Đối thoại giữa tiếng đàn piano và nghệ thuật Hát văn

Chương trình được trình diễn vào 20 giờ tối 22/8 tới tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và 20 giờ tối 31/8 tới tại Nhà Hát TP Hồ Chí Minh.
Hát văn với sức hấp dẫn kỳ lạ đã truyền cảm hứng cho Phó An My đưa ra những ý tưởng vô cùng mới mẻ. Để rồi một lần nữa, nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên với bút pháp sáng tác rất riêng của mình lại tiếp tục cùng Phó An My dấn thân vào cuộc chơi sáng tạo âm nhạc đầy táo bạo.

Bóng đã là đêm ra mắt mở màn trong năm nay của hai nghệ sỹ. Không dựa trên ngôn ngữ trong âm nhạc hát văn, nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên lấy cảm hứng từ những lời thơ cổ để tạo ra nhiều nhân vật với nhiều tính cách khác nhau qua những biến tấu ngẫu hứng từ cây đàn piano. Tác phẩm sẽ được thể hiện với cây đàn piano và nghệ thuật hát văn như hai thực thể độc lập song song tồn tại nhưng vẫn giao thoa, bồi đắp cho nhau.

Nghệ sỹ Piano Phó An My và Nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên

Nghệ sỹ piano Phó An My được công chúng biết đến lần đầu tiên với buổi trình diễn độc tấu Piano năm 2005 tại l’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp). Liên tiếp những năm sau đó Phó An My thường xuyên có những buổi trình diễn gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khán thính giả trong nước và quốc tế.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc nên từ khi 5 tuổi, Phó An My đã làm quen với chiếc đàn piano; 13 tuổi, chị sang Berlin, Đức, thi đỗ vào Trường E.M. Phillips Bach - một trong những trường đào tạo âm nhạc tốt ở Đức. Chị từng đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của thành phố Berlin năm 1996 và tốt nghiệp loại xuất sắc, năm 1998.

Lựa chọn trường phái piano cận đại, Phó An My đã thể hiện được một tiếng đàn giàu cảm xúc, phô diễn kỹ thuật điêu luyện với phong thái ngẫu hứng riêng biệt. Những chương trình như "Phiêu Thanh," "Lửa thiêng" vào năm 2008. Những điều còn mãi với "Bồng Bềnh," năm 2009,“Tiếng thốt,” năm 2010 đều được sử dụng những ngôn ngữ âm nhạc dân gian Việt Nam như Tuồng tích, Hò mái đẩy Huế, Hát Cọi dân ca Tày; đặc biệt phù hợp với phong cách piano cận đại được cho là độc đáo nhất Việt Nam của Phó An My.

Song hành cùng tên tuổi của Phó An My là những bản khí nhạc của nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên. Bắt đầu sự nghiệp với tác phẩm "Khúc ngẫu hứng" viết cho piano và cello tại vòng chung kết cuộc thi dành cho nhạc sỹ trẻ châu Á tại Seoul của Hàn Quốc. Với phong cách sáng tác đặc biệt cùng với trình độ hiểu biết sâu sắc về khí nhạc, từ năm 2005, Đặng Tuệ Nguyên luôn tìm kiếm, sáng tạo ngôn ngữ âm nhạc mới trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam.

Những tác phẩm của Đặng Tuệ Nguyên được viết như cuộc đối thoại bằng âm sắc của cây đàn piano với âm nhạc dân gian Việt Nam. Trong những tác phẩm của Đặng Tuệ Nguyên, âm nhạc dân gian Việt Nam luôn được trân trọng không bóp méo hay biến tấu được sử dụng một cách công bằng và khéo léo với kỹ thuật khí nhạc phương Tây. Tác phẩm luôn được giới chuyên môn đánh giá cao bởi kỹ thuật sáng tác tinh tế cũng như sự sáng tạo đặc biệt hấp dẫn và nhuần nhuyễn giữa hai luồng tư duy Đông-Tây.

