Đối thoại dân tộc Ai Cập đồng thuận luật bầu cử QH

Cuộc đối thoại dân tộc do Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đứng đầu, đã đạt được sự đồng thuận cao về sửa đổi Luật bầu cử quốc hội.
Hãng thông tấn chính thức của Ai Cập MENA dẫn thông báo của Phủ Tổng thống Ai Cập ngày 1/1 cho biết cuộc đối thoại dân tộc do Tổng thống Mohamed Morsi đứng đầu, đã đạt được sự đồng thuận về sửa đổi Luật bầu cử quốc hội.

Thông báo nêu rõ: "Để Luật bầu cử phù hợp với Hiến pháp mới, vòng sáu của cuộc đối thoại dân tộc tổ chức trong hai ngày 31/12 và 1/1 đã thảo luận một số điều sửa đổi. Sự nhất trí này sẽ được chuyển tới nội các và trình thượng viện, theo đó duy trì số thành viên của Hạ viện là 498 người".

Toàn bộ 90 thành viên mới của Thượng viện do Tổng thống Morsi chỉ định ngày 22/12/2012, sẽ tuyên thệ khi Thượng viện nhóm họp phiên đầu tiên.

Đối thoại dân tộc do Tổng thống Morsi khởi xướng nhằm thu hút tất cả các lực lượng chính trị ở Ai Cập.

Vòng bảy của cuộc đối thoại sẽ được tiến hành vào ngày 9/1 tới để thảo luận những điều khoản hiến pháp còn tranh cãi và các đề xuất sửa đổi. Hiện Thượng viện đảm đương quyền lập pháp cho đến khi quốc hội được bầu.

[Tổng thống Ai Cập đã ký ban hành Hiến pháp mới]


Hiến pháp mới của Ai Cập vừa được thông qua tuần trước với hơn 63% số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành làm hai đợt. Tỷ lệ cử tri tham gia là xấp xỉ 64%.

Ai Cập rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Morsi đắc cử sau khi Hội đồng Lập hiến do phong trào Anh em Hồi giáo chiếm đa số thông qua dự thảo Hiến pháp mới hồi tháng trước.

Các cuộc biểu tình của lực lượng ủng hộ Tổng thống Morsi và phe đối lập diễn ra gần như thường nhật tại thủ đô Cairo.

Theo giới quan sát khu vực, việc dự thảo Hiến pháp mới được thông qua sẽ không giúp Ai Cập chấm dứt được bế tắc chính trị hiện nay mà ngược lại, có thể càng châm ngòi cho các hoạt động phản đối bùng nổ mạnh mẽ hơn.

Mặt trận Cứu quốc (FN), phe đối lập chính tại Ai Cập, đã coi cuộc trưng cầu ý dân này "chỉ là một trận đánh" và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh vì nhân dân Ai Cập. Ông Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và hiện là thủ lĩnh FN, cho rằng việc thông qua Hiến pháp mới sẽ "thể chế hóa sự bất ổn tại Ai Cập".

Theo ông, bản Hiến pháp này chỉ nên coi là tạm thời cho đến khi một dự thảo hiến pháp khác được soạn thảo dựa trên sự đồng thuận giữa tất cả các bên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục