Đối thoại cấp cao Nhật-Triều về công dân Nhật Bản bị bắt cóc

Ngày 1/7, tại Bắc Kinh, đối thoại liên chính phủ Nhật-Triều diễn ra nhằm thảo luận về công dân Nhật bị bắt cóc ở Triều những năm 70-80 thế kỷ trước.
Đối thoại cấp cao Nhật-Triều về công dân Nhật Bản bị bắt cóc ảnh 1Nhật Bản và Triều Tiên tổ chức hội đàm tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh ngày 30/3. (Nguồn: AFP)

Ngày 1/7, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đối thoại liên chính phủ Nhật Bản-Triều Tiên đã diễn ra nhằm thảo luận chi tiết thỏa thuận hai bên đã đạt được trong cuộc đàm phán tại Stockholm (Thụy Điển) hồi tháng Năm vừa qua về việc thành lập ủy ban điều tra lại số phận các công dân Nhật Bản bị bắt cóc trên lãnh thổ Triều Tiên trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.

Cuộc đối thoại lần này diễn ra trong không khí căng thẳng liên quan đến việc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn hồi cuối tuần qua.

Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara đã bày tỏ với đoàn Triều Tiên sự phản đối mạnh mẽ về vụ bắn thử tên lửa trên, nhấn mạnh rằng động thái như vậy đã vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Đại sứ phụ trách đàm phán bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản của Triều Tiên, Song Il Ho đã bác bỏ, cho rằng vụ bắn tên lửa chỉ là một "thử nghiệm hòa bình."

Ông Song Il Ho cũng cho biết trong phiên sáng 1/7 sẽ chuyển cho Nhật Bản kế hoạch chi tiết về việc thành lập ủy ban điều tra lại về số phận các công dân Nhật Bản bị bắt cóc.

Theo Kyodo, đoàn Nhật Bản sẽ nhận kế hoạch chi tiết về việc thành lập ủy ban điều tra lại mà đoàn Triều Tiên đưa ra. Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng nội các của mình sẽ xem xét cụ thể. Nếu các tài liệu của Triều Tiên đáng tin cậy, Chính phủ Nhật Bản sẽ có quyết định chính thức về việc nới lỏng hạn chế đối với Triều Tiên sớm nhất vào cuối tuần này.

Sau cuộc đàm phán tại Thụy Điển hồi tháng Năm vừa qua, Nhật Bản và Triều Tiên đã có bước tiến đáng kể nhằm thúc đẩy quan hệ. Triều Tiên đã đồng ý tiến hành điều tra toàn diện về số phận các công dân Nhật Bản bị bắt cóc, trong khi Nhật Bản cam kết sẽ xem xét lại một số biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên.

Cụ thể, Triều Tiên sẽ thành lập một Ủy ban điều tra đặc biệt để tìm hiểu các thông tin từ các đơn vị trong nước và sẽ cung cấp thông tin điều tra cho Nhật Bản. Đổi lại, Nhật Bản sẽ giảm bớt sự hạn chế du lịch của Triều Tiên sang nước này và xem xét lại lệnh cấm nhập cảnh của các tàu Triều Tiên mang mục đích nhân đạo.

Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản và cho biết 8 người trong số đó đã chết tại Triều Tiên, 5 người khác đã được trao trả về Nhật Bản.

Tuy nhiên, phía Nhật Bản cho rằng Triều Tiên đã bắt cóc 17 người; đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trả về nước những con tin mà Tokyo cho là vẫn còn sống tại Triều Tiên. Năm 2008, Triều Tiên đã cam kết điều tra lại vấn đề này, song kết quả chưa làm Tokyo hài lòng./.

Tin cùng chuyên mục