Bắt nguồn từ cảm hứng và sức hấp dẫn kỳ lạ với loại hình nghệ thuật - nghi lễ tôn giáo - văn hóa dân gian: hát Văn, nghệ sỹ Phó An My cùng nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên lại một lần nữa cuốn mình, tiếp tục đào sâu hơn về mặt âm nhạc, sân khấu, cũng như có thêm sự tham gia của các nghệ nhân hàng đầu Việt Nam.

Chương trình sẽ chính thức trình diễn trước công chúng vào 20 giờ tối 22/8 tới tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và 20 giờ tối 31/8 tới tại Nhà Hát Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Bóng,” với 5 biến thể gọi là Nhập. Xen giữa các Nhập là phần biểu diễn cổ của các nghệ nhân hát Văn lừng danh.

Cây đàn Piano và hát Văn lúc này sẽ như hai thực thể độc lập song song tồn tại, giao thoa, bồi đắp, nhưng vẫn không nhòa lẫn bản sắc riêng biệt, độc đáo của nhau. Chắc chắn chương trình sẽ tạo ra một không gian đầy ắp cảm xúc với cái nhìn mới đầy sáng tạo, làm hài lòng các khán giả Việt Nam và quốc tế tại Việt Nam.

Văn hóa Đạo Mẫu trong tác phẩm “Bóng”

Giáo sư, tiến sỹ Ngô Đức Thịnh nói: “Loài người có chung ước vọng, đó là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, với thần linh và với đồng loại. Chính âm nhạc và nhảy múa sẽ giúp con người có thể đạt tới ước vọng cao cả đó.”

Người Việt từ xưa đã có tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu và thờ Tam - Tứ phủ hay gọi chung là Đạo mẫu. Đây là một tín ngưỡng đẹp của dân tộc Việt, đáp ứng những nhu cầu tinh thần và những khát vọng tâm linh trong đời sống thường nhật của người dân. Bởi vậy, đạo mẫu phổ biến khá rộng rãi, không chỉ với người Việt mà còn nhiều tộc người khác trong cả nước.

Hầu bóng mà đặc trưng nhất là tục thờ Tứ phủ là tín ngưỡng gắn liền với tâm linh người Việt từ hàng nghìn năm nay.Tứ phủ hình thành từ quan niệm thế giới có bốn cõi là Thiên phủ (trên trời), Địa phủ (dưới đất), Thoải phủ (dưới nước) và Nhạc phủ (trên rừng). Hầu bóng chính là lễ nghi nhập hồn của các vị thánh vào thân xác các ông đồng - bà cốt.

Khi các vị thánh đã nhập Đồng, Đồng chính là các vị thánh hiển linh để phán truyền, ban phúc. Nghi lễ tín ngưỡng này được thực hiện dưới hình thức diễn xướng âm nhạc, phục trang gọi chung là hát Văn hay hát Chầu Văn.

Hầu bóng hay Lên đồng bao gồm 36 giá, mỗi giá có âm nhạc, trang phục, lời ca, điệu múa khác nhau, phù hợp với nội dung diễn xướng. Trong đó, giọng hát, đàn nguyệt, trống nhỏ, cảnh đôi là những đặc trưng quan trọng nhất làm nên tính chất của nghệ thuật âm nhạc Cung văn.

Nghệ sỹ piano Phó An My sẽ diễn vai trò chủ chốt như một ông đồng - bà cốt để thánh nhập vào và sẽ sống cùng các nhân vật khác nhau ở mỗi giá đồng. Tác phẩm được lấy tên chung "Bóng," với bốn biến thể gọi là Nhập. Xen giữa các Nhập là phần hát Văn cổ của nghệ nhân hát văn.

Chương trình gồm Ouverture với "Nghênh thần," Nhập 1 là "Mẫu Cửu Trùng Thiên," Nhập 2 với "Ông Hoàng," Nhập 3 là "Cô bơ" do nghệ sỹ Nhân dân Thanh Hoài trình bày và Nhập 4 với "Cậu bé đồi ngang"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục