựng một “đế chế hàng hải” tại vùng Biển Đông. Australia đã theo gương Mỹ gửi một công hàm lên Liên hợp quốc nói rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc “không phù hợp” với luật pháp quốc tế.

Trong công hàm có đoạn viết: “Chúng tôi kiên quyết tận tâm với việc duy trì ổn định và hòa bình khu vực.”

Theo AFP, bất chấp sự phụ thuộc về thương mại của Australia vào Trung Quốc, chính phủ thiên hữu của Thủ tướng Scott Morrison vẫn tích cực ủng hộ Mỹ trong các mâu thuẫn với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề COVID-19 và Biển Đông và các vấn đề về nhân quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục